Chiếc ghế giám đốc và những chuyện chưa kể sau ánh hào quang của CEO Mitel

Làm CEO phải “mặt dày”, và dù nắm quyền trong tay nhưng lại phải phục vụ nhiều sếp hơn là 2 trong số những câu chuyện sau ánh hào quang mà CEO Richard McBee đúc rút được sau 7 năm ngồi trên chiếc ghế tổng giám đốc.

Chiếc ghế giám đốc và những chuyện chưa kể sau ánh hào quang của CEO Mitel

Richard D. McBee là một doanh nhân 55 tuổi người Mỹ với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông. Kể từ năm 2011, McBee giữ chức CEO và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Mitel – một công ty chuyên cung cấp giải pháp truyền thông hợp nhất có trụ sở đặt tại Ontario, Canada với khoảng 4.200 nhân viên trên toàn thế giới.

Sau 7 năm ngồi trên cương vị CEO của Mitel, McBee đã đúc kết được 6 bài học quý giá mà theo ông, sẽ là hành trang hữu ích để một cá nhân gặt hái thành công ở vị trí giám đốc điều hành. Dưới đây là những chia sẻ của McBee trên trang Business Insider.

Thuở bé, khi được ai đó hỏi “lớn lên con thích làm gì?”, tôi đã chỉ có duy nhất một câu trả lời: CEO của một công ty đại chúng. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực tế là tôi đã để mắt đến chiếc ghế sếp từ rất lâu rồi. Do không hề biết vị trí này sẽ đòi hỏi những điều kiện gì, nên từ rất sớm, tôi đã vùi đầu vào tờ Wall Street Journal, để tiếp thu nhiều kiến thức kinh doanh nhất có thể.

Cuối cùng, tôi cũng hiện thực hoá được ước mơ thuở bé của mình vào năm 2011, khi trở thành CEO của Mitel. Lúc đó, tôi chắc mẩm bản thân đã hoàn toàn sẵn sàng cho vị trí này, vì dù gì đi nữa thì trước đó tôi cũng đã có kha khá vốn liếng trong việc điều hành rồi. Song, thực tế là, có những thứ mà bạn không tài nào có thể luyện tập hay chuẩn bị trước, và chỉ có thể học được từ chính những trải nghiệm của mình mà thôi. 7 năm qua, tôi đã lĩnh ngộ được vô số bài học quản trị và mong muốn chia sẻ chúng với những ai lần đầu trở thành CEO hay có khao khát ngồi vào chiếc ghế này.

1. Đã làm CEO, thì mặt phải “dày”

Hãy chuẩn bị tinh thần để chào đón sự phán xét từ người khác. Trên cương vị CEO, bạn sẽ là người phải nhận sự phán xét chứ không còn là người đưa ra phán xét. Áp lực từ nội bộ và những chỉ trích đến từ bên ngoài luôn đi cùng với chiếc ghế CEO. Đúng thì không nói, nhưng những lời chỉ trích hết sức vô căn cứ đôi khi cũng sẽ xuất hiện. Nhưng, dù sao đi nữa, bạn hãy chuẩn bị tinh thần với việc bản thân bị nghi ngờ thường trực

ào những ngày tôi mới bắt đầu làm việc ở Mitel, một blogger đã công khai chỉ trích tôi trên mạng rằng: “McBee là một gã giám đốc đến trói gà cũng không chặt”. Thú thực, tôi đã khó mà nuốt trôi được câu này. Thế nhưng, bạn sẽ phải học cách vượt qua nó. Hãy nhớ, khi đứng trên cương vị của một CEO, lời chỉ trích không phải là tất cả những gì mà chúng ta sẽ đón nhận. Vô số sự ghi nhận của những người trong ngành cũng như nhiều lời khen từ các chuyên gia tài chính sẽ đổ dồn về khi bạn triển khai tốt chiến lược và mang lại kết quả kinh doanh. Lúc đó, bạn sẽ thực sự biết chiến lược của mình có đúng đắn và bản thân có đang làm tốt hay không.

Tóm lại, làm CEO, mấu chốt là phải “mặt dày” và biết giữ sự tập trung.

