“Chúng ta không có quyền đòi hỏi sân chơi riêng”

Ông Văn Đức Mười: “Là doanh nghiệp, chúng ta không có quyền ngăn cản sự cạnh tranh” (ảnh: Ngôn Dân).
 
Phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) về chiến lược kinh doanh của công ty trước bối cảnh thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt.
 
Khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa nhà cung ứng trong nước và nước ngoài, Vissan đã lường trước việc này chưa và phương án ứng phó ra sao?
 
Thật sự, để xây dựng được thương hiệu Vissan đến ngày hôm nay chúng tôi phải thực hiện nhiều việc liên quan đến vấn đề quản trị của mình. Từ năm 2010 chúng tôi đã thực hiện tái cấu trúc lại kênh phân phối. Không chỉ là chuyển đổi từ 1.000 đại lý bán lẻ sang 100 nhà phân phối được quản lý chặt chẽ mà thực chất là sự đổi mới về cung cách phục vụ. Đây là một sự điều chỉnh rất quan trọng về tư duy kênh phân phối, về nhìn nhận dịch vụ và cũng là nhận thức mới về vận hành thị trường trong giai đoạn hiện nay. Với tư duy mới trong quản lý kênh phân phối này, chúng tôi điều tiết được giá, đảm bảo không có sự biến động về giá giúp mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng. Mạng lưới phân phối cũng giúp chúng tôi đối trọng với thị trường để cân đối lại giá cả và định hướng cho thị trường đi theo.
 
Hiện nay, 70% thị phần đang ở nông thôn, thị trường trong nước còn rộng lớn lắm. Là một doanh nghiệp trong nước, chúng tôi ý thức được rằng trách nhiệm của mình là phải đưa hàng Việt về nông thôn. Để làm được điều này chúng tôi phải làm sao giúp người tiêu dùng tiếp nhận thông tin sản phẩm một cách đầy đủ và minh bạch. Đặc biệt, chúng ta luôn đảm bảo sự công bằng đối với từng đối tượng người tiêu dùng thông qua việc nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới để phù hợp với phân khúc tiêu dùng đó. Và để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, chúng tôi không ngừng nối dài kênh phân phối của mình.
 
Trong tương lai không xa sẽ có cuộc đổ bộ của các “đại gia” bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, Vissan sẽ làm gì với lợi thế sân nhà?
 
Vissan hiện có 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại TP.HCM, 10 cửa hàng ở Hà Nội, 10 cửa hàng ở Đà Nẵng cùng với hàng trăm nghìn điểm bán trải rộng khắp cả nước. Mỗi phân khúc thị trường, mỗi thị phần khác nhau chúng tôi đều nghiên cứu rất kỹ để làm sao sản phẩm đến được với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Điều quan trọng là dù sản phẩm phục vụ đối tượng nào, phân khúc nào cũng phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Trong điều kiện hiện tại, khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thì một doanh nghiệp không nhất thiết phải làm tất cả mọi việc mà có thể dùng chính sách để phân bổ nguồn lực cho từng khâu, từng chuỗi giá trị khác nhau. Đơn cử, trong sản xuất chế biến, chúng tôi có trang trại chăn nuôi nhưng vẫn không cung cấp đủ nguồn nguyên liệu. Với lượng giết mổ mỗi ngày lên tới 3.000 con gia súc thì chúng tôi phải hợp tác với các trang trại khác, chúng tôi mua hàng của họ nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát chất lượng đầu vào của họ.
 
Đối với kênh phân phối đầu ra, tùy thuộc vào đối tác của chúng tôi tại địa phương thực hiện. Họ xây dựng đội ngũ bán hàng, đầu tư hệ thống bảo quản, phương tiện vận tải thì họ được hưởng lợi nhuận đối với chuỗi cung ứng mà họ phụ trách. Với chính sách này giúp chúng tôi giữ vững và phát triển được thị phần ngay tại thị trường mà chúng tôi muốn nhắm tới.
 
Khi tham gia vào “sân chơi” toàn cầu thì chắc chắn phải có sự cạnh tranh. Nhưng chúng ta không nên nhìn cạnh tranh ở mặt tiêu cực. Tại sao chúng ta phải lo sợ bị cạnh tranh? Thay vì lo sợ chúng ta hãy chuẩn bị tư thế để sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh. Chúng ta không có quyền ngăn cản sự cạnh tranh đó, và cũng không có quyền đòi hỏi “sân chơi riêng”.
 
Hiện UBND TP.HCM đang khẩn trương chỉ đạo công tác ổn định, bình ổn các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm. Tuy niên, liệu có bình đẳng hay không khi có doanh nghiệp tham gia và không tham gia chương trình? Là một doanh nghiệp lớn thuộc ngành thực phẩm, Vissan có vai trò như thế nào trong hoạt động này?
 
Vissan là một đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn nhận vai trò rất quan trọng và chủ lực về bình ổn thị trường đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến. Thực tế, Vissan đã tham gia chương trình bình ổn thị trường ngay từ năm 2003 đến nay. Năm 2011, chương trình bình ổn thị trường được thực hiện theo quy trình khép kín và liên tục, nghĩa là thực hiện quanh năm. Bước sang năm 2012, chương trình được chuyển từ gói hỗ trợ vay không lãi trước đây sang kết nối với ngân hàng theo hình thức vay ưu đãi.
 
Ý nghĩa quan trọng mà Vissan cũng như các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường là tạo ra một ngành sản xuất đủ mạnh để chủ động cung ứng nguồn hàng, đồng thời xây dựng thị trường để tạo kênh phân phối và chính điều này đã giúp kênh phân phối – vốn là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước – đã có bước thay đổi rất căn bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã thực hiện tốt vai trò dẫn dắt giá thị trường, không để hàng hóa ách tắc cục bộ, thiếu hàng hoặc có hàng mà không có kênh phân phối.
 
Kể từ năm 2012 trở đi, nguồn vốn cho chương trình bình ổn thị trường được thực hiện thông qua việc kết nối với ngân hàng, doanh nghiệp vay vốn phải trả lãi suất theo chương trình ưu đãi. Điều này cũng nói lên rằng, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trên cơ sở tự nguyện. Đối tượng tham gia không giới hạn thành phần kể cả các doanh nghiệp nước ngoài, miễn là doanh nghiệp đó đủ sức chi phối trên thị trường để đảm bảo không thiếu hàng và phải bán với mức giá thấp hơn từ 5 – 10% so với giá thị trường trên cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật.
 
Xét về mặt hoạt động, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, nếu xét về mặt uy tín cũng như xây dựng hình ảnh, doanh nghiệp tham gia bình ổn nếu làm hiệu quả sẽ được người tiêu dùng ghi nhận, qua đó thương hiệu cũng sẽ được khẳng định.
 
Xin cám ơn ông!
 
Ngôn Dân
theo BizLIVE
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928