Thuộc lớp doanh nhân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, trải qua không ít thăng trầm trên thương trường theo từng thời kỳ phát triển của đất nước, nhưng ở tuổi 58, Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung vẫn hết mình với kinh doanh.
Dường như sức mạnh nội lực, tinh thần làm việc và học hỏi không có giới hạn tuổi tác đối với bà. Năm 2017, PNJ chính thức chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp, nhiều người cho rằng đã đến lúc Tổng giám đốc thấm mệt, nhưng câu trả lời của bà là “không”.
Vậy khi rút vào “hậu trường”, bà có dự định công việc kinh doanh riêng không, thưa bà?
Tôi gắn bó với PNJ từ lúc mới ra trường, nó là đứa con tôi tạo ra bằng tất cả sức lực, tình thương yêu và tâm huyết, có cả mồ hôi, nước mắt nên đến hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ có một mình PNJ.
Tuy nhiên, đến lúc phải chuyển giao cho thế hệ trẻ thì dù đứng ngoài, tôi vẫn dõi theo từng bước đi của PNJ. Mình có kinh nghiệm, các em cần thì tôi tư vấn, hỗ trợ, chứ không nghĩ đến bất cứ một công việc kinh doanh gì khác.
Đó cũng là lý do cho đến bây giờ tôi vẫn học, luôn tiếp cận cái mới và cái gì mới là học. Nguyên tắc sống của tôi: Một ngày còn làm việc được là còn tiếp tục học, tôi đọc rất nhiều và không bảo thủ, bởi thế hệ của tôi được đào tạo mấy chục năm trước, nếu không tiếp tục học thì không theo kịp thời đại.
Những năm qua kinh tế khó khăn, nhất là các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, nhưng PNJ không bị rơi vào suy thoái, theo bà, yếu tố nào giúp PNJ vượt qua khó khăn?
Từ 2008 – 2011, ngành trang sức trên thế giới cũng như Việt Nam bị giảm sút về thị trường, nhưng PNJ không rơi vào tăng trưởng âm, tuy đạt mức tăng trưởng không cao, khoảng từ 7 – 10%, nhưng đó là điểm sáng trong bức tranh chung còn tối màu vào thời điểm đó.
Hơn nữa, thời kỳ đó thợ kim hoàn bỏ nghề rất nhiều nhưng do định hướng rõ ràng là tập trung vào dòng sản phẩm cũng như uy tín của thương hiệu nên chúng tôi không bị ảnh hưởng. Song, điều tạo nên sức đột phá cho PNJ chính là nhận thức thay đổi để tiếp cận thế giới.
Đầu năm 2012, PNJ thuê tư vấn nước ngoài tái cấu trúc công ty để chuẩn bị bước phát triển mới khi kinh tế hồi phục. Phải mất một năm đào tạo, huấn luyện, xây dựng chiến lược, đến năm 2013 mới bắt đầu triển khai và đúng vào thời kỳ kinh tế ấm lên.
Phải nói rằng năm đầu tiên tái cấu trúc, chúng tôi gặp không ít khó khăn, phải làm rất nhiều thứ: chuyển đổi, đào tạo, thay đổi cách làm việc, tư duy…, nhưng những gì chúng tôi làm đều phát huy hiệu quả rất tốt, từ hình ảnh công ty, sản xuất, hệ thống cửa hàng…, dẫn đến kết quả năm 2014 doanh thu trang sức vàng bán lẻ đạt 2.280 tỷ đồng, tăng 42%, đóng góp 31% vào tổng doanh thu và 74% lợi nhuận gộp toàn Công ty.
Đây là quá trình tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt khi tổng nhu cầu về vàng của Việt Nam năm 2014 giảm đến 8% so với cùng kỳ 2013 (theo báo cáo năm 2014 của Hội đồng Vàng Thế giới – WGC).
Đáng nói hơn, lợi nhuận này đến chủ yếu từ kinh doanh vàng trang sức, chứ không nhờ vào yếu tố đột biến “đợt sóng” vàng miếng như ở những giai đoạn trước nên PNJ xem đây là cột mốc để xây dựng kế hoạch tăng trưởng bền vững cho những năm sau.
Rõ ràng, khi làm đúng và quyết tâm thay đổi ngay từ con người, hệ thống tổ chức, đặc biệt là đầu tư mạnh vào công nghệ, con người và đào tạo, chúng tôi mới vượt qua được những con sóng dữ của cơn bão thị trường với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm 15% và năm 2014 tăng hơn 50%.
Tái cấu trúc nói thì dễ nhưng không phải DN nào cũng làm được, theo bà, điểm mấu chốt nằm ở đâu?
