Được biết đến là chuyên gia và nhà tư vấn hàng đầu thế giới về chuyển đổi kỹ thuật số và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất trong lĩnh vực này, ông David Rogers cho biết, phần lớn các công ty dù là công nghệ hay truyền thống đều gặp phải thách thức là không thể thực hiện chuyển đổi số thành công…
Ông David Rogers biết đến là chuyên gia và nhà tư vấn hàng đầu thế giới về chuyển đổi kỹ thuật số và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất trong lĩnh vực này.
Chia sẻ trước các nhà quản lý và hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp Việt tại Hội thảo Quốc tế đặc biệt với tên gọi “Digitalize to Revolutionize” – Định hình bức tranh kinh tế tương lai tổ chức bởi MB vào ngày 8/11, ông David Rogers cho biết, nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng các thách thức mà doanh nghiệp gặp phải phụ thuộc vào các ngành nghề hay lĩnh vực mà họ đang kinh doanh. “Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp, bất chấp là công ty công nghệ hay doanh nghiệp truyền thống ở mọi lĩnh vực đều gặp chung một thách thức đó là: Các chiến dịch chuyển đổi số không đạt được mục tiêu”, ông David Rogers nhấn mạnh.
Chuyên gia hàng đầu thế giới David Rogers gợi mở 5 bước để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công với doanh nghiệp tại Hội thảo Quốc tế đặc biệt với tên gọi “Digitalize to Revolutionize” – Định hình bức tranh kinh tế tương lai tổ chức bởi MB vào ngày 8/11.
Với kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ các công ty trên khắp thế giới chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ trong thời đại kỹ thuật số và từng làm việc với các lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn bao gồm Google, Microsoft, Citigroup, Visa, HSBC, Unilever, Procter & Gamble, Merck, GE, Toyota, Cartier cùng nhiều hãng khác, ông David Rogers chia sẻ, có nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp chưa thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số thành công.
Nổi lên trong số này là các nguyên nhân như không có tầm nhìn chung; không kỷ luật trong xác định các kênh chọn lọc, ưu tiên; không có nhân sự có kỹ năng để làm chuyển đổi số; không có thói quen kiểm thử và rút ra bài học và thiếu linh hoạt trong cơ chế quản trị… “Chuyển đổi số phải là tổng hòa của chiến lược và tổ chức của doanh nghiệp. Muốn thành công trong chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần phải đảm bảo làm tốt được hai thành phần: chiến lược và chuyển đổi tự thân”, ông David Rogers nhấn mạnh.
Tại trường Kinh doanh Columbia, ông Rogers là Giám đốc chương trình giáo dục điều hành về chiến lược kinh doanh kỹ thuật số và chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu. Ông đã giảng dạy cho hơn 25.000 giám đốc điều hành thông qua các chương trình của mình ở Thành phố New York, Thung lũng Silicon và trên nền tảng trực tuyến. Quan sát từ hoạt động của các doanh nghiệp, ông David Roger chia sẻ lộ trình chuyển đổi số nên được tiến hành theo 5 bước.
Bước thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định được tầm được tầm nhìn chung bởi đây là yêu cầu tiên quyết của thay đổi. “Nhiều tổ chức gặp không ít khó khăn khi xác định được một tầm nhìn chung” ông Rogers đánh giá.
Theo ông David, trong bối cảnh của khủng hoảng đại dịch trong những năm vừa qua, khi thế giới và các hoạt động phong toả diễn ra khắp nơi, sự chuyển đổi thậm chí chỉ diễn ra trong tích tắc và thay đổi trở nên dễ dàng hơn trong bối cảnh khủng hoảng. “Còn trong bối cảnh bình thường, chuyển đổi phải chính từ chính tổ chức của bạn. Tổ chức của chúng ta ở đâu, đóng vai trò gì trong nền kinh tế?”, ông Rogers đặt câu hỏi về cách doanh nghiệp cần làm để xác định được tầm nhìn chung của mình.
Theo nhà tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới này, có 4 yếu tố để xác định tầm nhìn chung cho doanh nghiệp đó là: Bối cảnh và triển vọng tương lai; lợi thế cạnh tranh; những tác động sẽ trở thành ngôi sao dẫn đường, kim chỉ nam cho hoạt động doanh nghiệp và các động lực bên ngoài.
Nhiều công ty rất đam mê công nghệ nhưng công nghệ không phải là chuyển đổi số. Công nghệ chỉ là công cụ để chúng ta sử dụng để theo đuổi và hiện thực hóa chiến lược của mình.
Bước thứ hai trong quá trình chuyển đổi số mà doanh nghiệp cần làm đó là thiết lập các thứ tự ưu tiên trong các vấn đề để thực hiện chuyển đổi số. Ông Rogers khẳng định, nhiều công ty rất đam mê công nghệ nhưng công nghệ không phải là chuyển đổi số. “Công nghệ chỉ là công cụ để chúng ta sử dụng để theo đuổi và hiện thực hóa chiến lược của mình”, ông Rogers nói.
