Đừng xem thường ông chủ BofA

Khoản tiền phạt đó cũng là một cột mốc quan trọng cho vị Tổng Giám đốc (CEO) của BofA, Brian Moynihan vì đó là khoản phạt cuối cùng trong tổng mức phạt liên quan đến thế chấp lên tới hơn 70 tỉ USD. Mức phạt này giống như thanh gươm treo lơ lửng trên đầu, đe dọa triển vọng lợi nhuận của BofA kể từ khi ông đảm nhận vị trí CEO vào đầu năm 2011.
 
Vì khoản tiền được tính toán dành cho việc dàn xếp kiện tụng của BofA không thể kham nổi mức phạt 16,65 tỉ USD nên Ngân hàng sẽ phải báo cáo mức lỗ khoảng 1,4 tỉ USD trong quý III/2014. Như vậy, dự báo trước đó rằng Ngân hàng sẽ lãi 3,4 tỉ USD trong quý này cũng tan thành mây khói.
 
Vị CEO bị hoài nghi
 
Đám mây mù này đã che mờ triển vọng lợi nhuận trong ngắn hạn của BofA. Thế nhưng, Moynihan đã cam kết BofA sẽ tăng mạnh được lợi nhuận. Bởi vì ngoại trừ mảng thế chấp, Ngân hàng đang có những mảng kinh doanh tốt như ngân hàng tiêu dùng, ngân hàng đầu tư và bộ phận quản lý tài sản.
 
Một số ý kiến cho rằng, dù Moynihan đã có công cải tổ hoạt động tại BofA, nhưng không gì chắc rằng ông sẽ đưa BofA tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế hồi phục. Theo họ, BofA có thể sẽ chỉ mãi lẽo đẽo theo sau các ngân hàng đang dẫn đầu thị trường như JP Morgan và Wells Fargo. Sự nghi ngờ này là vì Moynihan cứ hay mắc những sai lầm không đáng có, khiến cho hình ảnh của BofA trong mắt nhà đầu tư bị xấu đi.
 
Một sơ sẩy lớn là vào tháng 4 vừa qua. Khi đó, cuộc kiểm tra sức khỏe ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát hiện ra rằng BofA đã nói quá quỹ dự trữ vốn tới 4 tỉ USD. Dù BofA đã sửa sai ngay nhưng lỗi này đã buộc Ngân hàng phải tạm thời ngưng kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ và tăng cổ tức. Điều đó đã khiến nhà đầu tư phật lòng, đẩy giá cổ phiếu BofA giảm sâu.
 
Vì thế, khi Moynihan liên tục nhấn mạnh rằng BofA có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong tương lai, ông Mike Mayo, chuyên gia phân tích của CLSA Americas, đã tỏ ra nghi ngờ. Thậm chí, ông dự đoán cổ phiếu BofA sẽ giảm từ mức hiện tại khoảng 16,36 USD (10.9.2014) xuống chỉ còn 15 USD.
 
Trong khi nhiều chuyên gia có vẻ đánh giá thấp Moynihan thì một số khác lại cho rằng ông hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ. Ngay những tháng đầu tiên giữ chức CEO, Moynihan đã lập ra các mục tiêu rất tham vọng và ít nhiều cũng bám trụ được những mục tiêu đó. Nếu ông có thể hoàn thành tầm nhìn của mình, BofA sẽ bắt kịp, thậm chí qua mặt cả JP Morgan và Wells Fargo về khả năng sinh lợi. Nếu điều này xảy ra, ông sẽ đả phá mọi hoài nghi về mình, đánh dấu một trong những cuộc lội ngược dòng ấn tượng nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
 
