Đặt cược vào các tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản, tỉ phú Buffett thắng lớn

Tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway (Mỹ)  gặt hái thành quả lớn sau khi các tập đoàn thương mại đầu tư lớn Nhật Bản, nơi ông đã rót vốn đầu tư vào đầu năm 2020, ước tính sẽ đạt mức lợi nhuận kỷ lục trong năm tài chính 2021-2022.

 

Cổ phiếu của 5 tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo đã tăng giá mạnh vào cuối tháng 8-2020 sau khi nhận tin về các khoản đầu tư từ Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway của phú Warren Buffett. Ảnh: CNBC

Hồi cuối tháng 8-2020, tỉ phú Warren Buffett gây sốc khi tiết lộ đã đầu tư vào các tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản vào thời điểm lợi nhuận của họ đang suy giảm do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu và các nguyên liệu thô khác. Lúc đó, ông thông báo Berkshire Hathaway, thông qua một công ty con, đã mua hơn 5% cổ phần ở 5 tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Tổng cộng, số cổ phần đó có trị giá hơn 6 tỉ đô la vào thời điểm thông báo.

Các tập đoàn này là những nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản vào các tài sản năng lượng và kim loại ở nước ngoài, đồng thời đã phát triển các bộ phận giao dịch phức tạp để thu lợi từ mức chênh lệch giá từ các thị trường khu vực.

Berkshire Hathaway có ý định nắm giữ lâu dài các khoản đầu tư này và có thể gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần ở bất kỳ tập đoàn nào trong số những tập đoàn nói trên lên mức tối đa 9,9%, tùy thuộc vào diễn biến giá cổ phiếu của họ.

Ở Nhật Bản, các tập đoàn thương mại tổng hợp khổng lồ được biết đến với cái tên “sogo shosha”. Có 7 sogo shosha như vậy đang tồn tại ở Nhật Bản.

“Những công ty kinh doanh này tạo ra dòng tiền mạnh mẽ, họ trả rất nhiều cổ tức và có những mảng kinh doanh không thể dễ dàng sao chép”, Thanh Ha Pham, nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Jefferies, nhận xét.

Khái niệm về các tập đoàn cực kỳ đa dạng, khổng lồ, có phạm vi kinh doanh toàn cầu với hàng chục ngàn sản phẩm và dịch vụ, được phát triển ở Nhật Bản vào thế kỷ 19. Các tập đoàn này chuyên nhập khẩu nguyên liệu thô cho đất nước nghèo nàn tài nguyên như Nhật Bản. Chúng đã hồi sinh mạnh mẽ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và đóng một vai trò lớn trong sự trỗi dậy của Nhật Bản với tư cách là một siêu cường kinh tế.

Các tập đoàn này hoạt động trong các lĩnh vực như dệt may, máy móc, năng lượng, kim loại, thực phẩm và các hàng hóa khác.

Sự thống trị của chúng trong nền kinh tế Nhật Bản đã giảm xuống kể từ thập niên 1980 nhưng vẫn còn đáng kể.

Ngày nay, 7 sogo shosha ở Nhật Bản có hơn 5.000 công ty con và công ty liên kết, duy trì văn phòng tại 210 thành phố ở nước ngoài, theo Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản. Trong năm tài chính 2016, doanh số bán hàng của họ chiếm khoảng 15% GDP của Nhật Bản và trong năm tài chính 2015, họ chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu và khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, theo một báo cáo từ Marubeni.

Bên cạnh các mức định giá hấp dẫn thì mức chi cổ tức cao và là vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, các tập đoàn này có thể đã hấp dẫn Buffett một phần vì Nhật Bản nổi tiếng về số liệu kiểm toán đáng tin cậy.

Hôm 3-2, các tập đoàn thương mại gồm Mitsui, Mitsubishi và Itochu đã nâng dự báo lợi nhuận trong năm tài chính 2021-2022, kết thúc vào ngày 31-3, lên các mức cao kỷ lục, hơn 800 tỉ yen (7 tỉ đô la Mỹ) cho mỗi tập đoàn. Cụ thể, Mitsui đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính này thêm 17%, lên mức 840 tỉ yen. Mitsubishi và Itochu nâng dự báo lợi nhuận khoảng 10%, lên mức  820 tỉ yen. Marubeni, một tập đoàn thương mại nhỏ hơn, cũng tăng dự báo lợi nhuận thêm 14%, lên mức 400 tỉ yen. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12, lợi nhuận ròng của Mitsubishi đã tăng 281% so với một năm trước, mức tăng này tại Mitsui, Itochu và Marubeni lần lượt là 218%, 86% và 102%.

Các sogo shosha  của Nhật Bản đang được hưởng lợi nhờ giá các tài nguyên thiên nhiên quan trọng từ đồng, than đá đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng mạnh.

Giám đốc Tài chính của Mitsui, Takakazu Uchida cho biết: “Thu nhập cao hơn từ quặng sắt và hoạt động kinh doanh sắt thép với Trung Quốc, cũng như giá than luyện cốc tăng cao là lý do chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận. Giá dầu và khí đốt tăng cao hơn cùng với hoạt động mạnh mẽ của mảng kinh doanh LNG cũng giúp ích cho việc kinh doanh của chúng tôi”.

Do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, giá than luyện cốc trung bình trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái tăng 91% so với cùng kỳ năm trước; quặng sắt tăng 72% và đồng tăng 50%. Thị trường năng lượng cũng phục hồi, với giá LNG giao ngay trung bình ở châu Á tăng 376%, than nhiệt lượng cao tăng 164% và dầu thô Brent tăng 82% trong giai đoạn này.

“Chúng tôi đã có thể tận dụng lợi thế tăng giá của các tài nguyên”, Giám đốc tài chính Mitsubishi, Kazuyuki Masu cho biết đồng thời cho biết thêm mảng kinh doanh cá hồi và ô tô của tập đoàn cũng rất khả quan.

Từ đầu năm đến nay, tỉ phú Buffett, 91 tuổi, là người duy nhất trong danh sách 10 người giàu nhất thế giới, có giá trị tài sản ròng tăng nhờ các cổ phiếu giá trị mà Berkshire Hathaway đang nắm giữ vẫn giữ giá hoặc tăng giá giữa cơn suy sụp của cổ phiếu ngành công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo Bloomberg, Reuters

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928