Ông Gricha Safarian, chủ tập đoàn sôcôla Puratos Grand Place. Ảnh: Trường Nikon |
Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm đầu tiên của mình với sôcôla?
Tôi sinh ra ở một miền quê của nước Bỉ, nơi có những trang trại chăn nuôi rộng lớn. Hồi nhỏ, mỗi sáng tôi vẫn thấy mẹ tôi lấy sữa bò trộn với sôcôla nóng. Tôi nghĩ rằng nếu cho bò ăn sôcôla thì khi vắt sữa bò sẽ có ngay sôcôla nóng để thưởng thức. Tôi đã chia sẻ ý tưởng này với mẹ tôi một cách nghiêm túc.
Dường như con đường biến những ý tưởng ngô nghê ngày bé đến việc kinh doanh sôcôla sau này của ông diễn tiến khá êm đềm?
Thực ra, âm nhạc mới là niềm đam mê của tôi. Thời sinh viên tôi có thành lập ban nhạc và sáng tác nhạc. Dòng nhạc khi đó tôi chơi có tên là New Wave. Đây là một thể loại nhạc rock, thịnh hành vào những năm 80 của thế kỷ XX. Kia là hình ban nhạc của tôi, tôi mặc vest đứng đó (Gricha chỉ tay về tấm hình chụp ban nhạc của ông treo trong phòng).
Cũng trong thời sinh viên, tôi đã gặp gỡ một nhân vật quan trọng trong một tập đoàn lớn làm sôcôla. Trong cuộc nói chuyện đó, cô ấy đã nói nhiều về niềm đam mê sôcôla và những cái cô ấy quan tâm về sôcôla. Tôi bắt đầu quan tâm đến ngành này và kinh doanh sôcôla từ đó.
Ông đam mê sôcôla, yêu thích âm nhạc nhưng lại học về khoa học chính trị. Giữa chúng có liên quan gì với nhau?
Điểm chung là chúng đều giúp tôi thỏa mãn được niềm đam mê du lịch. Việc học khoa học chính trị đối với tôi thời điểm đó, khi không có nhiều tiền để đi du lịch, là cách tốt nhất để tìm hiểu về các quốc gia vì mỗi quốc gia đều có hệ thống chính trị khác nhau. Những chuyến lưu diễn của ban nhạc cũng giúp tôi được đi đây đi đó nhiều hơn. Tôi kinh doanh sôcôla với xuất phát ban đầu là xuất khẩu sôcôla sang Nhật, Hồng Kông… Đây cũng là cơ hội để tôi đi đến nhiều nước. Bên cạnh đó, tôi thấy cả sôcôla lẫn âm nhạc đều mang cái gì đó tốt đẹp đến cho mọi người.
Thích du lịch vậy tại sao ông lại không học ngành du lịch?
Thứ nhất ở Bỉ không có chuyên ngành du lịch.
Thứ hai, theo tôi, đi du lịch ở các nước sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn nếu mình đi mà biết được lịch sử của đất nước đó, hơn là đi chỉ để nhìn nhìn ngắm ngắm. Như vậy khi đặt chân đến đất nước nào, mình sẽ nhìn đất nước đó với cách nhìn như người trong cuộc chứ không phải như người ngoài. Chẳng hạn, trước khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã tìm hiểu và nắm khá rõ về lịch sử cũng như tình hình chính trị xã hội của đất nước các bạn. Vì thế khi đến đây tôi thấy thú vị hơn nhiều.
Bỉ được biết đến như vương quốc của sôcôla trong khi ở Việt Nam sản phẩm này vẫn còn xa lạ với nhiều người. Lý do gì khiến ông quyết định kinh doanh sôcôla tại Việt Nam ngay từ những năm 1994?
Thời điểm 1993-1994, sôcôla còn rất mới đối với người Việt Nam. Song đối với tôi nó là một sản phẩm toàn cầu. Mọi người không ai không thích sôcôla. Ngay cả đứa trẻ chưa biết sôcôla là gì, ăn lần đầu tiên dù cảm thấy hơi đắng, nhưng sẽ quen và sẽ đòi ăn thêm.
Khi đến Việt Nam, tôi đã quyết định đưa cả gia đình qua. Lúc đó, tôi đang kinh doanh sôcôla cho nên tôi muốn làm cái gì đó nho nhỏ liên quan đến ngành này tại Việt Nam. Ban đầu, chúng tôi chỉ đặt một văn phòng đại diện, đưa sôcôla từ Bỉ qua phân phối với quy mô nhỏ. Sau một thời gian, tôi nhận thấy có thể phát triển ngành này tại Việt Nam.
Ông là người thích phiêu lưu và mạo hiểm thì phải?
Lúc đó, vẫn còn rất nhiều những đồn đoán về Việt Nam, chẳng hạn như vẫn còn đang chiến tranh, tình hình kinh tế chính trị chưa ổn định… Hầu hết người thân và bạn bè đều lo lắng cho tôi khi quyết định đưa cả nhà sang Việt Nam lập nghiệp. Hơn nữa, những năm 1993-1994 nếu tôi thực hiện khảo sát về nhu cầu sôcôla ở Việt Nam thì chắc chắn điều đó không có và quyết định của tôi là hoàn toàn cảm tính. Nhưng đối với tôi, điều đó là một cuộc phiêu lưu mà tôi lại thích phiêu lưu. Cho đến bây giờ đó vẫn là cuộc phiêu lưu đáng giá nhất trong cuộc đời tôi.
