Một người lãnh đạo tài năng cần phải biết cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để nhân viên đều được trao quyền như nhau, cảm thấy có giá trị và luôn được lắng nghe.
Không phải chỉ cần đạt được thỏa thuận về một mức lương mong muốn, ngày nay, những người lao động còn đặt kỳ vọng rất lớn vào những người lãnh đạo trực tiếp của mình. Thực tế, một cuộc khảo sát gần đây của LinkedIn cho thấy, đến 65% số người được hỏi đề cao môi trường làm việc hơn là mức lương của họ.
Khảo sát cũng cho thấy các nhân viên quan tâm đến việc công ty có nuôi dưỡng môi trường làm việc hay không (chiếm 47%) và môi trường có tác động tích cực đến xã hội như thế nào (chiếm 46%). Số liệu này cho thấy, hiện nay, lực lượng lao động rất muốn thể hiện vai trò của mình trong công ty. Cách thức xây dựng văn hoá công ty có thể khác nhau tùy theo văn hóa mỗi nước, nhưng nhìn chung, mục đích xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhằm đảm bảo nhân viên cảm thấy hạnh phúc, thúc đẩy cải thiện năng suất và từ đó, nhân viên sẽ gắn bó lâu dài hơn với công ty. Một người lãnh đạo tài năng cần phải biết cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để nhân viên đều được trao quyền như nhau, cảm thấy có giá trị và luôn được lắng nghe.
Văn hóa doanh nghiệp tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh doanh
Theo một khảo sát gần đây của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia, 85% CEO và CFO tin rằng một nền văn hóa không lành mạnh sẽ dẫn đến những hành vi phi đạo đức. Hơn nữa, cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy 9 trên 10 CFO tin rằng, việc cải thiện văn hóa công ty sẽ làm tăng giá trị và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Một cách mà các nhà lãnh đạo có thể thực hiện để xây dựng văn hóa công ty của mình, đó là trao quyền cho nhân viên. Việc tin tưởng và trao quyền cho nhân viên để họ chủ động đưa ra quyết định cũng là cách điều hành thông minh, khoa học. Việc này không chỉ cho họ cảm giác có trách nhiệm mà còn tăng kỹ năng phân chia công việc. Các nhà lãnh đạo hãy đánh giá họ không chỉ qua kết quả công việc mà còn quá trình, nếu quá trình chưa tốt hãy cùng họ bàn bạc và đưa ra hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nên xây dựng văn hóa công nhận tại doanh nghiệp của mình. Thường xuyên thừa nhận những ý kiến đóng góp của nhân viên và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của họ cũng giúp gia tăng khả năng kết nối giữa nhân viên với lãnh đạo, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo nên tận dụng sự công nhận như một công cụ hữu ích để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhân viên, mang lại một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh cho họ.
Làm thế nào các nhà lãnh đạo có thể xây dựng văn hóa trao quyền?
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường được khuyên không nên can thiệp sâu vào các hoạt động hàng ngày của nhân viên mà nên đặt niềm tin ở nhân viên, trao quyền cho họ tự quyết định. Ngoài kỹ năng mềm cần thiết của những nhà lãnh đạo tài ba, thì cách để nhà lãnh đạo giỏi trao quyền cho nhân viên sao cho hợp lý cũng là một điều quan trọng để tối đa hóa hiệu suất làm việc của cả nhóm cũng như giá trị của toàn doanh nghiệp.
Khai thác điểm mạnh của nhân viên
Nhân viên nên được khuyến khích tập trung vào công việc mà họ say mê và thành thạo nhất. Bởi khi đó, họ sẽ cảm thấy tự tin, cung cấp nhiều giá trị nhất. Ví dụ, nếu một nhân viên thích trò chuyện, trao đổi với khách hàng, hãy tăng thêm các nhiệm vụ này cho họ, để nhân viên càng thêm yêu thích công việc của mình. Hay khi nhân viên của bạn yêu thích và có năng khiếu diễn xuất trước ống kính, hãy khai thác điểm mạnh này của họ. Để nhân viên của bạn kể về công ty, thuyết minh một sản phẩm hoặc dịch vụ công ty đang kinh doanh thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Bằng việc mở ra các kênh PR, nhân viên của bạn có cơ hội thể hiện tài năng và chịu trách nhiệm cho kết quả của chính mình.
Kết nối tại nơi làm việc
Trải nghiệm của nhân viên có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi các mối quan hệ hàng ngày tại công ty và đó là lý do tại sao người lãnh đạo nên cho nhân viên của mình cơ hội để củng cố các mối quan hệ đó thông qua các ngày lễ kỷ niệm, những buổi tiệc liên hoan nhẹ tại nơi làm việc. Ngoài ra, có thể thiết lập các điểm tụ tập giải lao ngắn xung quanh không gian làm việc, xây dựng đội nhóm hay quan tâm đến các quyền lợi của nhân viên… Đặc biệt quan trọng nhất, nhà lãnh đạo nên khuyến khích sự công nhận những cố gắng, nỗ lực và phản hồi thường xuyên ở tất cả các cấp trong công ty. Sự công nhận thường xuyên ở mọi cấp độ sẽ tạo dựng niềm tin và giao tiếp cởi mở hơn trong doanh nghiệp.
Người lãnh đạo cũng nên khuyến khích nhân viên đưa ra ý kiến cá nhân, tạo ra một bầu không khí thoải mái, để nhân viên có thể bày tỏ cảm xúc và các mối lo ngại. Nghiêm túc lắng nghe, nếu họ bày tỏ sự lo lắng trong trường hợp cần sự đồng cảm thì hãy đồng cảm, trong trường hợp bạn không đồng cảm, chỉ cần lắng nghe để hiểu họ. Cho dù bạn đồng tình với nỗi lo lắng của họ hay không thì quan trong hơn hết là cho thấy bạn tích cực lắng nghe và suy ngẫm về những gì họ nói. Sự quan tâm của bạn chứng minh rằng bạn luôn coi trọng nhân viên của mình.
Tạo dựng uy tín
Thái độ thẳng thắn nhất quán khi truyền đi tất cả các thông điệp – ngay cả khi bạn thể hiện sự khó chịu hay không vừa ý với nhân viên của mình – nuôi dưỡng niềm tin về sự chính trực của bạn. Sự tin tưởng của nhân viên với bạn với tư cách là một người lãnh đạo của tổ chức giúp củng cố niềm tin của họ với công ty nói chung, từ đó giúp thúc đẩy hiệu suất làm việc chung.
Nên nhớ, trước khi quyết định có nên trao quyền cho nhân viên hay không, người lãnh đạo phải giải quyết được những vấn đề như tạo ra sự tự chủ nhưng đảm bảo trong giới hạn quy định của công ty, thúc đẩy sự sáng tạo những vẫn giữ vững quy trình và nuôi dưỡng văn hóa định hướng thay vì kiểm soát công việc gắt gao.
Nhà quản lý giỏi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác trong quá trình chèo lái doanh nghiệp để đạt được thành công. Hãy trao quyền và trách nhiệm cho từng cá nhân dựa trên những gì bạn hiểu về họ.
Footer Subheading
Message Submitted!