"Cổ phần hóa sẽ khởi sắc"

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
 
Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm “dọn đường” cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Nhưng theo nhận định của Chính phủ, quá trình này diễn ra còn chậm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
 
Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã đặt ra mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015.
 
Quyết định này cho phép sắp xếp lại ngành nghề, DN xác định ngành nào là ngành kinh doanh chính cần nắm giữ, ngành nghề nào không có hiệu quả thì phải xây dựng lộ trình để cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp nào khó khăn thì cắt lỗ, nhưng có doanh nghiệp thì làm tốt, có doanh nghiệp không làm được.
 
Chính vì vậy, trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Có đủ thời gian để rà soát rồi, có đủ hệ thống thể chế rồi, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu khởi sắc. Không còn lý do để trì hoãn như trước đây nữa.
 
Vấn đề quan trọng nhất là phải minh bạch thông tin và cơ chế giám sát phải đồng bộ với nhau. Trước đây, doanh nghiệp bán với giá nào cũng có sự nghi ngờ nhất định, rằng liệu có bán sát giá thị trường không, liệu có tiêu cực không. Tuy nhiên, hiện nay các quy chế, thể chế đã có đầy đủ. Năm 2013, Bộ Tài chính đã rất nhanh chóng xây dựng trình Chính phủ ban hành 6 nghị định. Trong đó, quy định về minh bạch thông tin cũng được ban hành. Khi đã minh bạch thông tin, nhà đầu tư biết và họ tự thực hiện quyền giám sát, bán với giá nào, cao hay thấp đều do nhà đầu tư quyết định. Không thể có chuyện vì sao doanh nghiệp tốt thế này mà lại chỉ bán được giá này. Tốt hay không do thị trường quyết định.
 
Ngay đầu năm mới Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký 8 đề án cổ phần hóa trong đó riêng ngành giao thông có tới 6 đề án, ông có bình luận gì về việc này?
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng làm tốt vì ông ấy quán triệt được từ trên xuống dưới trong ngành Giao thông vận tải, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Gặp lãnh đạo doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, ai cũng nói không thể lùi được. Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) ai cũng khẳng định rằng không thể lùi được tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn. Đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải là Bộ trưởng Đinh La Thăng và chính vị đại diện chủ sở hữu này quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình.
 
Như vậy, quan trọng nhất trong đẩy mạnh cổ phần hóa là người lãnh đạo phải không, thưa ông?
 
Nếu xác định thoái vốn, cổ phần hóa là trọng tâm, là nhiệm vụ phải thực hiện thì họ sẽ tập trung làm, tìm cách để đưa ra giải pháp, còn nếu lãnh đạo nào chần chừ thì tiến trình này cũng chậm theo. Trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng. Thể chế đã xong, lộ trình đã xong, thị trường ủng hộ và như vậy chỉ còn là tổ chức thực hiện. Thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu.
 
Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, kể cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả, ông có hy vọng rằng với thông điệp này, năm 2014 sẽ có chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu DNNN mà cụ thể là tiến độ cổ phần hóa?
 
Không chỉ hy vọng mà tôi còn tin rằng cổ phần hóa sẽ có khởi sắc và chắc là làm được vì Thủ tướng Chính phủ đã có quyết tâm, đã có thông điệp và mọi điều kiện đều đang hỗ trợ, các thể chế đều trao hết “cây gậy” cho các bộ trưởng quản lý ngành. Còn trong quá trình thực hiện, mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, có thể khó. Nếu khó thì như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra thông điệp là khó sẽ phải ngồi với nhau, phối hợp với nhau để tìm cách tháo gỡ, xử lý.
 
Vấn đề quan trọng nhất đây là vốn của dân phải bảo toàn, tức là bán với giá cao nhất theo thị trường, trừ trường hợp không thể bảo toàn được, tức là bán dưới giá ban đầu mà mình đưa ra đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Khi DN minh bạch và công bố công khai thì nhà đầu tư sẽ quyết định giá. Nếu công khai và có lộ trình, nếu thấy hiệu quả thì nhà đầu tư trả giá hợp lý, tức là phải trả cho thị trường quyết định giá. Và như vậy nhà đầu tư mới yên tâm bỏ vốn, giả sử bỏ vốn vào, doanh nghiệp vẫn thua lỗ, thì vấn đề không chỉ là mất vốn mà còn là mất lòng tin của nhà đầu tư.
 
(Theo HQ Online)
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928