Thất bại lớn nhất của DN khi thực hiện tái cấu trúc là do nhận thức. Tư vấn thành công hay không là do được quyết định bởi đội ngũ lãnh đạo và những con người của tổ chức chứ không hoàn toàn do công ty tư vấn mang lại. Vì vậy, muốn thay đổi, điều cần làm đầu tiên là phải vượt qua chính mình.
Bên cạnh đó, phải hiểu tư vấn không phải là chiếc đũa thần, người tư vấn chỉ hướng dẫn, đưa ra lời khuyên và giúp công ty vạch ra định hướng cho một chu kỳ mới phù hợp với tình hình của thị trường trong từng giai đoạn chứ không phải bê nguyên xi những gì đang ứng dụng ở nước ngoài vào cho mình áp dụng. Bởi mỗi thị trường, mỗi DN có đặc thù riêng nên cách ứng dụng, cách làm cũng phải khác nhau và phù hợp với nội lực.
Cụ thể, “phiên bản mới” của PNJ được đánh giá chuyển biến hiệu quả nhất ở điểm nào, thưa bà?
Đó là việc chuẩn hóa lại hệ thống, về tính chuyên nghiệp hóa trong mọi hoạt động cùng tư duy đổi mới của đội ngũ quản trị. Riêng hệ thống cửa hàng bán lẻ cũng đồng nhất với hình ảnh nhận diện thống nhất, từ khâu bài trí, đồng phục, cách phục vụ đến không gian bán hàng sang trọng, cao cấp.
Liên tục giữ “phong độ” và tạo được doanh số khả quan nhưng có vẻ bà vẫn chưa hài lòng. Nghe nói năm 2015 PNJ sẽ tiếp tục đầu tư để tái cấu trúc Công ty?
27 năm qua, từ doanh thu, tăng trưởng, lợi nhuận và uy tín trên thị trường, chưa có năm nào chúng tôi không hài lòng về các chỉ tiêu, ngay cả lúc khó khăn nhất PNJ vẫn đạt kế hoạch đặt ra.
Nhưng tôi chưa hài lòng với những gì đang có, thành công không làm tôi tự mãn mà vẫn muốn đi tìm cái tốt hơn, cải tiến để ngày mai phải tốt hơn hôm nay, phải len vào cái tốt của thế giới và chuyển mình đi đúng theo hướng đó.
Tôi rất thích câu nói của một học giả: “Tốt là kẻ thù của tốt nhất”. Hiện PNJ chưa phải là tốt nhất nên chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung tái đầu tư công nghệ, máy móc, thuê chuyên gia để làm được nhiều mặt hàng nữ trang tinh xảo, tối đa hóa công nghệ và nâng cao năng suất, giảm giá thành, làm ra nhiều dòng nữ trang không thua kém nước ngoài.
Hướng tới trong tương lai sẽ xuất ngược lại những sản phẩm này nếu giải quyết được bài toán năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua kém các nước nên giá thành của mình chưa phải cạnh tranh.
Muốn có sản phẩm tinh xảo thì đặc thù của ngành nữ trang nằm ở khâu chế tác thủ công, nghĩa là phụ thuộc vào tay nghề của thợ kim hoàn, điều này có là trở ngại với PNJ?
Hiện PNJ quy tụ gần 800 thợ kim hoàn, trong đó khoảng 160 người được xếp vào hàng nghệ nhân, đó là lợi thế và là nguồn vốn quý nhất mà PNJ đã nuôi dưỡng và tạo dựng trong nhiều năm.
Nhiều người hỏi tôi bí quyết nào để PNJ giữ được “nguồn vốn” lớn và quý này, tôi nói: “Đó chính là văn hóa DN. Nhân viên PNJ như sống chung dưới một mái nhà rộng mở, đầy ắp lòng khoan dung và tình yêu thương”. Vì vậy, nhiều năm qua, việc chảy máu chất xám ở PNJ, kể cả lúc cải tổ quyết liệt nhất, vẫn không quá nghiêm trọng và người ra đi thường một thời gian lại quay về.
Năm 2014 cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối của PNJ với 18 trung tâm kim hoàn PNJ ở nhiều tỉnh, thành và 169 cửa hàng. Việc quản lý chuỗi bán lẻ không dễ và PNJ cũng không ngoại lệ?
Đúng. Một DN muốn kinh doanh chuỗi cửa hàng mà không có hệ thống quản lý tốt thì không phát triển được, ngược lại càng mở ra càng làm cho thương hiệu đi xuống.
