Đây là bước đi mới của Vodafone trong chiến lược mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tổng hợp, gồm điện thoại di động, truyền hình, Internet, cáp quang băng thông rộng tới khách hàng ở khu vực châu Âu.
Hiện tại, Vodafone đang rất “mạnh đạn”, sau khi bán lại 45% cổ phần trong Liên doanh Verizone Wireless (Mỹ) cho Tập đoàn Verizon Communications (Mỹ) để thu về 130 tỷ USD vào đầu tháng 9/2013. Bằng việc bán đứt số cổ phần này, Vodafone đã rút lui khỏi thị trường Mỹ. Nhiều nhà phân tích bình luận rằng, Vodafone, đứng đầu là ông Vittorio Colao, Giám đốc điều hành (CEO) đang ưu tiên “chinh chiến” ở các thị trường gần ở khu vực châu Âu, thay vì ở Mỹ, mãi tận bên kia bờ Đại Tây Dương. Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán giữa Vodafone và các qũy đầu tư tư nhân, gồm Providence Equity Partners, Thomas H Lee Partners, CCMP Capital Advisors và Quadrangle Capital sở hữu cổ phần chi phối của Ono. Với hơn 1,5 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ băng thông rộng, khoảng 1 triệu thuê bao di động và 7,2 triệu gia đình sử dụng mạng cáp quang, Ono hiện là nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng, truyền hình trả tiền và điện thoại cố định lớn thứ hai của Tây Ban Nha, chỉ sau Telefonica SA.
Tuy nhiên, như chính ông José María Castellano Ríos, Chủ tịch Ono (nguyên là Chủ tịch Inditex, tập đoàn dệt may lớn nhất Tây Ban Nha) thừa nhận, Ono đang phát triển tới ngưỡng không thể bứt lên, nếu cứ tiếp tục đi một mình. Bằng chứng là, năm 2003, doanh thu của Ono chỉ đạt 686 triệu euro, giảm 8,8% so với năm 2012. “Vì thế, Ono cần phải có đối tác chiến lược mạnh mới có thể tính đến chuyện phát triển dài lâu”, ông José María Castellano Ríos nói.
Nắm bắt được cơ hội, Vodafone đã nhảy vào đàm phán để mua lại Ono và đã thành công. “Sự kết hợp giữa Vodafone và Ono sẽ tạo ra nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc hàng đầu tại Tây Ban Nha và mang lại cơ hội tạo ra giá trị hấp dẫn cho Vodafone”, ông Vittorio Colao khẳng định và cho biết thêm, nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ thông tin liên lạc ở Tây Ban Nha đang tăng mạnh trong những năm gần đây và thỏa thuận vừa đạt được sẽ giúp Vodafone cung cấp những dịch vụ tốt nhất tại thị trường nước này. Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn thứ hai của Vodafone trong vòng sáu tháng trở lại đây.
Vào tháng 9/2013, Tập đoàn này đã mua lại Kabel Deutschland, công ty cung cấp dịch vụ truyền hình cáp lớn nhất của Đức, với giá 7,7 tỷ euro (hơn 10,6 tỷ USD). Việc mua lại Kabel Deutschland đã tạo điều kiện cho Vodafone tiếp cận 32,4 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ di động, 5 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ băng thông rộng và 7,6 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình ở Đức. Một số chuyên gia viễn thông “đoán già đoán non” rằng, mục tiêu M&A tiếp theo của Vodafone có thể là Kênh truyền hình ITV hay Kênh Channel 5 ở Anh (mà ông chủ Richard Desmond đang rao bán). Song ngay lập tức, ông Vittorio Colao đã loại trừ khả năng này. “Vào thời điểm này, Vương quốc Anh không nằm trong tầm ngắm của chúng tôi”, ông Vittorio Colao nói.
Thế nhưng, khi đưa ra thông tin này, ông Vittorio Colao dường như phần nào lại mâu thuẫn với chính mình, bởi cách đây không lâu, ông đã mạnh mồm phát biểu trước báo giới rằng: “Vodafone sẽ dành tới 30 tỷ đến 40 tỷ USD để sẵn sàng thực hiện các thương vụ M&A. Không mục tiêu nào được xem là quá lớn, miễn là phải mang lại lợi ích đích thực và ý nghĩa chiến lược cho Tập đoàn”.
Ông Henri Tcheng, chuyên gia phân tích của Hãng BearingPoint, có trụ sở ở London (Anh) nhận xét, xét về mặt lịch sử, Vodafone chỉ thuần tuý là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, song xét trên khía cạnh chiến lược và tương lai lâu dài, Vodafone sẽ phải lấn sân sang lĩnh vực băng thông rộng tốc độ cao, truyền hình kỹ thuật số.
Có bằng cử nhân về quản lý kinh tế của Đại học Bocconi (Milano – Italia), bằng thạc sỹ về quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Harvard (Mỹ), ông Vittorio Colao hiện được đánh giá là một CEO tài ba. Trong vòng hơn 5 năm kể từ khi lên nắm quyền CEO (từ tháng 7/2008), ông đã làm cho Vodafone “thay da đổi thịt”.
Ông Vittorio Colao cũng chia sẻ với nhận xét trên khi nhận định: “Vodafone đang trở thành một công ty rất khác với chính mình cách đây 2 năm. Ở từng nước mà Vodafone có mặt, chúng tôi đều có cách tiếp cận hết sức thực tế để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tổng hợp, đồng bộ với chất lượng tốt, thông qua sự phối hợp giữa mua lại, xây dựng và cho thuê”.
Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)