Chuyên gia này cũng cho biết, ở thung lũng Silicon, tất cả các startup đều hiểu rằng họ phải phát hiện và giải quyết các vấn đề. Đó có thể là vấn đề của quản trị, vận hành hay làm sao để phục vụ khách hàng tốt hơn. “Nhiều doanh nghiệp đã thành công vì đã tìm ra cách giải quyết các vấn đề nhức nhối của khách hàng…”, ông Rogers chia sẻ.
Ông David Rogers cho rằng, doanh nghiệp sau khi chuyển đổi phải luôn lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hành động
Bước thứ 3 trong chu trình chuyển đổi số là kiểm chứng các thử nghiệm mới. Theo ông Rogers, nhiều doanh nghiệp ra các kế hoạch rất cồng kềnh và mất nhiều thời gian để trình hay duyệt các kế hoạch đó. Nhiều công ty khác lại quá tập trung vào các ý tưởng quá tốn kém. “Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp thất bại”, ông Rogers khẳng định và cho biết, doanh nghiệp cần phát triển tư duy thất bại nhanh và rút kinh nghiệm nhanh. Và hãy tìm cách chứng minh mình sai, tiếp nhận dữ liệu của riêng bạn (dữ liệu bên thứ nhất), và tìm cách kiểm chứng các giả thuyết của mình bằng các công cụ và dữ liệu thực tế…
Chuyển đổi số sẽ không thể diễn ra thành công nếu chỉ bắt nguồn từ những mệnh lệnh từ trên xuống.
Ông David Rogers cũng cho rằng, chuyển đổi số sẽ không thể diễn ra thành công nếu chỉ bắt nguồn từ những mệnh lệnh từ trên xuống. “Các cấp thấp nhất trong doanh nghiệp cần được thúc đẩy để tạo ra các sáng kiến, sáng tạo”, ông Rogers nói. Chuyển đổi cách quản trị cũng chính là bước thứ 4 trong quá trình chuyển đổi số.
Theo đó, doanh nghiệp cần trao quyền cho nhân viên bằng cách lập ra các tổ chức và cơ cấu nhỏ, ở đó mỗi người trong đội nhóm này phải tập trung 100% vào chuyên môn của mình. Họ cũng nên có quyền quyết định những thứ trong chuyên môn của mình. “Hãy xây dựng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho nhân viên của bạn” ông David Rogers nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xác lập được danh mục những dự án hay ý tưởng cần kiểm thử. “Hãy kết thúc thử nghiệm một cách nhanh gọn và hiệu quả. Với những thử nghiệm thành công, doanh nghiệp cần mở rộng quy mô thật nhanh chóng”, ông Rogers nói và gợi ý, các công ty có thể tổ chức hackathon, thành lập các phòng lab nghiên cứu và phát triển để tạo ra môi trường thử nghiệm và đổi mới sáng tạo cho chính mình.
Bước thứ 5 là phát triển năng lực của doanh nghiệp, trong đó bao gồm 3 yếu tố: công nghệ, nhân tài và văn hoá. Theo đó, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình các công nghệ số phù hợp, đầu tư thích đáng vào tài sản dữ liệu, có cấu trúc quản trị công nghệ thông tin để đảm bảo tính liêm chính và toàn vẹn của dữ liệu…
Ngoài công nghệ số thì nhân tài số cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. “Chúng ta đã có đủ lập trình viên và chuyên gia dữ liệu, AI, hay học máy chưa? Các nhân sự này đã có đủ sự va chạm và có thói quen luôn khởi đầu nhanh gọn và có tư duy thiết kế nhanh nhạy không?”, ông Rogers đưa ra các câu hỏi gợi mở mà doanh nghiệp có thể tự đặt cho mình khi tiến hành bước thứ 5 trong chu trình chuyển đổi số này. Ông Rogers gợi ý, doanh nghiệp cũng có thể tiến hành các thoả thuận M&A với các công ty khác có các kỹ năng mà chúng ta cần.
Chuyên gia này cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp tốn rất nhiều tiền của để tuyển dụng được các nhân tài giỏi nhất về làm việc. Tuy nhiên, những người giỏi nhất này lại không ở lại sau một thời gian làm việc tại công ty. “Doanh nghiệp cần tạo môi trường để giữ chân nhân tài và xây dựng được văn hoá chuyển đổi”, ông Rogers nhấn mạnh.
Chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc.
Chuyên gia và nhà tư vấn hàng đầu thế giới về chuyển đổi kỹ thuật số nhấn mạnh, nếu không thể nhớ được 5 bước trên, doanh nghiệp chỉ cần luôn ghi nhớ: Chuyển đổi số không phải về công nghệ mà là dùng công nghệ như công cụ chuyển đổi công việc kinh doanh và khách hàng. Chuyển đổi số cũng không bắt đầu từ ban lãnh đạo cấp cao, mà để chuyển đổi số thấm trong từng phần của tổ chức thì phải bắt đầu từ các cấp thấp nhất và gắn kết mọi cấp trong tổ chức. “Chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc. Đó là một hành trình liên tục”, ông David Rogers kết luận.
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!