Đầu tư mạo hiểm: Thừa tiền, thiếu dự án

Dòng tiền mạo hiểm vẫn nóng
Ngoài hoạt động của IDG Ventures Việt Nam, thị trường đầu tư mạo hiểm thời gian qua chứng kiến thêm các thương vụ của DFJ VinaCapital hay CyberAgent Ventures, Kusto Việt Nam, rải tiền cho các doanh nghiệp (DN) đủ loại, từ "ươm mầm", "khởi đầu" cho đến "phát triển".
 
Nếu không kể IDG Ventures Việt Nam, với danh mục đầu tư hơn 40 công ty (chủ yếu trong lĩnh vực internet, software, thương mại điện tử, truyền thông…) thì hai VC tiêu biểu còn lại là CyberAgent Ventures Inc (Nhật Bản) và DFJ VinaCapital (liên doanh giữa Draper Fisher Jurvetson tại Silicon Valley và VinaCapital tại Việt Nam) vẫn đang "săn" thêm các thương vụ mới.
 
Trong khi đó, Kusto Việt Nam (thuộc một nhóm NĐT nước ngoài, hiện đang đầu tư sang các thị trường Kazakhstan, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam) vẫn khiêm tốn với ba khoản đầu tư vào wada.vn (cổng thông tin tìm kiếm), MobiVí và truongxua.vn.
 
Quỹ DFJ VinaCapital hoạt động vào năm 2006, quản lý số vốn 30 triệu USD. Đến thời điểm này, theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành DFJ VinaCapital, Quỹ đã giải ngân phần lớn vốn nhưng vẫn còn đầu tư thêm một vài công ty nữa.
 
Mới đây, quỹ này đã thoái vốn khoản đầu tư tại Công ty CP VON (Vietnam Online Network), đơn vị sở hữu hai trang tuyển dụng trực tuyến HR Vietnam và Kiemviec.com, khi VON sáp nhập với Tập đoàn CareerBuilder (Mỹ) hôm 21/2/2013.
 
Như vậy, DFJ VinaCapital hiện vẫn còn giữ vốn trong 5 khoản đầu tư khác, điển hình như: Tập đoàn Đại sứ trẻ (sở hữu kênh truyền hình Yeah1 TV và Yeah1 Family), TS24 (dịch vụ Tax Online), Direct With Hotels (đặt phòng qua mạng)…
 
Đại diện DFJ VinaCapital nói rằng, dự kiến, Quỹ sẽ khóa sổ trong năm nay, song, điều này còn tùy thuộc vào việc có tìm được các công ty phù hợp hay không. Trong khi đó, thị trường Việt Nam chưa hội đủ yếu tố để các VC hoạt động hiệu quả.
 
Theo ông Nguyễn Thế Lữ, Giám đốc Điều hành Quỹ Saigon Asset Management, người từng có thời gian gắn bó với hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, nếu dịch thuật chính xác thì cụm từ "venture capital" phải được hiểu là "đầu tư vào các công ty tiềm năng ở giai đoạn còn non trẻ". Vì, về bản chất, tất cả các khoản đầu tư đều chứa đựng cả cơ hội và rủi ro.
 
Hơn nữa, để bỏ vốn vào một DN, các VC thậm chí còn "soi" kỹ hơn các quỹ đầu tư (QĐT) chứng khoán hay bất động sản thông qua quy trình chọn lựa, đánh giá và tạo ra các điều khoản để bảo vệ họ.
 
Yếu tố mạo hiểm ở đây thể hiện ở chỗ VC tham gia vào giai đoạn nào trong vòng đời của một DN.
 
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ CyberAgent Ventures tại Việt Nam, dẫn chứng, khi quyết định đầu tư hơn nửa triệu USD vào Foody.vn (website về địa điểm ẩm thực tại Việt Nam, hiện có 10.615 địa chỉ ở TP.HCM và 21.805 địa điểm trên toàn quốc) vào tháng 11/2012, dự án này vẫn còn nằm trên giấy.
 
Trong khi ColorBox (Công ty TNHH Phần Mềm Hộp Màu, phát triển game và các ứng dụng di động trên nền tảng tảng iOS của Apple và Android của Google) khi nhận đầu tư từ CyberAgent vẫn chưa có lợi nhuận.
 
