Theo Tạp chí Forbes, năm 2014, thế giới chào đón thêm 268 người vào danh sách tỷ phú USD thế giới, trong đó có 42 phụ nữ (con số lớn nhất từ trước đến nay). Tài sản của các tỷ phú mới nổi này trị giá khoảng 510 tỷ USD, gần bằng GDP của Nauy.
Mỹ là “miền đất hứa” của các tỷ phú mới nổi (với 50 người), theo sau là Trung Quốc (37 người), Đức (26 người) và Brazil (23 người). Dưới đây là 2 tỷ phú mà tài sản của họ không phải là nhiều nhất trong số tỷ phú mới nổi 2014, song câu chuyện làm giàu của họ có nhiều điểm thú vị và đáng để suy ngẫm.
Jan Koum – Tài sản ròng: 7,5 tỷ USD (tính tới ngày 23/12/2014) Quốc tịch: Mỹ – Nghề nghiệp: Giám đốc điều hành WhatsApp |
Jan Koum là ví dụ điển hình cho một tỷ phú đi lên từ nghèo khổ. Cho đến khi Facebook công bố thỏa thuận mua lại ứng dụng nhắn tin trực tuyến (OTT) WhatsApp với mức giá khổng lồ – 19 tỷ USD hồi tháng 2/2014, hẳn ít người biết đến cái tên Jan Koum, nhà đồng sáng lập WhatsApp. Thương vụ này thực sự đã mở ra một trang mới trong cuộc đời Jan Koum và đưa anh bước vào “đại gia đình” tỷ phú USD.
Sinh ra tại ngôi làng nhỏ ở Ukraine, gia đình Jan Koum nghèo tới mức không có nước nóng để tắm và hãn hữu lắm mới sử dụng điện thoại. Nhớ lại tuổi thơ khốn khó của mình, Jan Koum nói: “Bạn hãy thử tưởng tượng, giữa mùa đông lạnh giá ở Ukraine, nhiệt độ ngoài trời có thể xuống tới âm 20 độ C, vậy mà lũ trẻ như chúng tôi phải cuốc bộ tới bãi đỗ ô tô gần trường để sử dụng nhà tắm công cộng”.
Cuộc sống quá khó khăn, Jan Koum cùng mẹ nhập cư vào California (Mỹ) năm anh 16 tuổi. Những ngày đầu ở Mỹ, Koum phải xếp hàng để được nhận suất ăn miễn phí. Để kiếm tiền, mẹ Koum phải đi trông trẻ thuê, còn Koum nhận việc quét dọn trong cửa hàng rau quả gần nhà. Sau đó, mẹ Koum bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư và gia đình buộc phải sống bằng tiền trợ cấp.
Thành công trong lĩnh vực phần mềm như vậy, nhưng Koum từng không có nổi chiếc máy tính cá nhân cho tới năm 19 tuổi. Anh tự học máy tính thông qua một quyển hướng dẫn sử dụng mua ở hiệu sách.
Trong thời gian học tại Đại học San Jose, Koum làm nhân viên kiểm tra hệ thống bảo mật bán thời gian cho Công ty kiểm toán Ernst & Young. Một phần công việc của anh có liên quan tới giám sát hệ thống quảng cáo của Yahoo và đây là cơ duyên để Koum gia nhập Tập đoàn Internet khổng lồ này sau đó.
Năm 2007, Koum rời Yahoo sau 9 năm làm việc tại đây và năm 2009, anh bắt đầu phát triển ứng dụng nhắn tin và gọi điện trực tuyến WhatsApp. Không đi theo lối mòn như Skype, cũng là một ứng dụng nhắn tin phổ biến trên mạng, WhatsApp không quản lý tài khoản bằng mật khẩu mà thực hiện bằng nhận dạng số điện thoại người dùng.
Thời gian đó, ứng dụng này gần như là duy nhất cho phép người dùng sử dụng số điện thoại của mình để nhắn tin miễn phí. Tới đầu năm 2010, doanh thu của WhatsApp chỉ khoảng 5.000 USD/tháng, song mọi chuyện dần thay đổi khi ứng dụng này lọt vào danh sách Top 20 ứng dụng phổ biến nhất trên Apple Store năm 2011.
Nhận thấy tiềm năng lớn của WhatsApp, Facebook nhanh chóng quyết định thực hiện thương vụ mua lại. Dù đã giàu sang, song Koum vẫn nhớ tới những ngày cơ cực của mình và anh chọn việc ký hợp đồng với Facebook tại chính cơ sở phúc lợi mà những ngày cơ cực, Koum từng phải xếp hàng nhận phiếu ăn. Ước tính, ngay sau thời điểm mua lại, tài sản của Koum đã lên tới 6,8 tỷ USD tính theo số cổ phần mà anh nắm giữ lúc đó.
Joseph Tsai – Phó chủ tịch Alibaba |
Joseph Tsai là hình mẫu của doanh nhân, với tài thương thuyết trong các thương vụ đầu tư, thu hút vốn, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Thương vụ Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 18/9/2014 với mức giá kỷ lục 68 USD/cổ phiếu và tổng trị giá lên tới 25 tỷ USD được coi là vụ IPO lớn nhất trong lịch sử Mỹ, vượt xa các thương vụ của VISA và Facebook trước đó. Đằng sau sự thành công của Alibaba, người ta không thể không nhắc đến Joseph Tsai, “đạo diễn” đằng sau thương vụ này và là cánh tay phải của tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Alibaba.
Sau vụ IPO của Alibaba, Joseph Tsai chính thức gia nhập danh sách tỷ phú mới nổi của Forbes năm 2014. Sinh ra tại Đài Loan, mang quốc tịch Canada và làm việc tại Hongkong từ năm 1995 với vai trò chuyên gia tài chính tại Công ty đầu tư Investor AB của Thụy Điển.
Năm 1999, Joseph Tsai gặp gỡ Jack Ma và ông quyết định đầu quân về Alibaba. Thời gian đầu, doanh thu của Alibaba ở mức rất thấp và chỉ có 28.000 thành viên đăng ký trực tuyến trên gian hàng thương mại điện tử này.
Tsai kể: “Tháng 6/1999, một tháng sau ngày tôi gặp Jack Ma, anh đến và nói: Joe, hãy giúp tôi phát triển công ty và tôi đã đồng ý”. Tsai là thành viên duy nhất từng du học phương Tây trong nhóm quản lý của Alibaba, giữ vai trò Giám đốc tài chính trong hơn 10 năm trước khi giữ cương vị Phó chủ tịch tập đoàn này vào năm 2013. Trong khi Jack Ma là nhà sáng lập và xác định tầm nhìn cho Alibaba thì chính Tsai, người thường xuyên thức tới 4h30 sáng đã thực hiện tầm nhìn đó.
Nhiệm vụ của Tsai là tìm cách thu hút vốn và thuyết phục các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Alibaba trong phiên IPO tại thị trường Mỹ. Với tài thương thuyết và “đạo diễn” tài tình của ông, Alibaba đã thắng nhiều thương vụ và nâng tổng giá trị của Tập đoàn lên tới 200 tỷ USD, đánh dấu quy mô khổng lồ của Tập đoàn Internet này chỉ sau Google Inc.
Nhận xét về Tsai, Porter Erisman, chuyên viên marketing và truyền thông, đồng thời cũng là người tham gia Alibaba từ những ngày đầu cho biết: “Alibaba sẽ không được như ngày hôm nay nếu không có Joseph Tsai. Anh ấy thực sự là lăng kính soi chiếu tập đoàn ra quy mô quốc tế”.
VIỆT KHOA tổng hợp/ĐTCK
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!