Thực tế đã giúp tôi nhận thấy, quản lý hệ thống bán lẻ là một công nghệ quản lý nên PNJ đã thuê chuyên gia hướng dẫn, học cách quản trị hệ thống bán lẻ theo đúng chuẩn mực mà các công ty nữ trang hàng đầu của Mỹ đang làm.
Tham vọng đưa PNJ trở thành thương hiệu lớn của quốc gia, bà có cảm thấy bị áp lực, nhất là vào thời điểm kinh tế khó khăn?
Không, tôi cảm thấy việc lèo lái PNJ như một cuộc chơi thong dong, lúc nào mình cảm thấy áp lực thì đó là áp lực. Nếu mình nghĩ đó là công việc, là niềm vui, đam mê thì không áp lực.
Nhiều người nói: “Chị làm nhiều quá dễ bị căng thẳng” nhưng tôi thấy bình thường, cứ làm hết việc này rồi đến việc khác, xong lại tìm việc mới để làm, không buồn phiền, lo lắng, không lo làm không được sẽ bị người ta chê cười. Luôn xây dựng mục tiêu và bước thong dong bằng hết sức của mình và của anh em chứ không tạo sức ép để bản thân mình và mọi người phải gồng lên.
Ngay cả những lúc tình hình căng thẳng, tôi vẫn bình thản. Bởi có khó thì cũng khó rồi, cứ chấp nhận và tìm hướng đi trong khó khăn, chứ than thở, lo lắng cũng không giải quyết được gì, lại mất đi sự sáng suốt.
Thực tế, trên chặng đường kinh doanh mấy chục năm qua, nhất là thời điểm kinh doanh trong lĩnh vực vàng, gas, dầu, thủy sản… có lúc cực lắm, thậm chí bế tắc nhưng không bao giờ tôi than thở, không xin cơ chế mà cứ miệt mài làm, chấp nhận hiện tại, bởi xác định đã theo nghề thì phải chấp nhận chứ không coi đó là áp lực.
Nếu không tạo áp lực, làm sao có được “ngày hôm nay tốt hơn hôm qua”, thưa bà?
– Để mỗi ngày tốt hơn thì phải tạo áp lực trong công việc nhưng không phải tạo áp lực tinh thần, nghĩa là bắt mình và mọi người không được sai để không bị chê cười. Con người sai lầm là bình thường, chứ nếu sống mà cứ sợ làm sai, sợ ai đó chê cười thì đó chính là áp lực.
Bản thân tôi làm lãnh đạo cũng có lúc quyết định sai và xin lỗi nhân viên là chuyện bình thường với tôi. Điều quan trọng là mình phải biết sửa sai để sau đó làm tốt hơn.
PNJ đã chuẩn bị thế hệ kế thừa, vậy xin hỏi trong số đó có con của bà không?
Tôi không quan niệm công ty này là của gia đình, đây là công ty nhà nước, sau đó đại chúng nên không nhắm đến các con. Hiện tại các con tôi đang học ở nước ngoài và không có “bóng dáng” trong đội ngũ kế thừa sắp tới. Còn khi về nước, các con tôi có làm ở PNJ hay không, đến giờ tôi cũng không biết.
Chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ kế thừa cho PNJ và đáng lẽ đã giao trách nhiệm từ nhiệm kỳ trước nhưng do tình hình kinh tế đang khó khăn nên tôi phải làm cho PNJ mạnh lên, nói nôm na là “đổ bê tông” cho thương hiệu chắc rồi thì sẽ chuyển giao để các em có nền tảng thật sự vững chắc, và khi tôi chuyển giao thì mọi hoạt động sẽ chạy theo hệ thống chứ không chạy theo quyền lực và lúc đó tôi chỉ đứng ngoài điều chỉnh.
Nếu trải lòng nói thật, đến bây giờ bà lo ngại nhất điều gì trong cuộc đời của mình, thưa bà?
Tôi sinh ra trong gia đình khá giả, thời kỳ đầu giải phóng, gia đình cũng bị cải tạo tư sản, anh chị em chúng tôi cũng được học lao động cày cấy như người nông dân và tuổi thơ tôi cũng đã trải qua thời chiến tranh khốc liệt ở quê mình. Cuộc đời có được rất nhiều và cũng có nhiều cái mất, nói chung cuộc đời tôi có nhiều trải nghiệm phong phú.
Nhưng đến giờ có thể nói tôi không lo sợ điều gì đến với mình nữa. Cách đây vài năm, tôi gặp một sư cô, cô hỏi tôi: “Trong cuộc đời con người có ba thứ quý giá: Một là thân xác, hai là tiền tài, ba là danh vọng, vậy bà có sẵn sàng dâng hiến tất cả ba thứ này không?”.
