Kinh tế đóng vai trò rất lớn đối với chất lượng cuộc sống của mọi người chúng ta và các nhà kinh tế là những người có tác động quan trọng tới các chính sách kinh tế được ban hành cũng như sự vận hành của nó.
Những thành tựu và đóng góp của họ không chỉ có lợi cho “sức khỏe” của nền kinh tế đương thời, mà còn giúp tạo đà phát triển cho kinh tế ngày nay.
1. Adam Smith (1723–1790)
Adam Smith là một nhà triết học và là nhà kinh tế chính trị học người Scotland, người mở đường cho phát triển lý luận kinh tế. Ông nổi tiếng với cuốn sách “The wealth of nations” (tạm dịch là “Nguồn gốc của cải của các quốc gia”) xuất bản năm 1776. Đây là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất và nổi tiếng nhất về thương mại và công nghiệp, được xem là tạo nên nền tảng cho các nguyên lý và chính sách kinh tế trên thế giới.
Adam Smith kịch liệt phản đối chủ nghĩa trọng thương và ủng hộ cho tự do thương mại và cạnh tranh, chính điều này là một thách thức đối với những hàng rào thuế quan bảo hộ đương thời. Các tư tưởng kinh tế của Adam Smith cũng ảnh hưởng tới các quốc gia mậu dịch khác và Adam Smith xứng đáng được gọi là “Người cha của kinh tế học hiện đại.”
Nhà kinh tế chính trị học Adam Smith. (Nguồn: YouTube)
2. Karl Marx (1818–1883)
Karl Marx là nhà tư tưởng người Đức gốc Do thái, và cũng là nhà kinh tế chính trị kinh điển, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Ông là một học giả có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực học thuật như triết học, kinh tế chính trị học, xã hội học, sử học…
Khi phát triển cách tiếp cận kinh tế học theo chủ nghĩa Marx, ông đã tạo ra những thuật ngữ của riêng mình như: giá trị thặng dư, tái sản xuất, tư sản và vô sản, chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ông cũng chính là người sáng tạo ra thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản”. Những đóng góp của Marx đối với sự phát triển kinh tế đương đại ngày càng được công nhận rộng rãi.
3. John Maynard Keynes (1883–1946)
John Maynard Keynes là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nên Kinh tế học Keynes, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị, cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ.
Ông cho rằng sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế là cần thiết để làm giảm đi những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái hay bùng nổ kinh tế. Keynes có vai trò rất lớn trong việc giảm những ảnh hưởng bất lợi do cuộc Đại khủng hoảng (1929-1933) gây ra.
Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes. (Nguồn: pbs.org)
Chính sách Keynes đã “tái xuất” trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, nhất là tại nước Anh, nơi Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown đã áp dụng biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với khủng hoảng. Ông Keynes là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
4. Milton Friedman (1912–2006)
Milton Friedman là một nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel năm 1976 nhờ những đóng góp trong phân tích chi tiêu tiêu dùng, lịch sử và lý luận tiền tệ, giải thích sự phức tạp của các chính sách ổn định kinh tế.
Là người ủng hộ thị trường tự do, ông đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế học vĩ mô, kinh tế học vi mô, lịch sử kinh tế và thống kê. Quan điểm của ông về chính sách tiền tệ, thuế khóa, tư nhân hóa và giảm bớt sự can thiệp của chính phủ đã có tác động to lớn tới chính sách của nhiều nước trên thế giới.
5. Jan Tinbergen (1903–1994)
Jan Tinbergen là nhà kinh tế học người Hà Lan, đã được trao giải Nobel kinh tế trong năm 1969 cùng với Ragnar Frisch vì đã phát triển và áp dụng các mô hình động trong phân tích các quá trình kinh tế.
Ông được coi là người tiên phong trong lĩnh vực toán kinh tế, việc áp dụng các mô hình kinh tế vĩ mô nhằm giúp các nước đưa ra các chính sách kinh tế quan trọng. Phương pháp này đang được áp dụng trong nghiên cứu kinh tế hiện nay.
6. John Forbes Nash, Jr. (1928–2015)
John Forbes Nash là một nhà toán học người Mỹ với chuyên ngành lý thuyết trò chơi và hình học vi phân. Các học thuyết của ông được sử dụng trong kinh tế, điện toán, trí tuệ nhân tạo, sinh học tiến hóa, kế toán và chính trị. Năm 1994, ông nhận được giải thưởng Nobel về kinh tế cùng với hai nhà lý thuyết trò chơi khác là Reinhard Selten và John Harsanyi.
