Giáo sư David Landes và bài học từ sự sụp đổ của đế chế Tây Ban Nha

“Một nhà bếp đầy ắp đồ ăn sẽ làm nên một ý chí kém cỏi.” Đó là câu châm ngôn của Benjamin Franklin và cũng là một phần nguyên nhân thất bại của đế chế Tây Ban Nha.

Giáo sư David Landes và bài học từ sự sụp đổ của đế chế Tây Ban Nha

Nội dung nổi bật:

- Khám phá từ cuộc nghiên cứu về sự thất bại của đế chế hùng mạnh Tây Ban Nha, sử gia David Landes cho rằng họ thiếu sự đề cao lao động chăm chỉ mà người Mỹ, Anh, Pháp đã phát triển.

- Của cải không tốt bằng lao động, sự giàu có không tốt bằng việc tạo ra sự giàu có. Vì thế, Tây Ban Nha trở nên nghèo bởi vì nó có quá nhiều tiền trong khi các quốc gia khác phải tập thói quen làm việc nên tạo được của cải một cách bền vững hơn.

- David Landes là một sử gia xuất sắc người Mỹ và có hàm giáo sư tại ngôi trường đại học hàng đầu thế giới Harvard về lịch sử, kinh tế học. Trong cuộc nghiên cứu sự thành công và thất bại của các quốc gia, Landes đã bật mí nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ và thụt lùi của đế chế một thời hùng mạnh Tây Ban Nha.


Trong một nhịp sống hối hả và con người có xu hướng chạy theo vật chất thì những khám phá của Landes sẽ không bao giờ lỗi thời. Ông đề cao sự lao động chăm chỉ và khuyến khích con người dấn thân vào dòng chảy công việc cho dù kiếm được bao nhiêu từ nó.

Khám phá của Landes

Trở lại thời gian trước đây, trong khi Trung Quốc tự cô lập với thế giới bên ngoài thì Tây Ban Nha đã giao thương buôn bán dọc bờ biển châu Phi và Ấn Độ cũng như những vùng lân cận vào thế kỷ 15.

Trong xu hướng thèm khát vàng bạc, người Tây Ban Nha đổ xô đi tìm kiếm nó ở vùng Incas. Khi đó, vàng được xem như là một món hàng hóa giá trị dễ lưu thông giữa các quốc gia châu Âu. Săn vàng là thế mạnh của người Tây Ban Nha. Họ tìm kiếm vàng ở những thị trường mới và vì thế mang về cho họ rất nhiều của cải. Do vậy, Mandrid được xem là một thành phố giàu nhất Châu Âu.

Đế chế Tây Ban Nha đã hoạt động rất hiệu quả nhưng quyền cai trị lại thuộc về những người chuyên quyền. Còn văn hóa, theo Landes thì tước đi của người dân sự sáng kiến, tự chủ và nhân cách.

Vua là một người phân chia tối thượng, tất cả đất đai đều là của vua. Đế chế quy tập những con người khác nhau và lập nên một tiếng nói chung. Landes gọi đế chế một thời của Tây Ban Nha là những người nhiễm bệnh ăn cướp và bóc lột. Vì người nắm quyền thích lấy của người khác hơn là tự làm và còn thường nhân danh là Thượng Đế.

Kết hợp giữa sự tham lam và niềm tin mù quáng đã mở đường cho sự tàn bạo cũng như kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu. Sự ngạo mạn và ảo tưởng không thể bị đánh bại là đặc điểm thường thấy của các đế chế.

Tại sao đế chế này lại suy tàn? Đó là bởi vì tiền không được đầu tư mà chỉ tiêu vào cuộc sống xa xỉ và chiến tranh. Cũng giống như cất nhà mà không xây móng, mô hình này thiếu cơ sở nền tảng để thành công trường tồn. Đất nước này không tạo ra thêm của cải khác từ bất kỳ ngành công nghiệp nào và không nghĩ đến việc dùng tiền bạc sao cho có ích.

Landes nói: “Của cải không tốt bằng lao động, sự giàu có không tốt bằng việc tạo ra sự giàu có.” Tây Ban Nha thiếu sự đề cao lao động chăm chỉ mà người Mỹ, Anh, Pháp đã phát triển và quá tự tin vào vị thế cao về tôn giáo cũng như xã hội của mình. Họ phải dựa vào những người bên ngoài để thực hiện việc buôn bán và làm việc cho mình. Đế chế này tiêm nhiễm thói quen thích làm chủ trong khi công việc chân tay thì bị coi thường.

Theo quan điểm của Landes, nước Tây Ban Nha trở nên nghèo bởi vì nó có quá nhiều tiền trong khi các quốc gia khác phải tập thói quen làm việc nên tạo được của cải một cách bền vững hơn. Trong khi người Tây Ban Nha còn bận suy nghĩ để quyết định cách tiêu các thỏi vàng thì ở các nước khác của châu Âu, họ đang học cách dệt vải, luyện sắt, đốn gỗ, khai thác tài nguyên biển và rừng.

Đây hẳn là những công việc đem về ít tiền bạc hơn so với đào vàng. Nhưng giá trị của sự lao động giúp họ nhận thức được ý nghĩa của đồng tiền và khiến họ không thể phung phí những thành quả lao động.

Một sai lầm khác của Tây Ban Nha cổ xưa

Người Do Thái là một cộng đồng xã hội nhỏ nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến nền văn minh của thế giới. Từ cuộc sống, khoa học, phát minh cho đến tư tưởng đều có sự tác động của người Do Thái.

Thế nên đế chế Tây Ban Nha đã mắc phải một sai lầm lớn khi mở ra các cuộc tàn sát người Do Thái và vì thế đã tạo ra các cuộc tháo chạy của những con người tài giỏi: doanh nhân, nhà phát minh, bác học.

Theo Landes, họ chỉ là những con người nhỏ bé nhưng lại là những viên gạch vững chắc và tốt nhất để xây dựng một xã hội văn minh hiện đại. Đánh mất những con người tốt nhất, Tây Ban Nha đã tự bắn vào chân mình.

Đinh Lộc

Theo Trí Thức Trẻ

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928