Theo ông Dũng, trong 12 khoản đầu tư của Quỹ tại Việt Nam (có những khoản do Tập đoàn CyberAgent Ventures đầu tư trực tiếp, có những khoản do Quỹ CyberAgent Asia Internet Fund I, chuyên đầu tư vào khu vực Đông Nam Á), đa phần đều ở dạng "ươm mầm" (seed-funding) hoặc DN trong giai đoạn khởi đầu (early-stage) và chỉ có hai khoản đầu tư là nhằm vào công ty đã phát triển (growth-stage), có lợi nhuận như trường hợp của VNG và VMG).
 
Đây là một trong những điểm khác biệt của các VC so với QĐT tài chính đơn thuần chỉ đầu tư vào các DN đã có lợi nhuận ổn định.
 
Hiện tại, Tập đoàn CyberAgent Ventures (Nhật Bản) đã thành lập hai QĐT mạo hiểm dành cho thị trường châu Á. Trong đó, CyberAgent Asia Internet Fund I đã đầu tư tổng cộng 7 công ty ở Việt Nam và Indonesia (Việt Nam 5 công ty).
 
Đại diện CyberAgent cho hay, mục tiêu của họ là tăng cường huy vốn vào Đông Nam Á, từ 20 triệu USD lên 50 triệu USD vào năm 2015. Điều này cho thấy, các VC vẫn không ngừng tìm kiếm các cơ hội tại đây.
 
Có tiền nhưng giải ngân vào đâu mới là chuyện đáng quan tâm. Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft), đơn vị đang sử dụng vốn góp của ba cổ đông nước ngoài là Softbank, IDG Ventures và eBay.com, nhìn nhận, các QĐT và nguồn vốn không bao giờ thiếu, quan trọng là DN thể hiện như thế nào trong các dự án của mình để NĐT quan tâm. Thời điểm hiện nay, ít DN được đầu tư vì ảnh hưởng của kinh tế.
 
Còn ở phương diện một VC, phía CyberAgent chia sẻ, bình quân, mỗi tháng có khoảng 10 nhóm đến tiếp cận Quỹ, trong khi, có nhóm chưa muốn "ra mắt" dự án thì Quỹ phải đi tìm để càng tham gia vào sớm thì giá trị đầu tư sẽ nhỏ, nếu thành công sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận cao.
 
"Ở đây không có nhiều dự án nên buộc mình phải đi tìm và tham gia ngay từ đầu, chấp nhận nhiều rủi ro hơn, mình phải tư vấn cho bên nhận đầu tư, nếu không họ rất dễ… chết từ trong trứng nước.
 
Có những nhóm, chúng tôi đã tiếp cận nhưng 1 – 2 năm sau mới đi đến đầu tư vì khi đó ý tưởng chưa chín muồi và chưa có mô hình kinh doanh cụ thể", đại diện Quỹ CyberAgent chia sẻ.
 
Việc giải ngân của các VC sẽ tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro và mô hình hoạt động nhưng điểm chung là các khoản đầu tư phải mang lại lợi ích và có tính thanh khoản cao.
 
Chọn mặt thoái vốn
 
Dù không ở thời hoàng kim như các thương vụ VinaGame hay Peasoft nhưng danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn đang sinh lời tốt. Không chịu áp lực thoái vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn "ém hàng" chờ cơ hội.
 
Một khoản đầu tư có tính thanh khoản cao đồng nghĩa với khả năng thoái vốn dễ dàng và đạt tỷ suất lợi nhuận như mong muốn. Đây cũng là một trong 5 yếu tố được nhắc đến trong cấu trúc của một thương vụ đầu tư. Xét về tính chất, hoạt động thoái vốn của VC tồn tại ở hai dạng: tích cực và tiêu cực.
 
Trường hợp "thoái vốn tích cực" là có bên thứ ba muốn mua lại khoản đầu tư của VC vào DN A chẳng hạn. Ở đây, bên mua có thể là những NĐT hoạt động trong ngành có mối quan hệ tương hỗ với DN A, dù DN A chưa mang lại lợi nhuận nhưng có giá trị thì bên thứ ba sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho VC để mua cổ phần. Ngoài ra, bên mua còn là NĐT tài chính, họ nhận thấy khoản đầu tư này sẽ mang lợi nhuận trong tương lai.
 
Giá trị đầu tư của các VC dao động từ 500.000 – 5 triệu USD cho những DN mới, nhiều tiềm năng và trên 10 triệu USD cho những công ty đã phát triển. 
 
