Hàng Việt Nam bày bán rất nhiều trong những chợ Việt Nam tại Mỹ.
Anh Brian Monila, một kỹ sư phần mềm ở McKenny (Texas) rất mừng khi tôi tặng hộp càphê Legendee của Trung Nguyên. Anh nói anh ghiền càphê Trung Nguyên đã 5 – 6 năm, hay uống loại "số 5" ở các chợ Việt Nam. Cách nay sáu tháng, vợ anh từ Việt Nam về có mua tặng anh hộp càphê Legendee mà chị được giới thiệu là "dành cho người sành uống càphê". Anh dùng thử, thấy ngon thật và mỗi lần pha, anh không dám cho nhiều càphê vì sợ hết.
Có dấu ấn Việt Nam trong người tiêu dùng Mỹ
Brian Monila tự tay chế biến cá, thịt hun khói, khi ăn, anh mang ra chai tương ớt Huy Fong. Tương ớt Huy Fong tuy sản xuất ở Mỹ nhưng do một người Việt Nam làm. Anh bảo tương ớt và nước mắm là hai loại gia vị của Việt Nam mà lúc nào trong nhà anh cũng có, vì nhiều món dù ăn theo Tây nhưng có thêm chút tương ớt hay nước mắm thì hương vị thơm ngon hơn.
Hẹn chúng tôi ăn trưa ở quán phở Cường (Oklahoma), ông D. Keith tâm sự ông rất thích phở, chả giò và trái cây Việt Nam. Ông có gia đình người bạn thân ở Biên Hoà, mỗi lần ông sang Việt Nam là họ đãi ăn nhiều loại trái cây ngon. Riêng ở Biên Hoà, ông nhớ loại bưởi Tân Triều nổi tiếng. Ông bảo bưởi trong các siêu thị ở Oklahoma bán chẳng thể nào sánh với bưởi Việt Nam, nên ông không bao giờ mua. Ông rất thích dùng quế để làm gia vị cho một số món ăn, nhưng phải đúng quế của Việt Nam mà tìm không thấy ở siêu thị tại Mỹ.
Ông John Nga sống ở Long Island (New York) – nơi có rất ít người Việt Nam – cũng nhìn nhận trước đây các siêu thị ở Mỹ bán rau không đáng kể nhưng dường như thói quen ăn rau nhiều của người Việt Nam đã ảnh hưởng đến tiêu dùng ở Mỹ. Trong các siêu thị đã bán nhiều loại rau, nấm, thậm chí siêu thị có ít người Việt Nam mua sắm cũng có rau lang, rau dền. Ở các nơi bán đồ làm vườn giờ luôn có những chậu rau húng lủi, rau quế, ớt hiểm… cho người ta mang về nhà trồng. Hạt điều, hạt sen sấy, mít sấy, xoài sấy của Việt Nam mang sang, không chỉ người Việt mà người Mỹ chính gốc hay gốc Âu, gốc Phi đều thích, khen ngon, nhưng muốn ăn nữa chắc phải gửi mua từ Việt Nam.
Hàng Việt Nam không thiếu ở Mỹ, nhưng hiếm ở Walmart
Sang định cư ở Houston (Texas), gia đình anh Đoàn Hùng vẫn giữ thói quen ăn uống như ở Việt Nam bởi thực phẩm Việt Nam không thiếu thứ gì trong các chợ do người Việt hay người Hoa làm chủ ở Houston. Ông D. Keith là người Mỹ cũng nói khi thích những món Việt Nam, ông thường tìm ở các siêu thị của người Việt. Điều mà những người Việt Nam cũng như người tiêu dùng khác đang sinh sống tại Mỹ lấy làm tiếc là hàng Việt Nam quá hiếm hoi trong các đại siêu thị ở Mỹ.
Chúng tôi vào những chợ như Cao Nguyên ở Oklahoma; Nha Trang, Biên Hoà ở Virginia. Người Việt gọi là chợ nhưng hình thức trưng bày như siêu thị, bảng hiệu thường có từ "market" theo tên siêu thị, bán phần lớn là thực phẩm từ tươi sống đến hàng chế biến, một số hàng tiêu dùng. Ở những nơi này, 70% hàng hoá là hàng Việt Nam hoặc ghi nhãn bằng tiếng Việt.