2. Dù nắm quyền, bạn vẫn phải… phục vụ rất nhiều sếp

Đi từ vị trí quản lý cấp cao lên tổng giám đốc điều hành thực sự là quá trình khác biệt hơn nhiều người vẫn tưởng. Nếu ở cương vị quản lý, bạn chỉ là thành viên của một phòng ban và chỉ phải chịu một phần trách nhiệm trong toàn bộ chiến lược của công ty. Tuy nhiên, khi trở thành CEO, mọi chuyện sẽ khác. Dù tốt hay xấu, thì toàn bộ chiến lược kinh doanh của cả công ty đều sẽ nằm trong tay bạn. Bạn là người nắm quyền và đồng thời là người đề xuất cũng như dẫn dắt tất cả.

Dù vậy, đừng vì thế mà cho rằng CEO chỉ có duy nhất một ông chủ là bản thân họ, và họ có quyền muốn làm sao thì làm. Trên thực tế là ngày hôm nay tôi có nhiều ông chủ hơn bao giờ hết. Nếu làm quản lý, bạn sẽ chỉ có một sếp; nhưng nếu là CEO, cả ban giám đốc sẽ là sếp của bạn. Do đó, bạn sẽ có ít nhất từ 5 tới 7 hoặc thậm chí nhiều người hơn phải báo cáo. Và, ấy còn là chưa kể đến các cổ đông.

Đồng ý là các thành viên ban giám đốc đều cùng nhau làm việc, nhưng rõ ràng họ vẫn có sự tự do của riêng mình. Có người sẽ muốn xem xét một vấn đề khác, có người lại muốn cân nhắc lại vấn đề nhưng theo cách khác. Và, bạn sẽ phải học từ 6 – 7 cách trình bày khác nhau cho cùng một vấn đề.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ với mỗi thành viên và dành thời gian thảo luận với từng người trước các cuộc họp của ban giám đốc cũng hết sức vai trọng. Bạn cần phải biết được sự quan tâm của họ để có thể xử lý trước các vấn đề, hoặc chí ít là để chuẩn bị sẵn tâm lý khi chúng xuất hiện trong cuộc họp.

3. Không gì quan trọng hơn đặt đúng người, vào đúng chỗ và đúng thời điểm

Giữa việc thông cảm cho nhân viên và làm điều tốt nhất cho cả phòng lẫn công ty tồn tại một sự khác biệt hết sức mong manh. Bạn có thể dễ dàng bị rơi vào tình huống cho phép nhân viên dành quá nhiều thời gian để xử lý một vấn đề, hoặc thậm chí làm thay cả phần của họ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải học cách tin vào chính mình và nhận thức được khi nào thì mọi việc sẽ không tiến triển tốt.

Đừng lãng phí thời gian. Hãy mạnh dạn ra quyết định thay đổi và tiến hành nó một cách mau chóng. Khi nói chuyện với các CEO khác, tôi nhận ra rằng, điều mà họ thường xuyên cảm thấy hối tiếc nhất chính là đã không đủ nhanh nhạy để giải quyết vấn đề nhân sự.

Nếu được bổ nhiệm vào một công ty để giúp nó tăng tốc hay để dẫn dắt nó qua một giai đoạn chuyển giao quan trọng, bạn hãy xem xét thật kỹ đội ngũ quản lý của mình. Điều kiện thành công tiên quyết là phải xác định cho bằng được, ai sẽ là người làm việc hiệu quả, và ai là người thiếu những kỹ năng cũng như kinh nghiệm phù hợp để cùng chèo lái công ty với bạn. Không gì quan trọng hơn việc đặt đúng người vào đúng chỗ và đúng thời điểm – cả đối với họ và với công ty.

4. CEO chính là hình ảnh đại diện cho cả công ty 

Ngồi lên chiếc ghế CEO, bạn nghiễm nhiên sẽ trở thành hình ảnh đại diện cho cả công ty của mình. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ mong muốn lắng nghe và hiểu chiến lược kinh doanh từ bạn. Tiếp theo, họ sẽ đánh giá xem liệu nó có hợp lý, khả thi hay không và liệu bản thân bạn có đủ sức để triển khai nó hay không.

