GDP chạy… loanh quanh

Câu chuyện khởi nguồn từ một cuộc thảo luận về báo cáo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh – tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” mới đây, khi Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khơi mào tranh luận: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”.
 
Nói về câu chuyện GDP của địa phương, đã có nhiều ý kiến khác nhau, một phía cho rằng, không cần thiết phải duy trì chỉ tiêu kế hoạch từ thời bao cấp vì nó không còn phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng còn một bên khác lại biện hộ, đây vẫn là chỉ tiêu cơ bản để đánh giá hiệu quả nền kinh tế, ngay cả ở cấp tỉnh.
 
Nhưng nếu GDP không “chịu” dừng lại ở vị thế là một công cụ đánh giá, câu chuyện đã khác.
 
Vấn đề nằm ở chỗ, ngay khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nhiều ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã đưa vào kế hoạch con số GDP cho cả nhiệm kỳ, khi được hội đồng nhân dân thông qua thì trở thành chỉ tiêu mang tính chỉ đạo xuyên suốt toàn hệ thống chính trị địa phương. Điều này bắt đầu gây sức ép lên chính quyền và tất cả các cơ quan cấp tỉnh.
 
Có bệnh thành tích, bệnh hình thức hay không khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm không chỉ là một chỉ số tổng hợp sử dụng như công cụ đánh giá sự vận động của nền kinh tế, mà còn thêm nhiệm vụ là thước đo năng lực của giới điều hành? Nếu thế, dĩ nhiên, “đích” trong điều hành của giới chức địa phương luôn nhắm đến con số…tăng trưởng GDP sao cho “năm sau cao hơn năm trước”, chưa kể, có nơi còn thêm một hàm ý “tỉnh ta phải phát triển hơn tỉnh bạn”… Và phải chăng, đây cũng là ý mà ông Vương Đình Huệ muốn nhắc nhở trong việc tính toán GDP của các địa phương, bằng câu hỏi trên?
 
Nhưng, một nguyên nhân quan trọng khác là việc tính trùng giá trị GDP giữa các địa phương đã dẫn tới GDP cả nước thì “héo” nhưng địa phương nào cũng “tươi”. Chẳng hạn với một tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội, con số về doanh thu, sản lượng… sẽ được tập hợp ở cấp này. Tuy nhiên, với các DN con ở địa phương thì vẫn được tách doanh thu, sản lượng về cho địa phương. Với mô hình tính toán báo cáo từ dưới lên trên như hiện nay, việc tính trùng là thường xuyên. Kết quả là có những giá trị sản xuất được tính cho nhiều địa phương khác nhau.
 
Tình trạng phổ biến là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội có giá trị sản lượng dầu thô xuất khẩu khá lớn dù mỏ dầu nằm ở Vũng Tàu hay Cà Mau. Mới đây, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thậm chí còn đề xuất và được Chính phủ cho phép điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách theo hướng giảm thu nội địa và tăng thu từ dầu thô đó thôi. Và vì vậy, đây là nguyên nhân mà vị chuyên gia nọ nói vui rằng, “GDP chạy loanh quanh để mỗi nơi túm một ít”.
 
Vấn đề khác là khi tính tốc độ tăng trưởng GDP có loại trừ yếu tố giá, chỉ tiêu giá để loại trừ của địa phương cũng chưa chuẩn theo quy định. Có thông tin cho biết, nếu tính theo mốc năm 1994 (nay là mốc 2010), chỉ tiêu giá của địa phương chỉ bằng khoảng một nửa của cả nước, dẫn tới tốc độ tăng GDP theo giá so sánh “được lợi” khi tính toán. Những vấn đề kỹ thuật khác còn là: chi phí trung gian để tính giá trị gia tăng của địa phương cũng được tính toán chưa đúng chuẩn mực, thậm chí cán bộ làm nghiệp vụ tính GDP cũng chưa mạnh ở cấp địa phương…
 
Quay lại với thắc mắc: GDP chạy đi đâu? Một số nguyên nhân đã nói ở trên, nhưng vấn đề còn nằm ở nhiều góc độ khác. Vì sao không coi GDP như một chỉ tiêu tham khảo mà quá coi trọng nó như vậy để trở thành chỉ tiêu thành tích, làm nhiễu điều hành tổng thể kinh tế?
 
Phải chăng, vì nó quá quan trọng nên nhiều quy hoạch hoành tráng được các địa phương vạch ra, nhưng tham vọng chỉ để lại những khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy thấp, những chợ không có người kinh doanh? Hay vì sao, đã có những thắc mắc hàm ý nhấn mạnh chỉ tiêu GDP cấp tỉnh có giá trị sử dụng thấp, nhưng vai trò của nó không thay đổi cho đến tận bây giờ?…
 
Nhiều chuyên gia từng cảnh báo, trong nền kinh tế thị trường, các kế hoạch phát triển của địa phương chỉ nên mang tính dự báo, định hướng. Những cơ chế động lực được thiết kế nhằm phát triển kinh tế theo các định hướng này sẽ giúp giới kinh doanh và người dân dự đoán được giải pháp của chính quyền “Đáng lẽ phải có tỉnh GDP thấp hơn cả nước”, vị chuyên gia từ cơ quan thống kê bình luận.
 
Và câu chuyện này không chỉ ở chỉ số GDP mà nó có cả biểu hiện của tỷ lệ cơ cấu các ngành kinh tế trong cấu thành GDP của những tỉnh muốn chứng minh đang tiến nhanh đến mục tiêu “công nghiệp hóa”…
 
Theo Anh Quân
 
Thời báo Ngân hàng
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928