Đầu tư vào đâu?

Luồng ý kiến thứ nhất: tán thành nới trần đầu tư, dành nguồn vốn thích đáng cho đầu tư công để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng. Luồng ý kiến thứ hai: tổng thu của nền kinh tế thấp, tỉ lệ đầu tư công của ta đã cao hơn so với nhiều nước "sức” kinh tế tương đương, nên không tăng đầu tư công. Còn luồng ý kiến thứ ba phân vân, băn khoăn bởi chưa biết lợi hại ra sao.
 
Về luồng ý kiến thứ nhất – ủng hộ tăng tiền cho đầu tư công. Đại diện luồng ý kiến này là TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, khi ông cho rằng việc nới trần bội chi là động thái cần thiết để có nguồn vốn đầu tư phát triển. Theo phân tích của TS Nghĩa, lý do chủ yếu mà Chính phủ trình Quốc hội mức bội chi cao hơn trong năm 2014 là để góp phần phục hồi kinh tế. 
 
Trên thực tế, sau thời gian thắt lưng buộc bụng kéo dài, tới thời điểm này, nhu cầu chi đầu tư phát triển của nước ta rất lớn. "Khu vực đầu tư nước ngoài có tăng nhưng vừa phải. Khu vực tư nhân đang gặp khó khăn rất lớn do lực cầu yếu, muốn tăng cũng không được. Vì thế, đẩy đầu tư công lên thông qua bội chi để có nguồn đầu tư phát triển theo tôi là quyết định cần thiết”, TS Nghĩa nói.
 
Thực tế thì nền kinh tế nước ta kể từ năm 2008 gặp muôn vàn khó khăn. Tới nay, hàng tồn kho "chất cao như núi”; sức mua của xã hội rất thấp; nhiều ngành sản xuất, hàng hóa vốn được coi là mũi nhọn của nền kinh tế thì cũng không tránh khỏi khó khăn. Hàng loạt tổng công ty, tập đoàn lớn lâm vào thế bí, trong rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng đó thì có một lý do rất quan trọng là thiếu vốn để tái cấu trúc, để đầu tư đủ sức "vượt bão”.
 
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên tăng bội chi để lấy tiền đầu tư công, hoặc luồng ý kiến thứ ba phân vân bội chi hay không…, đều có lý do khi nêu lên và cũng là những phản biện cần thiết. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, nếu không "bơm” một dòng vốn dồi dào vào đầu tư công thì cơ thể nền kinh tế vốn được ví như người ốm mới khỏi bệnh, sẽ không đủ lực mà hồi phục rất có thể lại ngã bệnh trở lại.
 
Vì thế, lúc này chính là cần phải tăng nguồn vốn cho đầu tư công. Kinh nghiệm vượt thoát khủng hoảng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc… cho thấy, họ đã mạnh mẽ chi ra nhiều trăm tỉ USD để tiếp sức cho nền kinh tế, vì thế có thể trụ được mà không bị rơi xuống đáy và rút ngắn thời gian lấy lại đà tăng trưởng. Câu chuyện khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp cũng cho thấy hai mặt của vấn đề. 
 
Thứ nhất là sự điều hành yếu kém của Chính phủ trong suốt một thời gian dài với những chính sách bất hợp lý khiến cho xã hội ỳ trệ, rối ren. Nhưng mặt thứ hai cho thấy, các nước châu Âu nhận ra rằng, không thể để Hy Lạp bơ vơ chống chọi, mà cách duy nhất giúp họ trụ được trong Khu vực Eurrozone là phải cùng nhau bơm vốn vay cho nước này với quan niệm là không có nhiều tiền thì nền kinh tế không thể vượt qua khủng hoảng.
 
Tuy nhiên, cho vay để đầu tư vực dậy nền kinh tế phải có điều kiện, mà câu chuyện ở đây là Hy Lạp phải cấu trúc lại nền kinh tế, áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng với toàn xã hội.
 
