Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) kỳ vọng TPP sẽ mang về cho VN kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD vào năm 2020 và cán mốc 55 tỉ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may bày tỏ lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP.
Doanh nghiệp lớn cũng… đuối
Ông Phạm Phú Cường, tổng giám đốc Tổng công ty CP May Nhà Bè (NBC), cho biết nếu không có gì thay đổi NBC sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 450 triệu USD đối với hàng may mặc trong năm 2013. Có tốc độ tăng trưởng trung bình 18-25%/năm, NBC hiện là một trong số không nhiều doanh nghiệp dệt may hàng đầu về năng lực cung ứng lẫn quy mô sản xuất.
Thế nhưng theo ông Cường, để có thể tận dụng được hiệu quả về mức thuế thấp nhất của TPP, NBC vẫn không phải là doanh nghiệp có đầy đủ các khâu sản xuất, nếu tính từ sợi, dệt, nhuộm cho đến khi ra vải hoàn chỉnh. Vì theo quy định của TPP, nếu muốn được hưởng thuế suất 0% thay cho mức bình quân 17,3% như hiện nay, các doanh nghiệp VN phải sử dụng nguyên liệu do chính mình sản xuất ra hoặc sử dụng nguyên liệu từ các nước là thành viên của TPP.
Theo ông Diệp Thành Kiệt – phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), VN có thể đạt được 30 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may vào năm 2020 vì tốc độ tăng trưởng của ngành hiện vẫn duy trì ở mức khá cao, trung bình 15-20%/năm, và kim ngạch xuất khẩu của năm 2013 dự kiến sẽ đạt khoảng 18 tỉ USD. Nhưng 55 tỉ USD cho năm 2030 thì lại là vấn đề khác, bởi còn phụ thuộc vào thị trường cần nhập khẩu và năng lực đáp ứng của ngành dệt may VN. Quan trọng hơn, làm sao giải quyết được bài toán thu hút trung bình 150.000-200.000 lao động/năm cho ngành, khi mà ngành dệt may theo xu hướng phát triển tất yếu sẽ không còn là một ngành có sức hút với lao động phổ thông nói chung và tình trạng “nhảy việc” của người lao động gần như chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, bất chấp không ít doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ khá hậu hĩnh. |
|
“Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, rõ ràng chúng tôi sẽ gặp hạn chế rất lớn nếu nguồn cung gặp trục trặc hay có vấn đề. Vì nếu chủ động được nguồn nguyên liệu thì giá trị gia tăng mang lại mới cao do làm hàng theo phương thức mua nguyên liệu bán thành phẩm, thay cho hình thức gia công” – ông Cường thừa nhận.
Thấy được hạn chế này, nên NBC đang ráo riết tìm kiếm cho mình nguồn cung ứng nguyên liệu từ trong nước lẫn nhập khẩu, nhưng xem ra vẫn là bài toán nan giải. “Chúng tôi không thể đầu tư cho khối dệt, nhuộm hay kéo sợi bởi đây không phải là thế mạnh của mình, cũng như kinh phí đầu tư quá lớn thật sự là một bài toán quá khó. Nên thị trường từ các nước thuộc khối TPP cũng chỉ là một phần trong chiến lược phát triển thị trường đã được tính toán rất kỹ của NBC” – ông Cường chia sẻ.
Tổng công ty dệt may Thắng Lợi cũng tương tự như NBC, dù là một trong số ít doanh nghiệp “làm được từ A-Z, có đầy đủ các ngành sợi, dệt, nhuộm – hoàn tất ra đến cả vải” – ông Ngô Đức Hòa, phó tổng giám đốc Thắng Lợi, nói. Theo ông Hòa, tiếng là sản xuất được cả vải, “nhưng vải của Thắng Lợi chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa, còn xuất khẩu thì vẫn chưa bảo đảm bởi chất lượng chưa đồng nhất”. Thế nên, con số xuất khẩu 25 triệu USD trong năm 2012 và khoảng 27 triệu USD trong năm 2013 của Thắng Lợi phần lớn chỉ từ doanh thu ngành may mang lại.
Kỳ vọng có quá lớn?
Đưa ra các cơ hội có thể mang lại từ TPP, Vitas khá táo bạo khi nhận định kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may VN sẽ đạt 30 tỉ USD vào năm 2020, đẩy lên mức 55 tỉ USD vào năm 2030. Đồng thời, xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sẽ tăng 12-13%/năm thay vì chỉ ở mức 7%/năm như hiện nay một khi TPP được áp dụng.
Với mức tăng này, thị trường Mỹ sẽ chiếm 55% tổng kim ngạch chung của toàn ngành, thay cho mức 49% như hiện nay. Theo các chuyên gia trong ngành, mục tiêu nói trên vẫn có thể thực hiện được nếu ngay từ bây giờ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị một cách hết sức chủ động, đặc biệt ở khâu tự chủ nguồn cung nguyên liệu.
Ông Ngô Đức Hòa cho rằng “chỉ cần nghĩ đến việc đầu tư thôi là…nổi da gà vì số tiền quá lớn, doanh nghiệp không biết chạy đâu ra tiền”. Ngay cả với Thắng Lợi, muốn nâng cao chất lượng để xuất khẩu được vải, doanh nghiệp này cần đầu tư không dưới hàng chục triệu USD bởi “máy móc hiện tại cũ kỹ lạc hậu lắm rồi, chất lượng nhuộm hoàn tất không đồng màu, còn in ra vải thì vẫn bị lỗi” – ông Hòa thừa nhận.
Thực tế cho thấy năng lực sản xuất các chủng loại sợi, vải và khả năng tự cung cho khâu nhuộm – hoàn tất vẫn là một bài toán quá khó đối với ngành dệt may VN. Hiện trong nước chỉ mới sản xuất được 500.000-600.000 tấn sợi, nhưng chủ yếu chất lượng thấp đến trung bình, chỉ phù hợp để sản xuất các loại… khăn tắm chứ không thể sản xuất thành vải mang đi xuất khẩu. Một số doanh nghiệp tiếng là đã xuất khẩu được một số chủng loại sợi, nhưng những mã sợi này cũng chỉ dừng ở mức chất lượng tạm được.
Còn với vải, một năm nhu cầu sử dụng 6,8-7 tỉ mét/năm, nhưng trong nước chỉ mới sản xuất được khoảng 800 triệu mét do năng lực nhuộm – hoàn tất còn quá kém, nên số còn lại phải nhập khẩu mới đủ dùng.
Ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vintatex), cho biết hiện Vinatex đang triển khai đầu tư ba dự án trọng điểm cho nguyên liệu là sản xuất vải yarn-dyed (vải bằng sợi dệt đã nhuộm trước) thay thế hàng nhập khẩu, vải len cho sản xuất veston và dệt kim. Các hạng mục đầu tư này nhằm mục tiêu đón đầu TPP. Tuy nhiên theo ông Nghị, để tận dụng tối ưu lợi ích từ TPP, “không nhất thiết cái gì cũng đầu tư, vì có những mặt hàng thế giới đã sản xuất, đã khấu hao xong từ lâu.
Nếu mình vẫn lao vào đầu tư thì sẽ không hiệu quả”. Cho nên, trong nhóm nguyên liệu chủ trương cần thay thế, quan điểm của Vinatex chỉ tập trung vào cái nào có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh thì mới đầu tư.
Theo Trần Vũ Nghi
Tuổi trẻ