Thời hạn nắm giữ một khoản đầu tư của VC thường từ 3 – 7 năm (thậm chí có thể gia hạn 10 năm).
Riêng với trường hợp "thoái vốn tiêu cực" đồng nghĩa với khoản đầu tư của VC không sinh lợi do DN A đi xuống.
VC có thể thoái vốn thông qua việc bán lại cổ phần cho lãnh đạo DN A hoặc "bán tống bán tháo" nhằm thu hồi vốn. Bên cạnh đó, do áp lực đến hạn thoái vốn, một số VC buộc phải bán cổ phần dù thị trường không tốt.
 
Với CyberAgent, trong hai công ty mà Quỹ này thoái vốn thì một thuộc nhóm "tích cực" (khoản đầu tư vào VMC) và một mang tính "tiêu cực" do cam kết của bên nhận đầu tư không đủ lớn và họ phải mua lại cổ phần mà CyberAgent nắm giữ.
 
Mười công ty còn lại trong danh mục của QĐT này vẫn hoạt động tốt, giá trị đã tăng gấp 5 – 7 lần so với thời điểm mới đầu tư.
 
Thực tế, tính thanh khoản của một thương vụ đầu tư phụ thuộc vào khả năng nhìn nhận và đánh giá đúng tiềm năng của lĩnh vực mà VC sẽ đầu tư. Chẳng hạn, theo ông Dũng, CyberAgent, internet mobile là mảng khá hấp dẫn nhưng cái nghiệt ngã của internet mobile là tốc độ thay đổi nhanh và "người thắng sẽ là người lấy tất cả".
 
Điều này cũng giống như khi có Facebook, người ta quên My Space; hay ở Việt Nam, sự thành công của VNG (VinaGame trước đây) đã chiếm hơn 60% thị phần trò chơi trực tuyến. Do đó, chỉ có thể lọt vào Top 3 trong lĩnh vực này, dự án mới có thể thu hút được người sử dụng và tạo ra lợi nhuận cao.
 
Đây là yếu tố gây chú ý cho bên thứ ba. Điều này có thể thấy qua việc CareerBuilder, khi muốn khai thác thị trường lao động tại địa phương, đã mua lại mạng tuyển dụng trực tuyến lớn thứ 2 Việt Nam là KiemViec.com.
 
Trong 10 danh mục đầu tư của DFJ VinaCapital, có ba công ty đang kinh doanh tốt, nhiều nhà đầu tư muốn mua. Nói về việc thoái vốn của các VC, ông Thân Trọng Phúc nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, việc bán các công ty không hề đơn giản. Song, đây cũng là thời điểm tốt cho các NĐT có năng lực nắm bắt cơ hội để làm dày thêm danh mục, tăng giá trị của mình.
 
Về phương diện người bán, sản phẩm tốt luôn có thể bán được với giá tốt trong mọi bối cảnh. "Hiện nay, Quỹ DFJ VinaCapital không bị áp lực thoái vốn nên chúng tôi sẽ chỉ bán khi chọn đúng NĐT và giá cả hợp lý", ông Phúc nói.
 
Theo kế hoạch, quỹ này sẽ chọn lựa thời điểm để niêm yết hay bán các DN đang đầu tư. Song, niêm yết tại thị trường Việt Nam trong lúc này không dễ, nên Quỹ sẽ cân nhắc thời điểm.
 
Thoái vốn khỏi một khoản đầu tư theo ghi nhận của các VC có thể kéo dài từ 6 tháng – một năm kể từ thời điểm tiếp cận. Thực ra, trong một số thương vụ, thoái vốn không chỉ nhằm mục tiêu cụ thể hóa lợi nhuận mà còn làm nền tảng để đầu tư vào các khoản khác và là thành tích để huy động thêm vốn.
 
Ẩn mình chờ thời
 
Không ồn ào như bất động sản hay chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đang nhắm tới những thị trường rộng hơn, đòi hỏi vốn lớn hơn.
 
Vì chiếm số lượng ít và đầu tư vào những lĩnh vực đặc thù nên hoạt động của các VC tại thị trường Việt Nam không gây được nhiều sự chú ý như các QĐT chứng khoán và địa ốc. Có thể đây cũng là lý do khiến nhiều người nhìn nhận hai năm trở lại đây, các VC đã "hết thời"!
 