Đối với tôi, sức khỏe thì tôi đã hai lần cận kề cái chết, tôi sẵn sàng đương đầu và đã vượt qua, danh vọng cũng không quan trọng, tiền tôi có rất nhiều nhưng cũng không để ý đến mình có bao nhiêu. Tôi không hề thích được bình chọn là “nữ doanh nhân giàu có hay quyền lực”.
Ngẫm thấy cuộc đời mình có đủ mấy thứ đó mà không màng, mất đi cũng không sợ thì còn sợ gì nữa. Và khi không sợ mất gì cả thì có nghĩa mình đã giác ngộ và sống theo triết lý vô thường của đạo Phật.
Vì vậy, cuộc sống hiện tại của tôi rất vui, rất khỏe, không sợ điều gì, không giận hờn, sân si, không chấp nê, không hơn thua, bon chen. Và đó chính là sức mạnh nội lực lớn nhất.
Thưa bà, với vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ TP.HCM, bà dự định sẽ có những hoạt động gì để Hội là nơi có ý nghĩa với các hội viên tham gia?
Trước đây tại TP.HCM, cũng đã có Câu lạc bộ Doanh nhân nữ nhưng sau đó giải tán, đến năm 2013 vẫn không có tổ chức nào dành cho doanh nhân nữ trong khi đội ngũ doanh nhân nữ tại TP.HCM rất đông đảo.
Sau khi ra Hà Nội dự lễ thành lập Hội Doanh nhân nữ Việt Nam, tôi thấy tỉnh, thành nào cũng có hội doanh nhân nữ và hoạt động rất mạnh, trong khi TP.HCM lại không có nên tôi đồng ý đứng ra vận động thành lập Hội Doanh nhân nữ TP.HCM.
Ngẫm lại, hình như đây cũng là nghiệp trong cuộc đời tôi. Lúc trước tôi là một trong những người sáng lập Hội Doanh nghiệp Trẻ, khi Hội mạnh lên rồi thì tôi rút lui, chỉ làm cố vấn.
Sau đó, lãnh đạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM giao cho tôi đứng ra vận động thành lập Hội Doanh nhân nữ, mấy lần tôi từ chối, né hoài nhưng bây giờ lại đảm nhận, có lẽ, mỗi người đều có một sứ mệnh cuộc đời giao phó và công việc này là sứ mệnh của tôi.
Điều đáng mừng là chỉ trong thời gian rất ngắn, đại đa số chị em ủng hộ và tập hợp được lực lượng rất lớn, cùng nhau đưa ra nhiều ý tưởng để xây dựng Hội, kỳ vọng tạo ra dấu ấn cho nữ doanh nhân TP.HCM.
Với tôn chỉ “Lắng nghe – Chia sẻ – Tích cực – Vui tươi”, hoạt động của Hội khác với các hội khác là không chỉ quyên góp, đi làm từ thiện, tổ chức hội thảo, vui chơi…, mà còn liên kết DN với chính quyền, hỗ trợ lẫn nhau, quan trọng nhất là các hội viên lắng nghe nhau, chia sẻ những kinh nghiệm thương trường và cuộc sống, đồng thời có những hoạt động giúp chị em tạo sức mạnh nội lực cho bản thân như thiền yoga để các chị em có tư duy tích cực. Bởi sức mạnh nội tâm mới là sức mạnh của chính mình, và phụ nữ rất cần sức mạnh đó.
Theo bà, năng lực lãnh đạo của các nữ doanh nhân hiện nay có ưu và khuyết điểm nào?
Phụ nữ lãnh đạo rất chắc, rất bền nhưng cũng còn nhiều người chưa theo kịp kỹ năng quản trị hiện đại. Cũng có nhiều chị rất vững vàng và thành đạt về nhiều mặt cả trong gia đình và xã hội, cũng có những bạn là quản trị viên từ các công ty đa quốc gia, được đào tạo bài bản từ nước ngoài về nhưng lại thiếu kỹ năng sống và đối chọi với thực tế công việc…
Những người chị lớn như chúng tôi sẽ giúp các bạn kinh nghiệm sống và các bạn chia sẻ lại kỹ năng quản trị đã học được ở nước ngoài để tư vấn cho các DN nhỏ. Tuy mới sinh hoạt vài buổi nhưng mọi người thấy rất vui và tôi cũng xem đây là sứ mệnh, sẽ dành thời gian cố gắng làm cái gì đó cho phụ nữ thành phố. Và tôi tin, khi làm việc gì mà có mục tiêu rõ ràng, cộng với tình yêu thì sẽ thành công.
Cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện thân mật.
Theo Lữ Ý Nhi
DNSG
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!