Lần đầu tiên Moynihan nêu ra triết lý kinh doanh ngân hàng là tại một cuộc họp nhà đầu tư vào tháng 3.2011 ở khách sạn Plaza Hotel (Manhattan). Tại đó, ông đã hết lời ca ngợi mô hình kinh doanh theo trường phái bảo thủ của những năm 1950. Ông nói rằng vấn đề với các ngân hàng là họ đã kiếm được quá nhiều tiền trong những năm “mưa thuận gió hòa” rồi đánh mất chúng do thua lỗ tín dụng khi kinh tế trở nên khó khăn. Ông cũng nói trong một thị trường nhộn nhịp, các ngân hàng thực hiện nhiều khoản cho vay rủi ro liên quan đến thế chấp, thẻ tín dụng và bất động sản thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
 
Quan điểm của Moynihan là BofA nên bành trướng theo tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chứ không nhanh hơn và tăng trưởng bằng cách khai thác nhiều hơn từ các khách hàng hiện có, hơn là đuổi theo những khách hàng mới. Với mô hình này, Moynihan tuyên bố BofA sẽ tạo được mức lợi nhuận cao bền vững.
 
Cũng trong bài trình bày năm 2011, ông dự đoán một khi nền kinh tế phục hồi và các khoản dàn xếp liên quan đến thế chấp được giải quyết xong, Ngân hàng sẽ thu về 35-40 tỉ USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức lãi ròng 23-36 tỉ USD.
 
Moynihan không đưa ra thời điểm Ngân hàng sẽ đạt được mốc lợi nhuận cao này. Và cho đến nay, BofA vẫn chưa đến gần được mục tiêu ông đặt ra. Từ năm 2011 đến năm 2013, BofA đã kiếm được tổng cộng chỉ 19 tỉ USD, ít hơn nhiều so với mức mà Moynihan dự đoán sẽ đạt được chỉ trong 1 năm. Rõ ràng, con đường hiện thực hóa triển vọng lợi nhuận của BofA dài hơn nhiều so với dự đoán của ông.
 
Một số chuyên gia cho rằng lý do không nằm ở chiến lược của BofA mà là do những nhân tố đặc biệt: các khoản dàn xếp thế chấp và chi phí liên quan đến các khoản cho vay quá hạn đã vượt xa những gì Moynihan (và hầu hết các nhà quan sát) dự kiến. Một chướng ngại vật còn lớn hơn là môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi. Cụ thể là việc nhu cầu đi vay của cá nhân và doanh nghiệp tăng chậm cùng với lãi suất được duy trì ở mức cực thấp trong nhiều năm trời.
 
“Tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn chưa quay trở lại được mức độ hồi phục như từng diễn ra sau các đợt suy thoái trước đó. Thách thức chủ yếu vẫn là lãi suất thấp. Yếu tố lớn nhất giúp thúc đẩy tăng trưởng của BofA chính là một đợt tăng lãi suất”, chuyên gia phân tích John McDonald thuộc Sanford C. Bernstein & Co. nhận xét.
 
Tin tốt lành cho BofA là môi trường kinh tế đang thay đổi theo hướng tích cực hơn. Điểm sáng nhất là tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 6,1% trong tháng 8, so với mức hơn 7% cách đây 1 năm. Đây là lý do khiến FED đang cân nhắc có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến.
 
Về phần mình, Moynihan vẫn tiếp tục giữ các chỉ tiêu ban đầu đã đặt ra. Hiện ông dự đoán BofA có thể đạt tỉ suất sinh lợi trên tài sản khoảng 1%, tương đương con số khoảng 22 tỉ USD và sẽ tăng đều đặn, một khi nền kinh tế và lãi suất quay trở lại mức bình thường trong lịch sử. Mức lợi nhuận này có thể đưa BofA trở thành một trong những công ty sinh lời nhất thế giới. Ngoại trừ 2 tổ chức cho vay Fannie Mae và Freddie Mac thuộc kiểm soát của Chính phủ Mỹ, những công ty duy nhất trong Fortune 500 có lợi nhuận hơn 22 tỉ USD vào năm ngoái là Exxon Mobil và Apple. Dẫu vậy, Phố Wall vẫn tỏ ra nghi ngờ về dự báo của Moynihan, cho rằng ông đã quá lạc quan: mức vốn hóa thị trường của BofA hiện chỉ khoảng 172 tỉ USD, nghĩa là nhà đầu tư dự kiến lợi nhuận phải thấp hơn nhiều so với mục tiêu 22 tỉ USD mà Moynihan đặt ra.
 
