Với hơn 120 điểm đến và 220 triệu lượt hành khách mỗi năm, AirAsia đang là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á. Trong suốt giai đoạn 2009-2013, AirAsia còn được tổ chức Skytrax bình chọn là “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới” (World’s Best Low Cost Airline) trong khuôn khổ của chương trình Khảo sát Ngành hàng không thế giới thường niên.
Có được những thành công này phần lớn là nhờ sự lèo lái của Tony Fernandes, vị chủ tịch 49 tuổi của AirAsia Group. Theo tổng hợp của tạp chí The Asian Entrepreneur từ các bài phỏng vấn, nghiên cứu về AirAsia, Fernandes có những chiến lược và bí quyết thành công sau đây.
Am hiểu về tài chính.
Tốt nghiệp Trường Kinh tế London, từ năm 1987 đến năm 1989, Fernandes từng làm kiểm soát tài chính cho Công ty Virgin Records của tỉ phú người Anh Richard Branson. Trong thời gian từ 1992 đến 2001, Fernandes là Phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Warner Music Group.
Theo Asia Entrepreneur, để thành công, các doanh nhân không nhất thiết phải xuất thân là những chuyên gia tài chính kế toán nhưng đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực này.
Quyết tâm.
Tại một cuộc hội đàm quốc tế dành cho giới kinh doanh tại Sabah năm 2012 (Sabah International Business Luncheon Talk 2012), Fernandes đã phát biểu rằng chỉ cần quyết tâm là điều gì cũng có thể đạt được. Và Fernandes đã chứng minh được điều ấy bằng việc đưa một hãng hàng không nhỏ chỉ với hai chiếc máy bay và đang hoạt động lỗ lã thành một hãng hàng không lớn với đội tàu bay 160 chiếc chỉ sau 12 năm.
Không sợ thất bại.
“Tôi không sợ thất bại vì tôi không muốn đến khi về già lại tự trách bản thân mình rằng “Tại sao mình đã không cố gắng?”. Vì vậy, tôi đã có cơ hội biến những ước mơ của mình thành hiện thực tại Malaysia”, Fernandes chia sẻ.
Fernandes quan niệm rằng con người là tài sản lớn nhất của một công ty. Một trong những điểm mạnh của ông là quan tâm và nuôi dưỡng nhân tài.
Ông luôn tạo điều kiện để nhân viên phát triển tốt nhất tiềm năng, niềm đam mê và những ước mơ của họ. Phòng làm việc của Fernandes được thiết kế theo không gian mở và ông khuyến khích mọi nhân viên tham gia đóng góp ý kiến.
Vào ngày 12/12 năm ngoái, Fernandes đã tặng 263 chiếc đồng hồ mang nhãn hiệu Chopard với tổng trị giá 5 triệu ringgit cho 263 nhân viên có thời gian làm việc với công ty từ 12 năm trở lên để ghi nhận sự đóng góp và lòng trung thành của họ.
Chú trọng xây dựng nhãn hiệu.
Tony Fernandes có niềm tin rất lớn vào sức mạnh của nhãn hiệu. Không dừng lại ở việc theo đuổi mục tiêu kinh doanh có lãi, Fernandes đã bỏ ra đến bảy năm liên tục và bền bỉ để làm cho nhãn hiệu và logo của AirAsia trở thành một biểu tượng nổi tiếng trên thị trường thế giới.
Đầu tư cho tiếp thị.
Fernandes từng nói rằng “nếu anh có một sản phẩm tuyệt vời nhưng chẳng ai biết đến thì anh sẽ mãi là người đi sau”.
Một trong những nỗ lực tiếp thị gần đây nhất mà Fernandes đã thực hiện là chủ trì phiên bản châu Á của các chương trình truyền hình thực tế The Apprentice Asia. Người thắng giải chương trình này là Jonathan Allen S. Yabut, một sinh viên tốt nghiệp khoa kinh tế Trường Filipino UP Diliman. Jonathan hiện đang là Giám đốc tiếp thị của AirAsia Zest.
Tranh thủ sự hỗ trợ của chính phủ.
Sự hỗ trợ lớn đầu tiên mà Fernandes nhận được là từ cựu Thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mahathir Mohamad vào năm 2001.
