Thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 1/6, ông Phạm Trọng Nghĩa (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu, đảm bảo mức sống của lao động và gia đình. Doanh nghiệp nên thấu hiểu và chia sẻ với lao động. “Chính phủ cũng nên giao cơ quan độc lập công bố hoặc phản biện mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, tăng tính khách quan, khoa học”, ông nói.
Theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn, người lao động làm việc không trọn ngày, không trọn giờ là nhóm yếu thế, dễ tổn thương, ít được hưởng phúc lợi xã hội. Dự kiến lương tối thiểu giờ sẽ dao động từ 15.600 đến 22.500 đồng là “mức quá thấp”. Chính phủ cần điều chỉnh lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình của lương tối thiểu tháng.
“Dù Nhà nước và xã hội có nhiều chính sách hỗ trợ, phần lớn người lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch Covid-19”, ông Nghĩa nói, dẫn điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2021 cho thấy 5% người được hỏi chỉ ăn thịt, cá một đến hai lần mỗi tuần; 34% ăn thịt, cá ba lần một tuần; 41% chỉ đủ tiền mua một số loại thuốc cơ bản. Nhiều người không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả.
Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho lao động làm việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của của họ và gia đình. Nhưng thực tế, theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ 55% lao động có lương và thu nhập đủ sống; 25% phải chi tiêu tằn tiện; 13% không đủ sống tối thiểu.
Trong hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, lương tối thiểu không tăng. Từ tháng 7/2022, lương tối thiểu tăng 6%, nhưng tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay đã vượt quá số này. Với tốc độ tăng giá tiêu dùng như vừa qua, nhiều lao động sau giờ làm chính, phải làm thêm nhiều việc khác tại nơi làm việc khác, vắt kiệt sức khỏe.
Mức lương tối thiểu vùng 1 (vùng có mức lương tối thiểu cao nhất) là 4,68 triệu đồng (200 USD), thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Lương tối thiểu tháng ở Jakarta, Indonesia là 323 USD; Philippines 226 USD; Thái Lan 260 USD… Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ không tác động nhiều đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, ông Nghĩa phân tích.
Ngược lại, tăng lương tối thiểu sẽ cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao; góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ. Đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế.
Đồng tình với ông Nghĩa, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh) cũng cho rằng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7 là đúng đắn và cần thiết. Doanh nghiệp phải tăng chi phí nhưng sẽ có thêm động lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.Đại biểu Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: Media Quốc hội
Theo nữ đại biểu đoàn Đăk Lăk, trước năm 2020, theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ 1/1 hàng năm, với mức tăng 5-7%. Tuy nhiên hai năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng; lương tối thiểu vùng không tăng; thu nhập giảm; đời sống lao động gặp nhiều khó khăn. “Lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá”, bà nói.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng) cũng đề xuất Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động phải rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn sau đại dịch. Ông cũng đề nghị cơ quan chức năng tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần với người lao động.
Tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất từ ngày 1/7 lương tối thiểu tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Hai hôm sau, 8 hiệp hội ngành nghề có số lượng nhân công đông nhất nước cùng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023. Lý do là việc tăng lương vào đầu tháng 7 khiến doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm quá gần.
Nguồn: VnExpress