Kinh doanh cảm tính có nguy hiểm không thưa ông?
Rất mạo hiểm. Tuy nhiên, đó là cách duy nhất để trở thành người tiên phong trong bất kỳ lĩnh vực nào. Việc đưa ra quyết định cảm tính sẽ cho mình tầm nhìn rộng hơn, do không có định hướng cụ thể nên mình dễ nhận thấy các cơ hội hơn và chụp lấy chúng. Việc lên kế hoạch rõ ràng trước khi bắt tay vào kinh doanh dễ dẫn đến các quyết định cứng nhắc. Trường hợp của tôi cũng vậy. Sản xuất sôcôla phải dựa vào ca cao. Khi Chính phủ Việt Nam có chủ trương trồng cây ca cao, về mặt cảm tính, tôi biết mình phải chớp ngay cơ hội đó và phải là người tiên phong. Trong khi nếu xét về mặt tài chính thì câu trả lời là không nên tham gia. Bởi lẽ, bạn phải bỏ chi phí ra để đầu tư nghiên cứu.
Ông đánh giá tiềm năng cây ca cao ở Việt Nam thế nào?
Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để trồng cây ca cao, cả về thổ nhưỡng lẫn khí hậu. Tuy nhiên, nếu nói Việt Nam có thể thành công với cây ca cao thì lúc này hãy còn quá sớm để kết luận. Trừ phi Chính phủ và những thành phần liên quan đến chuỗi cung ứng ca cao (người trồng, người mua, chế biến ca cao) quyết tâm cùng nhau hợp lực thì khả năng thành công của cây ca cao sẽ lớn hơn. Nếu mọi người làm tốt vai trò của mình, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sản xuất ca cao chất lượng cao.
Chúng tôi cũng đã cam kết với ngành ca cao Việt Nam. Và chúng tôi đã xây dựng nhà máy chế biến ca cao và số phận của nó sẽ gắn với số phận của ngành ca cao Việt Nam.
Năm 2001 Puratos Grand Place bắt đầu sản xuất sôcôla tại Việt Nam nhưng mãi đến năm 2013 mới có nhà máy lên men ca cao. Như vậy có quá lâu?
Mô hình khép kín từ trồng ca cao đến chế biến thành phẩm hiện trên thế giới chưa có ai làm. Ngay cả những tập đoàn lớn cũng không tham gia chuỗi đi từ hạt ca cao từ quốc gia trồng ca cao cho đến sản xuất ngay tại quốc gia đó. Việc đầu tư nhà máy chế biến ca cao là rất tốn kém và sẽ thua lỗ nếu sản lượng ca cao mua được không đáp ứng công suất của nhà máy.
Ông nghĩ gì khi cái tên Puratos Grand Place vẫn còn xạ lạ với người Việt Nam?
Mô hình kinh doanh của chúng tôi là B2B, có nghĩa độ nhận diện thương hiệu của Puratos Grand Place với người tiêu dùng không quan trọng, mà quan trọng là các nhóm khách hàng doanh nghiệp. Hiện nay, đối với hầu hết các doanh nghiệp có ứng dụng sôcôla như tiệm bánh, khách sạn, Puratos Grand Place là nhà cung cấp hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi không chủ trương truyền thông để được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Điều chúng tôi mong muốn làm với người tiêu dùng Việt Nam là tăng độ nhận biết của họ về sôcôla sản xuất tại Việt Nam và từ hạt cacao Việt Nam. Hiện nay, không chỉ Puratos Grand Place mà các thành phần khác tham gia chuỗi cung ứng ca cao cũng đang nỗ lực làm điều đó.
Ông thấy việc sử dụng sôcôla của người Việt Nam đã có sự biến chuyển như thế nào?
Nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng doanh số của chúng tôi qua các năm thì trong vài năm gần đây, mỗi năm doanh số Công ty tăng khoảng 30%. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam ngày càng yêu chuộng sôcôla hơn.
Là ông chủ làm việc với nhiều nhân viên người Việt, ông thấy đâu là thế mạnh và điểm yếu của người Việt Nam?
Tôi là ông chủ? (cười). Làm việc với người Việt Nam tôi thấy họ có nhiều điểm mạnh. Tôi cho rằng người Việt Nam có thể tin tưởng được, làm việc chăm chỉ, có tư duy, cách nghĩ độc lập. Điều đặc biệt là họ khá trung thành. Ở công ty tôi mức độ luân chuyển nhân viên rất thấp, có nhiều nhân viên làm việc từ khi tôi khởi nghiệp ở Việt Nam.
Có một điều, theo quan điểm cá nhân tôi (mà có thể nhiều người không đồng tình), đó là người Việt Nam thường có xu hướng phức tạp hóa vấn đề, biến những vấn đề đơn giản thành phức tạp.
Theo Lê Dung