Cơ hội lật ngược thế cờ
 
Nhưng cũng có thể Phố Wall sai, vì Moynihan có cơ hội rất lớn để đạt được mục tiêu. Những nỗ lực của ông trong việc “kiềm cương” mức chi phí cao ngất ngưỡng của BofA quả là đáng nể. Đó là cơ sở để ông cam kết rằng một mức tăng khiêm tốn về doanh thu trong tương lai vẫn sẽ có thể tạo ra được mức lợi nhuận cao. Lực lượng lao động của BofA đã giảm từ mức 288.000 người vào đầu năm 2011 xuống còn chỉ 233.000 hiện tại. Tính tổng cộng, Ngân hàng đã giảm được các chi phí liên quan đến nhân viên, các hệ thống, tòa nhà… (ngoại trừ các khoản dàn xếp thế chấp và chi phí liên quan đến các khoản vay quá hạn) tới gần 8 tỉ USD mỗi năm, xuống còn chỉ khoảng 53 tỉ USD. Mức giảm này tương đương hơn 12%.
 
Bằng cách hoàn trả một phần các khoản nợ dài hạn, Moynihan đã giảm được mức trả lãi hằng năm đối với các khoản vay mượn này từ 11,8 tỉ USD xuống còn 6,8 tỉ USD trong 3 năm. Ông cũng đã thay các khoản cho vay sinh viên và cho vay thế chấp lần hai đầy rủi ro bằng các khoản cho vay thế chấp lần nhất và cho vay thẻ tín dụng ít biến động hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn.
 
Với việc chi phí hoạt động vẫn đang tiếp tục giảm, BofA sẽ có thể tăng mạnh được lợi nhuận nhờ vào 2 yếu tố. Thứ nhất là lãi suất rồi sẽ tăng trở lại lên mức (hoặc gần mức) bình thường trong lịch sử. Một thuận lợi là ngân hàng này đang có nguồn tiền gửi dồi dào với chi phí huy động cực thấp. BofA đang đứng đầu ngành ngân hàng về tiền gửi nội địa với tổng cộng 1.140 tỉ USD, cao hơn 174 tỉ USD so với Wells Fargo và cao hơn 195 tỉ USD so với JP Morgan.
 
Gần 400 tỉ USD trong số tiền trên nằm ở tài khoản vãng lai với mức lãi suất trả cho người gửi tiền là 0%. Tính tổng cộng, BofA chỉ trả một mức lãi rất thấp 1,4 tỉ USD/năm (tương đương mức lãi suất 0,12%) trên số tiền gửi hơn 1.000 tỉ USD ấy.
 
BofA đã dùng số tiền huy động chi phí rẻ ấy để tài trợ vốn cho 900 tỉ USD giá trị các khoản cho vay thẻ tín dụng, thế chấp và cho vay doanh nghiệp. Và điều quan trọng là, những khoản cho vay này, thậm chí với mức lãi suất thấp hiện nay, cũng có mức lãi suất trung bình 4%.
 
Mức lãi thu được từ các khoản cho vay này, cùng với nguồn thu từ các loại phí, có thể trang trải tốt cho mạng lưới chi nhánh rộng khắp của Ngân hàng. Đó là chưa kể việc Moynihan đã tăng được hiệu quả hoạt động của các chi nhánh. Bằng cách tập trung vào số chi nhánh ít hơn nhưng có quy mô lớn hơn tại các khu vực đông dân cư, ông đã giảm được tổng số chi nhánh kể từ năm 2011 từ 5.805 xuống còn 5.095 chi nhánh hiện nay. Một chi nhánh trung bình hiện nắm giữ 110 triệu USD tiền gửi. Thông thường, các chi nhánh có khoảng 40 triệu USD tiền gửi là đã có thể tự trang trải được chi phí hoạt động.
 