Từ đó, câu chuyện chuyển sang một hướng khác. Nếu như chúng ta đồng ý ưu tiên bơm vốn cho đầu tư công kể từ năm 2014, thì đi đôi với nó phải là những quy chế giám sát chặt chẽ, xác định cụ thể đầu tư vào lĩnh vực nào, và nhất định không thể để lạm phát xảy ra. Nếu không, sự đầu tư đó sẽ trở nên lãng phí, đôi khi lợi bất cập hại vì sẽ phát sinh tham nhũng.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nới trần bội chi để có thêm tiền đầu tư, thì phải kiên quyết không tăng đối với chi thường xuyên. Nói như TS Lê Xuân Nghĩa, không những không được tăng thêm mà còn phải tìm cách cắt giảm mạnh. "Chỗ này có rất nhiều tiềm năng để cắt giảm vì đang tồn tại hàng loạt lãng phí rất lớn. 
 
Chúng ta cứ nhìn vào những con số này sẽ thấy trong vòng 10 năm từ 2003 – 2013, tổng chi ngân sách tăng 4,9 lần, trong đó chi thường xuyên tăng 7 lần, chi đầu tư từ ngân sách tăng được 3 lần. Như vậy là chi thường xuyên tăng rất lớn, trong khi chi đầu tư tăng khiêm tốn và nếu như trừ đi lạm phát thì hầu như không còn. 
 
Lãng phí trong chi thường xuyên lâu nay dư luận đã lên tiếng quá nhiều, nào là xây trụ sở, nào là mua sắm ôtô, tăng biên chế, đi nước ngoài…”, TS Nghĩa phân tích.
 
Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, tăng đầu tư công càng nhiều thì nền kinh tế đât nước càng có thêm lực, nhưng điều cốt tử là không được để lại nợ cho con cháu. Nợ ngân sách từ năm này sang năm kia, nợ nước ngoài cứ mỗi năm dồn lại càng thêm phình to ra, có trốn nợ được đâu. Và như thế gánh nặng nợ nần sẽ dồn lên vai thế hệ sau, mà điều đó là không sòng phẳng
 
Một vấn đề nữa không thể không đặt ra, đó là hiệu quả của đầu tư công. Muốn có được hiệu quả thì trước hết phải chọn đúng địa chỉ đầu tư (ngành nào, lĩnh vực nào, tại đâu), đồng thời kết quả này lại phụ thuộc rất lớn vào năng lực thực hiện của cả bộ máy, mà người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Dẫn ra thực tế của Vinashin, mới thấy vai trò của người đứng đầu ghê gớm đến đâu. Nếu ví như một thuyền trưởng thì anh/chị ta với quyền lực trong tay có thể đưa con tàu vào bãi cạn hoặc bị đắm chìm.
 
Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Du Lịch từng phát biểu, chúng ta cũng còn "nút thắt cổ chai” là nguồn nhân lực quản trị các dự án đầu tư, đặc biệt là ở các địa phương. Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư kém là do nguồn nhân lực thiếu và yếu trình độ quản trị, dẫn đến tham nhũng, thất thoát, mất niềm tin… Đó đều là những rào cản gây khó cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc đầu tư công nói riêng.
 
Tuy nhiên, quan điểm ủng hộ tăng cường đầu tư công, thể hiện trước hết ở việc nới trần bội chi từ năm 2014 lên 0,5% so với 2013 còn ở chỗ là nền kinh tế đã có dấu hiệu sáng lên. Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu cũng như một số cuộc hội thảo quan trọng nhìn nhận nửa chặng đường kế hoạch 5 năm nền kinh tế nước nhà mới đây, không ít ý kiến bi quan. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.
 
Mới đây, Báo cáo Nghiên cứu về triển vọng thị trường Việt Nam do Ngân hàng HSBC công bố cho biết, môi trường vĩ mô của kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn. Theo đó, chỉ số GDP trong quý III/2013 cho thấy khối dịch vụ và sản xuất đang tăng trưởng. 
 
"Trong khi chỉ số tăng trưởng từ đầu năm đến nay vẫn còn ở mức 5,1% – dưới mức khuynh hướng, nhưng điều này vẫn được xem là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh quá trình cắt giảm nợ đang diễn ra và giá cả hàng hoá toàn cầu thấp dẫn đến xuất khẩu sản phẩm thô của Việt Nam đi xuống”- HSBC đánh giá.
 
Đã đến lúc đưa nền kinh tế nước nhà ra khỏi vùng trũng, mà trong đó, tác động rất quan trọng chính là thúc đẩy đầu tư công.
 
Theo Nam Việt
 
Đại đoàn kết
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928