Công ty Quản lý tài sản VAMC ra mắt sẽ xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu đem lại hy vọng làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, giúp khai thông vốn tín dụng cuối cùng cũng là góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và qua đó giúp kinh tế tăng trưởng đi lên.
Theo các chuyên gia, chắc chắn sau 2-3 tháng nữa kinh tế sẽ khởi sắc hơn nhờ hiệu ứng từ những chính sách này.
Thực hiện quá chậm
Tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng các chính sách trên thực hiện quá chậm nên tác dụng của nó không còn nhiều. Chẳng hạn như tăng lương, theo dự kiến bao đầu mức tăng là 1,3 triệu đồng kể từ 1/5. Tuy nhiên do ngân sách không thể bố trí đủ 60.000 – 65.000 tỷ đồng phục vụ lộ trình này nên kế hoạch tăng lương, theo đề xuất của Chính phủ đã được hoãn tới 1/7 và mức tăng cũng được điều chỉnh xuống 1,15 triệu đồng. Hay như thuế thu nhập nhiều ý kiến đề xuất thực hiện từ 1/1/2013 nhưng quyết định chính thức lại từ 1/7.
Từ đầu năm tới nay, giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã tăng như y tế, học phí, xăng dầu, giao thông… khiến cho số thu nhập tăng thêm từ lương và khoản giảm nộp thuế của hàng triệu người cũng chỉ đủ giúp cho họ dễ thở hơn mà thôi. Có chăng nó cũng chỉ đỡ phần nào chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình chứ không kỳ vọng lớn về kích cầu tiêu dùng.
Với việc giảm thuế thu nhập DN nhỏ và vừa xuống 20% cũng thực hiện quá chậm. Đến nay theo thống kê đã có một nửa số DN ra đi, không đủ sức để chờ đợi được hưởng chính sách này. Bên cạnh nhiều DN đang hoạt động cầm chừng và thua lỗ cũng không được hưởng chính sách này. Chỉ có số ít DN vẫn hoạt động tốt, vẫn có lợn nhuận mới được hưởng vì vậy tác động đến sản xuất, tạo việc làm cũng ở mức không đáng kể.
Việc giảm thuế VAT cho nhà ở xã hội và nhà thương mại, thì đến nay nhiều người dân đã không còn thu nhập để có thể mua. Kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc làm, thu nhập giảm, chi tiêu phải thắt chặt, nhu cầu về nhà ở bị xếp lại, nhiều người vẫn hy vọng nhà còn giảm giá vì vậy vẫn sẽ chờ đợi chưa mua ngay… bằng chứng là nhà đã giảm giá khá mạnh mà tồn kho vẫn lớn.
Thành lập Công ty Quản lý tài sản VAMC, được bàn từ hơn 1 năm trước, nhưng mãi đến nay mới ra mắt. Không những thế VAMC cũng không thể khơi thông tín dụng cho sản xuất bởi theo quy định khi mua nợ xấu từ các ngân hàng thì tài sản đảm bảo của các khoản vay phải chuyển sang cho VMAC. Phần lớn các DN đến nay gặp khó khăn, hàng tồn kho cao và không còn tài sản đảm bảo thì lấy gì để thế chấp vay vốn?
Trong khi đó, ngân hàng không hạ tiêu chuẩn cho vay, yêu cầu phải có tài sản đảm bảo các khoản vay, vì vậy VAMC có thể làm sạch nợ xấu ngân hàng nhưng ngân hàng cũng không vì thế mà vốn cho sản xuất đã được khơi thông.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là không có đầu ra, sức mua thấp, hàng tồn kho cao, dẫn đến thu hồi vốn chậm hoặc không thu hồi được vốn, không trả nợ được ngân hàng. Phải giải quyết được tồn kho cho DN mới mong tháo gỡ được khó khăn, giúp phục hồi sản xuất. Để giải quyết vấn đề này thì phải tăng sức mua, tăng lương, hỗ trợ giảm giá hàng, giảm thuế… Tiếp đến là giải quyết nợ xấu. Khối lượng nợ xấu lớn không được xử lý đang làm cho nền kinh tế khựng lại, ngân hàng không dám cho vay, DN không vay được vốn… Các giải pháp đến nay đã có đủ và được đưa ra từ lâu, nhưng thực hiện rất chậm và thiếu đồng bộ.
Đáng ra nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, bên cạnh đó là thực hiện các giải pháp dài hạn thì kinh tế 2013 có thể dừng lại, không "tụt dốc" nữa, sau đó sang 2014 khi các giải pháp dài hạn bắt đầu phát huy tác dụng thì chắc chắn kinh tế sẽ đi lên, nhưng nay ngắn hạn thực hiện chậm, còn dài hạn thì chưa làm gì nên chưa thể tạo ra nền tảng, tiền đề để kinh tế 2014 và 2015 đi lên.
Các giải pháp chính sách không đủ mạnh, môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả sẽ làm biến dạng mục tiêu mong muốn và trở thành những nhân tố cản trở sự hồi phục của nền kinh tế từ nay đến cuối năm.
Từ 1/7, lương cơ bản sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Mức tăng 100.000 đồng là lương cơ bản, sau đó còn tiếp tục nhân với hệ số vì vậy số tiền thực hưởng sẽ cao hơn. Khoảng 2,8 triệu cán bộ, công viên chức Nhà nước sẽ được hưởng mức lương mới này.
Với người dân, thu nhập trên 9 triệu đồng mới phải nộp thuế. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc được nâng lên 9 và 3,6 triệu đồng, thay cho mức 4 và 1,6 triệu đồng. Với quy định này, người có thu nhập 12,6 triệu đồng/tháng mà có nuôi một người phụ thuộc (con, bố hoặc mẹ) thì chưa phải nộp thuế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý giảm thuế VAT với nhà ở xã hội. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 1/7 sẽ áp thuế 5% cho các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, sẽ giảm 50% thuế VAT cho hợp đồng bán, cho thuê mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2 từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng cũng được hỗ trợ khi thuế thu nhập DN về 20% từ 1/7. Các DN hoạt động trong lĩnh vực bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng được áp mức thuế ưu đãi 10% với phần thu nhập phát sinh từ hoạt động này kể từ 1/7.
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động từ 1/7, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Nhiệm vụ chính VAMC là mua nợ xấu của tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu các khoản nợ và quản lý khoản nợ xấu… Trụ sở của VAMC sẽ nằm ở 22 Hàng Vôi ( Hà Nội), dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 15/7.
|
Theo Trần Thủy
Vietnamnet