Chia sẻ trách nhiệm – Bí quyết thành công của Bill Gates

Một trong những bài học quý giá mà tỷ phú Bill Gates nhận được khi xây dựng Microsoft là ông chỉ có thể thành công khi học được cách tin tưởng và giao phó trách nhiệm cho người khác.

Trong buổi trò chuyện với các học sinh tại trường cấp 3 nơi mình từng theo học, tỷ phú Bill Gates đã chia sẻ rất nhiều về cách tư duy cần có để xây dựng thành công. Trong số những bài học kinh nghiệm ông đã học hỏi được trong cuộc sống cũng như kinh doanh, có một điều mà ông cho rằng có thể mang tới lợi ích lớn cho một nhà lãnh đạo bận rộn, đó là học cách tin tưởng và giao phó trách nhiệm nhiều hơn.

 Tỷ phú Bill Gates - Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft. Ảnh: Getty Images

Tỷ phú Bill Gates – Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft. Ảnh: Getty Images

Bill Gates thừa nhận, tin tưởng và giao phó trách nhiệm là điều không hề dễ dàng với ông trong những ngày đầu Microsoft mới được thành lập. Ông hiểu rằng niềm đam mê với lập trình của mình khó có thể tiếp tục lâu dài khi công ty ngày một mở rộng. Vì thế ông phải tin tưởng và để các nhân viên thực hiện công việc viết phần mềm của họ.

Nói cách khác, Bill Gates phải học cách nhượng lại công việc. Cùng với sự phát triển của Microsoft, trách nhiệm quản lý của ông cũng ngày một lớn hơn. Đó là lúc ông nhận ra rằng ông phải học cách giao phó  những gì mình không giỏi – ví dụ như khía cạnh quản lý con người trong doanh nghiệp – cho những người có năng lực hơn mình.

Những khó khăn ban đầu của Bill Gates có giống với thực tế bạn đang gặp phải không? Nếu doanh nghiệp đang phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của bạn, hãy ngừng làm một người dẫn đầu đơn độc. Với một nhà lãnh đạo, xây dựng một đoàn đội vững mạnh là trụ cột đầu tiên trên con đường thành công. Sự tin tưởng hai chiều cần được thành lập để một nhà lãnh đạo cảm thấy thoải mái và yên tâm khi tin tưởng giao phó trách nhiệm cho các nhân viên của mình.

Điều này sẽ cần tới sự kiên nhẫn. Song không thể phủ nhận, việc giao phó trách nhiệm một cách hiệu quả sẽ làm nhân viên cảm thấy mình hữu ích, được tin tưởng và gắn bó với hoạt động của doanh nghiệp.  Dưới đây là 5 cách để một nhà lãnh đạo thực hiện được điều này

Lý giải khi trao nhiệm vụ

Khi các nhân viên không hiểu được tầm quan trọng của nhiệm vụ cụ thể mình nhận được, cũng như tại sao mình lại là người phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, họ sẽ không chú tâm tới công việc được giao. Những nhà lãnh đạo hiểu cách giao phó trách nhiệm là những người biết  lí giải cho các thành viên trong nhóm của mình về những vấn đề có liên quan tới nhiệm vụ, mối tương quan giữa nhiệm vụ cụ thể đó với mục tiêu chung, và tại sao việc thực hiện nhiệm vụ này lại quan trọng.

Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng và tính độc nhất của nhiệm vụ cụ thể, coi nó là cơ hội hợp tác, người lãnh đạo sẽ tạo ra động lực nhiều hơn cũng như tăng cường khả năng hoàn thành công việc của nhân viên.

Truyền cảm hứng với mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng

Để giúp các nhân viên của bạn hào hứng và tận tâm, hãy giúp họ hiểu rõ những gì họ có thể làm bằng cách: trước hết, xác định nhiệm vụ và vai trò của nhân viên đó trong tổng thể công việc. Tiếp theo, hãy trao đổi với nhân viên một cách rõ ràng. Cuối cùng, xác nhận rằng nhân viên của mình đã hoàn toàn hiểu về nhiệm vụ và yêu cầu họ nhắc lại những gì nghe được để đảm bảo cả hai bên không bỏ sót điều gì.

Giao phó đúng người

Việc biết rõ về người mình sẽ giao phó trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng bởi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng đều có quan hệ với nhiệm vụ được giao. Liệu bạn có quen thuộc với từng thành viên trong đội ngũ của mình và hiểu rõ về kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc của họ hay không? Bạn có nắm được khối lượng công việc hiện tại mà một người đang được giao, và liệu họ có khả năng đảm nhận thêm công việc hay không. Hãy đặt ra những câu hỏi này trước khi xem xét giao phó công việc và trách nhiệm cho nhân viên.

Tập trung vào kết quả

Hãy tập trung vào những gì đã hoàn thành, thay vì mắc kẹt trong các chi tiết của công việc hay việc đáng lẽ công việc đó nên được thực hiện theo cách bạn đề ra. Hãy cho phép tự do sáng tạo, cho phép sức mạnh và phong cách của mỗi cá nhân tỏa sáng, thay vì bắt họ làm theo cách của bạn. Để các nhân viên có quyền kiểm soát và đưa ra quyết định ở một mức độ vừa phải sẽ tạo điều kiện cho sự tin tưởng, thành công và sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp.

Công nhận đúng lúc

Khi một nhân viên cố gắng làm việc chăm chỉ và cống hiến cho công ty, họ cũng đồng thời muốn được lãnh đạo công nhận về những gì đã làm được. Chúng ta mong muốn được khen ngợi và công nhận. Đó là bản tính của con người, và điều đó tốt cho bộ não. Khi được công nhận, chất truyền dẫn thần kinh dopamine sẽ kích thích hệ thống thưởng trong não bộ, tạo ra những cảm xúc tích cực như sự hài lòng và thích thú.

Công nhận một nhân viên vì đã có thành tích tốt cũng là một cách duy trì doanh nghiệp của bạn. Theo một khảo sát do Achievers thực hiện trên 1.154 người, không được công nhận là nguyên nhân phổ biến thứ ba khiến một nhân viên lựa chọn rời bỏ công ty.

Contact CEO Club

Footer Subheading

Contact Information
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928