Khi lãi suất tăng lên, phần thu nhập có thêm từ danh mục cho vay sẽ đóng góp thêm lợi nhuận cho Ngân hàng. Hầu hết các khoản cho vay của BofA gắn liền với lãi suất Libor, nên lãi suất tăng đồng thời với thị trường chung. Trong khi đó, chi phí huy động vốn lại tăng chậm hơn rất nhiều, một phần là vì 400 tỉ USD tiền gửi trong tài khoản vãng lai sẽ tiếp tục có mức lãi suất thấp 0%.
 
Trong một cuộc họp với nhà đầu tư gần đây, Moynihan cũng cho biết BofA sẽ hưởng lợi lớn từ bất kỳ đợt tăng lãi suất nào. Nếu lãi suất 10 năm tăng từ mức hiện tại 2,5% lên khoảng 4%, BofA sẽ ghi nhận thêm khoảng 5 tỉ USD trong lợi nhuận trước thuế. Khoản lợi nhuận thu về nhờ lãi suất tăng là điều chắc chắn, dù rằng thời điểm lãi suất tăng vẫn chưa dự đoán được.
 
Yếu tố thứ hai giúp tăng lợi nhuận của BofA là chi phí liên quan đến các khoản cho vay quá hạn đang giảm mạnh. Vào lúc đỉnh điểm, chi phí tịch biên, tân trang và bán các căn nhà được sửa sang lại lên tới 3,1 tỉ USD mỗi quý, nhưng giờ chỉ vào khoảng 1,4 tỉ USD. Moynihan dự đoán chi phí liên quan đến các khoản cho vay quá hạn này sẽ giảm xuống còn khoảng 2 tỉ USD mỗi năm, tức 500 triệu USD/quý. “Ông ấy sẽ đạt được mục tiêu 2 tỉ USD/năm này vào năm 2016 hoặc 2017”, McDonald dự báo.
 
Rõ ràng, Moynihan hoàn toàn có cơ hội để lật ngược thế cờ, đưa BofA trở thành một trong những ngân hàng sinh lợi nhất trong ngành, nhất là sau khi ông đã dàn xếp xong vụ kiện tụng liên quan đến các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp vào cuối tháng 8 vừa qua.
 
Hiện tại, chưa có đợt tăng lãi suất nào mà doanh thu của BofA đã xấp xỉ 90 tỉ USD (doanh thu năm 2013). Trừ đi chi phí hoạt động (53 tỉ USD), chi phí liên quan đến các khoản cho vay quá hạn (4 tỉ USD), BofA vẫn còn lợi nhuận trước thuế 33 tỉ USD. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận về lý thuyết sẽ là 21,5 tỉ USD. Vì mỗi năm BofA phải trả 1,1 tỉ USD cổ tức đối với các cổ phiếu ưu đãi do Berkshire Hathaway nắm giữ, nên sẽ còn lại 20,4 tỉ USD cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường. Chỉ cần tăng thêm 1 điểm phần trăm lãi suất, BofA sẽ có thể vượt 22 tỉ USD mục tiêu lợi nhuận của Moynihan. Con số này là chưa tính đến việc chi phí các khoản cho vay quá hạn còn giảm xuống.
 
Mức tăng trưởng lợi nhuận cao, cùng với mức trả cổ tức cao và lượng tiền mặt còn dư thừa để mua lại cổ phiếu quỹ có nghĩa là “Moynihan cuối cùng sẽ đạt được những mục tiêu lớn ông đã đặt ra”, McDonald dự báo.
 
 
(Theo Fortune)
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928