Khi biết được Fernandes đang ấp ủ ước mơ thành lập một hãng hàng không, Mahathir Mohamad đã khuyên ông mua lại Hãng hàng không AirAsia của chính phủ Malaysia vốn đang ngập trong nợ nần. Fernandes đã cầm cố căn nhà của mình để vay tiền, đồng thời gom với khoản tiền tiết kiệm cá nhân của mình để mua lại hãng hàng không chỉ với hai chiếc máy bay và món nợ lên đến 11 triệu USD này.
Năm 2003, Fernandes tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của Mahathir Mohamad khi Malaysia đề xuất ý tưởng “Vùng trời mở” với các nhà lãnh đạo của Thái Lan, Indonesia và Singapore với kết quả là những quốc gia này cấp phép cho AirAsia và một số hãng hàng không giá rẻ khác trong khu vực quyền đáp máy bay vào lãnh thổ của họ.
Tận dụng công nghệ kỹ thuật số.
Fernandes tin rằng thành công sẽ đến khi AirAsia khai thác công nghệ kỹ thuật số cho các hoạt động của mình. Hiện nay, doanh thu của AirAsia phần lớn đến từ trang web AirAsia.com.
Trên thực tế, một điều độc đáo mà hành khách bay trên các chuyến bay của AirAsia có thể phát hiện ra khi đọc tạp chí trên máy bay Travel 3Sixty của hãng này là dòng chữ: “Touch me, feel me and flip me over, but you can’t take me home. Read me online” (tạm dịch: Hãy chạm đến tôi, lật từng trang tạp chí và cảm nhận tôi, nhưng bạn đừng mang tôi về nhà nhé. Hãy đọc tôi trên mạng).
Các chuyên gia tiếp thị cho rằng, vấn đề không phải là Fernandes muốn tiết kiệm chi phí phát hành tạp chí mà đây chính là một trong những chiến lược tiếp thị thông minh của AirAsia để lôi kéo khách hàng đến với trang web của mình.
Hào phóng.
Fernandes nổi tiếng là người hào phóng trong các quan hệ cá nhân cũng như trong kinh doanh.
Ông sẵn sàng tặng cho nhân viên những món quà có giá trị để làm cho họ trung thành, gắn bó với tổ chức. Fenandes còn hỗ trợ cho các nạn nhân bị bão Yolanda ở Philippines.
Quỹ AirAsia Foundation gần đây cũng đã tài trợ cho Rag2Riches, một tổ chức xã hội ở Philippines chuyên giúp đỡ những người thợ thủ công nghèo cải thiện đời sống bằng cách làm những chiếc túi xách thời trang và những vật dụng khác từ đồ phế liệu.
Theo đuổi niềm đam mê.
Tony Fernandes chủ trương tuyển dụng những nhân viên có niềm đam mê.
Bản thân ông dành rất nhiều đam mê không chỉ cho công việc mà còn cho sự quan tâm đối với nhân viên, cộng đồng và cả hoạt động thể thao. Fernandes hiện đang sở hữu một đội bóng ở Anh, một đội đua xe thể thao theo thể thức F1.
Tầm nhìn kiên định.
Tony Fernandes có một tầm nhìn dài hạn, bao quát toàn cầu và khá kiên định cho các công ty khác nhau của ông.
Từ khi còn nhỏ, Fernandes đã ấp ủ ba ước mơ: điều hành một hãng hàng không, sở hữu một câu lạc bộ bóng đá Anh và sở hữu một đội đua xe theo thể thức F1. Và nay tất cả những ước mơấy đã thành hiện thực.
Xây dựng văn hóa công ty cởi mở và năng động.
Fernandes từng nói: “Ở AirAsia, chúng tôi xem công ty của mình là một nhà máy tạo ra những ước mơ. Chúng tôi muốn xây dựng một môi trường làm việc mà ở đó nhân viên có thể theo đuổi niềm đam mê và phát huy tài năng của mình. Chúng tôi muốn nuôi dưỡng một môi trường văn hóa cởi mở, sáng tạo và nhân viên đam mê với công việc của họ. Để làm được như thế, chúng tôi phải khơi nguồn cho họ”.
DNSGCT
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!