Lẽ dĩ nhiên, sẽ là khập khiễng nếu mang thị trường Việt Nam ra so sánh với Mỹ, nơi các hoạt động đầu tư mạo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
Còn ở châu Á, theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, CyberAgent Ventures, nếu dựa trên đánh giá của hơn 400 công ty Nhật Bản thì Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam xếp thứ 3 (sau Indonesia và Thái Lan) là những thị trường thu hút sự quan tâm của họ. Vì thế, ở đâu có cơ hội, chắc chắn sẽ không thiếu phần tham dự của các quỹ.
 

 

 Đáng chú ý trong chiến lược đầu tư của IDGVV là dựa vào 20% các khoản đầu tư để mang về 80% tổng lợi nhuận cho Quỹ. Điểm lại danh mục đầu tư của IDGVV, mỗi mảng có 1 – 2 thương vụ thành công. 
 
Cụ thể, ở mảng thông tin – truyền thông và kinh doanh công nghệ, khoản đầu tư của IDGVV vào VCCorp (chủ sở hữu các trang Bamboo, CafeF…) và PeaceSoft (quản lý trang NganLuong.vn và trang ChoDienTu.vn) đều đạt tỷ suất sinh lời nội bộ khá cao, hơn 30%. Ở mảng truyền thông – giải trí và hạ tầng thương mại điện tử, hai cái tên đang làm mưa, làm gió ở thị trường Việt Nam là VinaGame (tiền thân của Tập đoàn VNG) và DiaDiem JS (sáng lập NhomMua.com).
 
IDGVV đang gây quỹ thứ hai trị giá 150 triệu USD để đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Dự kiến giữa năm nay sẽ bắt đầu giải ngân. 

 

 
Điển hình như ở Ấn Độ, năm 2012, một số VC đã đạt được kết quả mỹ mãn trong việc gọi vốn từ các NĐT.
Như trường hợp của Nexus Venture Partners đã huy động thêm 270 triệu USD và mới đây nhất, theo tờ Asia Venture Capital Journal, IDG Venture India cũng đang nhắm đến mục tiêu lập quỹ thứ hai với tổng số vốn huy động lên đến 175 triệu USD (quỹ đầu tiên quản lý 150 triệu USD, hoạt động năm 2007).
 
Trong khi đó, ở Việt Nam, vào năm 2010, IDG Ventures cũng từng tuyên bố kế hoạch thành lập thêm hai quỹ mới trong năm 2012 hoặc 2013.
 
Ở hai mảng thông tin – truyền thông và kinh doanh công nghệ, khoản đầu tư của IDGVV vào VCCorp (chủ sở hữu các trang Bamboo, CafeF…) và PeaceSoft (quản lý trang NganLuong.vn và trang ChoDienTu.vn) đều đạt tỷ suất sinh lời nội bộ khá cao, hơn 30%.
 
Theo ông Thân Trọng Phúc, các VC tại Việt Nam đa số tập trung vào lĩnh vực internet, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông…
 
Đây là các lĩnh vực đang và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian sắp đến. Ngoài ra, sự hiện diện của nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Canon, Nokia, Jabil, Bosch… sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
 
Đó là một trong những lĩnh vực trong tầm ngắm của các quỹ. Trong khi, sản xuất phần mềm và các dịch vụ cũng là một lĩnh vực nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đầu tư vào các lĩnh vực này đòi hỏi có vốn lớn hơn nên có thể sẽ phải "để dành" đến vòng huy động vốn kế tiếp của DFJ VinaCapital.
 
Xét về mức độ tham gia vào "sân chơi" đầu tư mạo hiểm, hiện, không chỉ các VC, thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện các NĐT cá nhân (angle investor, giống như trường hợp Peter Thiel, NĐT đầu tiên bỏ vốn vào Facebook năm 2004; khi đó, Peter đầu tư 500.000 USD nhưng đến khi Facebook tiến hàng IPO, giá trị cổ phần mà Peter nắm giữ đã lên đến 2 tỷ USD) như nhà sáng lập Vật Giá, JoomlArt…
 
Dù số lượng còn ít và giá trị đầu tư còn nhỏ (tối đa khoảng 100.000 USD/khoản đầu tư) nhưng cũng mang đến cơ hội cho những ý tưởng, dự án còn "phôi thai" dần phát triển.
 
Theo Đỗ Hải – Quý Yên
Doanh nhân Sài Gòn
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928