DAISO – Mô hình sống khỏe nhờ bán hàng đồng giá tại Việt Nam

DAISO là một trong những mô hình cửa hàng đồng giá Nhật Bản thành công tại Việt Nam
 
Hai năm, 8 cửa hàng
 
Năm 2008, DAISO Nhật Bản xuất hiện tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương mại (franchise). Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này nằm trong khuôn viên siêu thị miễn thuế FUSO tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
 
DAISO là một thương hiệu siêu thị đồng giá 100 yên rất nổi tiếng ở Nhật Bản, với hơn 2.500 cửa hàng khắp nước Nhật và hơn 500 cửa hàng franchise ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Rumani, Du Bai, Nga, Ả rập, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Với hình thức franchise, DAISO Việt Nam được chuyển giao về công nghệ quản lý, cách bài trí, sắp xếp theo đúng phong cách Nhật Bản.
 
Điểm thu hút của DAISO là trong diện tích không lớn nhưng cửa hàng cùng lúc có đến 30.000 – 40.000 mặt hàng, từ các sản phẩm đa dụng, tiện lợi để sử dụng trong gian bếp, phòng ăn đến các mặt hàng trang trí trong phòng ngủ, bàn làm việc, thời trang, mỹ phẩm, quà tặng…
 
Điều đáng nói là sản phẩm bán tại cửa hàng được luân phiên thay đổi hằng tuần với một giá đồng nhất 39.500 đồng. Xét về nguồn gốc, hơn 60% sản phẩm bán tại DAISO được sản xuất tại Nhật và phần còn lại được gia công tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ba Lan…
 
Nhưng dù cho sản phẩm có "made in China", "made in Thailand" hay "made in Hàn Quốc"… thì đều được kiểm soát chặt chẽ từ DAISO Nhật Bản. Vì thế, hàng bán tại các cửa hàng DAISO trên toàn thế giới đều đồng nhất về chất lượng.
 
Trong kinh doanh bán lẻ, nhiều khi doanh nghiệp (DN) phải chịu lỗ vài năm để làm quen và tiếp cận thị trường nhưng với lợi thế của một thương hiệu nổi tiếng thế giới, cửa hàng đồng giá DAISO tại Việt Nam đã có lãi ngay từ năm đầu.
 
Sự thành công của mô hình này đã giúp Công ty Trí Hội, doanh nghiệp mua franchise DAISO đã mở thêm 2 cửa hàng mới tại TP.HCM chỉ sau một năm hoạt động. Năm 2010, DAISO khai trương thêm 2 cửa hàng mới và nâng lên 8 cửa hàng vào năm 2011.
 
Trước DAISO, một thương hiệu cửa hàng đồng giá Nhật Bản cũng đã có mặt tại Việt Nam là Hachi Hachi của Công ty Việt Hạ Chí. Nhưng nếu DAISO đồng nhất một giá 39.500 đồng cho tất cả các sản phẩm thì tại Hachi Hachi có nhiều mức giá khác nhau, từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng.
 
Và so với DAISO, hàng của Hachi Hachi không phong phú bằng, thậm chí, có những mặt hàng Hachi Hachi phải "nhập" từ DAISO. Tuy vậy, vẫn không phủ nhận mô hình này vẫn đang giúp Việt Hạ Chí phát triển với 3 cửa hàng tại TP.HCM.
 
Mới đây, một thương hiệu cửa hàng đồng giá khác của Nhật là Tokutokuya cũng đã đến Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này đặt tại TP.HCM, bán nhiều loại vật dụng, từ văn phòng phẩm, hàng gia dụng, đồ trang điểm, cho đến thiết bị điện, đồ nghề sửa xe… Cũng giống như Hachi Hachi, hàng được bán theo ba mức giá niêm yết là 35.000 đồng, 40.000 đồng và 45.000 đồng.
 
Cao ốc mời gọi
 
Ở Việt Nam, mô hình cửa hàng đồng giá chỉ bắt đầu khoảng 7 năm nay thì trên thế giới, hình thức này đã xuất hiện từ lâu với các cửa hàng một giá 1 USD của Mỹ, 2 tệ, 5 tệ, 10 tệ của Trung Quốc, 100 yên của Nhật…
 
Điểm chung của các chuỗi cửa hàng này là hàng hóa phong phú và giá rẻ. Khách hàng chủ yếu là giới trẻ, sinh viên, học sinh và các bà nội trợ… nên mặt hàng được bày bán nơi đây chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm, quà tặng, vật liệu trang trí nhà cửa, sân vườn…
 
Trong ngành bán lẻ, cửa hàng đồng giá là một phân khúc thị trường hoàn toàn khác hẳn mà ở đó, người ta tìm thấy những sản phẩm kết hợp hài hòa giữa sự tiện dụng và nét thẩm mỹ cao.
 
Dù hiệu quả từ mô hình này hứa hẹn sẽ có thêm nhiều thương hiệu mới vào Việt Nam nhưng thời gian qua, cũng như các kênh bán lẻ khác, mô hình cửa hàng đồng giá cũng gặp những trở ngại nhất định, đặc biệt là chi phí mặt bằng tăng.
 
Theo những người kinh doanh trong lĩnh vực này, so với các nước khác trong khu vực, giá mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam quá cao. Trong khi giá thuê của Singapore ở mức 7 USD/m2/tháng thì giá thuê rẻ nhất của Việt Nam đã lên đến 20USD/tháng (trong đó, 10 USD giá thuê + 8 USD phí quản lý và 1 USD cho phí marketing).
 
Đó là một trong những lý do khiến các cửa hàng đồng giá Nhật Bản bị… ngáng chân. Bà Nguyễn Thùy Trang, Giám đốc Công ty Trí Hội, cho biết, ngay thời gian đầu, Trí Hội đặt mục tiêu đến năm 2012 sẽ có 20 cửa hàng tại Việt Nam.
 
Sau 2 năm liên tục mở rộng, đã có 8 cửa hàng DAISO ra đời. Thế nhưng, do giá mặt bằng tăng cao nên đến nay, sau nhiều lần dời đổi, DAISO quay về với con số 4.
 
Tuy bị thu hẹp, nhưng là thương hiệu nổi tiếng nên rất nhiều nhà đầu tư trung tâm thương mại tại Việt Nam vẫn muốn có sự xuất hiện của DAISO. Bà Trang cho biết, Nguyễn Kim có 21 trung tâm mua sắm và họ muốn DAISO song hành với họ. Tuy nhiên, hiện nay, DAISO mới vào một trung tâm ở Thủ Đức như là một bước thử nghiệm.
 
Mới đây, đã có hai nhà đầu tư trung tâm thương mại hạng sang tại TP.HCM mời DAISO vào và cho DAISO "tự ra giá" nhưng bà Trang còn cân nhắc "vì hàng đồng giá rẻ mà đưa vào những trung tâm có chi phí cao quá sẽ khó có lãi". Hiện tại, DAISO đang tìm những mặt bằng phù hợp để chuẩn bị cho ra đời của 2 – 3 cửa hàng mới vào dịp cuối năm.
 
Theo Hồng Nga
Doanh Nhân Sài Gòn

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928