Hiện nhà kinh tế học quá cố John Nash được xếp vị trí số 1 trong những nhà kinh tế học từng được giải Nobel có đóng góp vĩ đại nhất đến phát triển nhân loại.
7. Muhammad Yunus (1940)
Muhammad Yunus, một nhà kinh tế học người Bangladesh, là người phổ biến khái niệm tín dụng vi mô (cho những người dân rất nghèo vay các khoản tín dụng nhỏ) và là người sáng lập Grameen Bank (Ngân hàng nông thôn). Grameen Bank tuy không hoạt động theo nguyên tắc khai thác lợi nhuận tối đa nhưng định hướng làm ăn có lãi, với 97% khách hàng của ngân hàng này là phụ nữ.
Muhammad Yunus, một nhà kinh tế học người Bangladesh. (Nguồn: social.yourstory.com)
Năm 2006, Muhammad Yunus được đồng trao tặng Giải Nobel Hòa bình với chính ngân hàng của ông. Ông còn được gọi là “nhà bảo trợ” người nghèo và tín dụng vi mô đang được áp dụng tại nhiều nước đang phát triển nhằm giảm tỷ lệ đói nghèo.
8. Steven D. Levitt (1967)
Steven D. Levitt là nhà kinh tế học người Mỹ và được biết đến từ khi còn rất trẻ. Anh nhận huân chương John Bates Clark năm 2003 khi 36 tuổi. Đây là huân chương dành cho những nhà kinh tế học dưới 40 tuổi đã có những đóng góp quan trọng về tri thức kinh tế.
Ông nổi tiếng vói tác phẩm “Kinh tế học hài hước” (Freakonomics với đồng tác giả là nhà báo Stephen J. Dubner), cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times – với hơn 4 triệu bản được dịch ra 35 thứ tiếng, thực sự là cuộc cách mạng trong tư duy khiến bất cứ ai từng đọc qua cũng phải thay đổi cách nhìn nhận về thế giới xung quanh. Tuy không viết theo một chủ đề thống nhất và cũng không đưa ra một kết luận cụ thể nào, nhưng cuốn sách đã mang lại một cách nhìn mới về xã hội.
Cuốn sách xuất bản năm 2005 này đã sử dụng khoa học kinh tế như một bộ công cụ để khám phá, giải thích các vấn đề xã hội mà các nhà kinh tế truyền thống không đề cập tới.
9. Warren Buffett (1930)
Warren Edward Buffett là một nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện người Mỹ. Ông là nhà đầu tư thành công nhất thế giới thế kỷ XX, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway, và được tạp chí Forbes xếp ở vị trí người giàu thứ ba thế giới năm 2015, với tài sản chừng 73 tỷ USD.
Ông được gọi là “Huyền thoại đến từ Omaha”, rất nổi tiếng do sự kiên định trong triết lý đầu tư theo giá trị, sự tài giỏi về quản trị tài chính, cũng như lối sống tiết kiệm dù sở hữu khối tài sản khổng lồ. Năm 2007, ông được tạp chí Time đưa vào danh sách “100 người nhiều ảnh hưởng nhất thế giới.”
Tỷ phú Warren Buffett. (Nguồn: thehill.com)
10. Alfred Marshall (1842-1924)
Marshall là nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, sinh ra tại London. Marshall có thể là một trong những nhà kinh tế ít được biết tới nhất trong số các nhà kinh tế học vĩ đại bởi ông không phải là tác giả của bất cứ một lý thuyết kinh tế kinh điển nào. Tuy nhiên, ông rất đáng được vinh danh bởi những nỗ lực nhằm áp dụng phương pháp toán học vào kinh tế, biến kinh tế học thành một môn khoa học thực sự chứ không chỉ mang tính triết học đơn thuần.
Marshall đã phải mất gần 10 năm để hoàn tất tác phẩm “Principles of Economics” (tạm dịch là “Những nguyên lý cơ bản của Kinh tế học”) vào năm 1890.
Cuốn sách này được công nhận là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông, là một trong những cuốn sách giáo khoa kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất ở nước Anh trong nhiều năm. Trong cuốn sách này, những mô hình đường cung, đường cầu, chi phí biên, lợi nhuận biên…, đã được tập hợp và biểu hiện một cách hệ thống và logic, làm nền tảng cho các mô hình kinh tế sau này.
Vietnam+
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!