Tôi sẽ cho các bạn một ví dụ. Lần nọ, trong khi chờ đến lượt trình bày của mình tại một sự kiện dành cho giới phân tích, tôi có dịp quan sát một CEO chia sẻ về chiến lược kinh doanh của công ty anh ấy. Mọi việc đang diễn ra trôi chảy, bất chợt dường như tất cả mọi người trong khán phòng rơi vào trạng thái hoang mang, khi anh ấy nói rằng, công ty của mình đã có chiến lược đúng đắn, nhưng còn ngần ngại vì nó rất khó để triển khai. Cụm từ rất khó để triển khai” đã gieo rắc sự tiêu cực cho những người tại đó. Và, trong khi vị CEO kia vẫn thao thao bất tuyệt và tiếp tục chuyển sang chuyện bán hàng, rất nhiều người đã cầm điện thoại của mình lên.

Đừng bao giờ quên rằng, mọi lời mà bạn nói ra, kể cả giọng điệu lẫn ngôn ngữ cơ thể của bạn, đều nằm gọn trong tầm quan sát của người khác. Hãy chắc chắn những gì mà mình thể hiện ra bên ngoài ăn khớp với thông điệp mà bản thân muốn chia sẻ, mọi lúc, mọi dịp.

5. Quan điểm cá nhân của bạn có thể làm ảnh hưởng đến giá trị của công ty

Trong thời đại mà truyền thông càng lúc càng diễn ra nhanh chóng và mạng xã hội ngày một phổ biến, thật khó để biết chính xác mỗi lời nói của chúng ta có thể lọt đến tai ai. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng làm lu mờ ranh giới giữa quan điểm cá nhân và giá trị mà công ty của bạn đang theo đuổi. Nếu như quan điểm cá nhân của bạn vô tình lọt đến tai các cổ đông, khách hàng, nhân viên hay nhà đầu tư v.v., chúng có thể làm thay đổi quyết định của họ đối với bạn và công ty của bạn

Thế nên, trong chiến lược truyền thông cá nhân của mình, bạn phải cân nhắc đến một khía cạnh quan trọng, đó là phải làm sao để quản trị danh tiếng của công ty nói chung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không được phép lên tiếng hay bày tỏ quan điểm xung quanh các vấn đề gây ảnh hưởng đến ngành nghề kinh doanh hay đến công ty của bạn. Mấu chốt là phải thật cẩn thận với những gì mình nói và phải suy xét xem các cổ đông sẽ nhìn nhận lời nói đó như thế nào, nhất là khi họ đang phải chau mày đọc báo cáo kết quả kinh doanh.

6. Hãy vui vẻ lên

Dù sao thì được trở thành CEO đã là một chuyện đáng mừng. Bạn đã làm việc thật chăm chỉ trong thời gian qua, nên hãy tận hưởng niềm vui này. Giờ đây, bạn sẽ là người mở ra cánh cửa của cơ hội và mang đến một góc nhìn tươi mới cho công ty. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị tinh thần để đương đầu với vô số áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài nếu muốn thành công trên chiếc ghế CEO. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không sai. Hãy thừa nhận sai lầm rồi tiến lên phía trước.

Hãy mạnh dạn đối mặt với sự biến động của việc trở thành một tân CEO, và dũng cảm đương đầu với thị trường luôn không ngừng biến đổi. Bạn không thể biết tất cả mọi thứ, song bạn hoàn toàn có thể xây dựng một đội ngũ làm được như vậy. Ở từng vị trí, hãy thuê hoặc giữ người có thể làm công việc đó tốt hơn bạn (vâng, ngoài kia có người làm việc đó giỏi hơn bạn đấy). Hãy cứ vui vẻ, đặt mục tiêu cao và cẩn trọng trong mọi sự.

Hơn cả, hãy nhớ rằng, tất cả mọi chuyện đều xoay quanh bài toán con người. Vì xét cho cùng, thì chính họ mới là linh hồn của công ty

Doanh nhân Sài Gòn

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928