Nói riêng về hàng thực phẩm chế biến công nghiệp có hàng sản xuất từ Việt Nam xuất sang như càphê Trung Nguyên, Vinacafé; bún tươi của công ty Lucky Sing ở Bến Lức – Long An; bánh hỏi, bánh tráng Mỹ Tho của Thuận Phong – Tiền Giang; bánh tráng May của Trương Hiệp Thạnh ở Bến Lức; miến đậu xanh của công ty cổ phần Bích Chi; miến Vifon; nước tương con mèo đen Nam Dương; nước màu Bến Tre, mắm ruốc chà, mắm cá lóc của Thăng Nguyên; bột làm bánh của Vĩnh Thuận và Mikko; trà thảo mộc Hùng Phát… Có hàng cho người Việt Nam nhưng sản xuất ở Mỹ như bún bò Huế, bánh tráng ba cô gái của Vĩnh Sanh, nước mắm Phú Quốc của Việt Hương, tương ớt Huy Fong, sữa Ông Thọ; nước súp bún riêu, nước súp bò, nước phở… chữ Việt nhưng sản xuất Thái Lan, đóng gói ở Washington D.C…
Sang siêu thị Walmart, chúng tôi thấy hàng Việt Nam hầu như chỉ có hàng may mặc, kế đến là thuỷ sản, nhưng chỉ là "made in Việt Nam" chứ không có nhãn hàng chính thức của Việt Nam, quá ít ỏi trong hàng chục ngàn mặt hàng của Walmart. Nhiều người Việt Nam sinh sống ở Mỹ khi mua quần áo đã sẵn sàng ủng hộ hàng "made in Việt Nam" cho dù nó được bán dưới nhãn hiệu nào.
Hàng Việt vào Walmart: chú ý sức chịu về giá
Theo những người tiêu dùng tại Mỹ, do nhu cầu của người Việt Nam và sự thay đổi khẩu vị của người Mỹ gốc Á, Âu, Phi (với số lượng cư dân ngày càng tăng ở Mỹ) có xu hướng thích món ăn Việt Nam nên những siêu thị do người Việt hay người Hoa làm chủ nhập khẩu ngày càng nhiều loại thực phẩm Việt Nam. Sự phát triển du lịch, nhiều người Mỹ sang Việt Nam cũng tìm thấy nhiều hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong nhà mà họ thích do giá rẻ, đẹp nên có dành cảm tình với hàng Việt Nam. Walmart không thể bỏ qua thị phần lớn từ những người Mỹ gốc Á, Âu, Phi mang lại, nên họ tìm kiếm nguồn hàng ở Việt Nam là điều tất yếu.
Không biết tiêu chuẩn chọn lựa của Walmart đối với hàng Việt Nam sẽ như thế nào, nhưng người tiêu dùng tại Mỹ cho rằng với hơn 4.000 cửa hàng tại Mỹ và hơn 3.000 cửa hàng ở 16 quốc gia khác, mang về cho Walmart doanh thu trên 400 tỉ USD mỗi năm, thì đưa được hàng vào hệ thống này, doanh nghiệp sẽ có lượng tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, phương châm kinh doanh của Walmart là "luôn có giá rẻ" cho người thu nhập trung bình, nên điều quan trọng là làm sao có giá rẻ mà chất lượng tốt để hàng Việt Nam được chọn trong sự cạnh tranh gay gắt với hàng từ các nước sản xuất khác, đang và sẽ cung cấp cho Walmart. Mặt khác, có thể hàng Việt Nam sẽ phải chấp nhận chỉ xuất hiện "made in Việt Nam" dưới tên nhãn hàng khác.
Một điều khác mà người tiêu dùng tại Mỹ nhận xét là ít khi họ thấy hàng hoá trong Walmart tăng giá, nên doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý chiến lược về giá ổn định lâu dài, đừng mong cơ hội tăng giá bán khi hàng được tiêu thụ nhiều.
Theo nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất rau quả nhiệt đới nếu có quy trình sản xuất tốt nên mạnh dạn tiếp xúc với Walmart, vì nhu cầu này ở Mỹ rất cao mà hiện có nhiều thứ Walmart chưa đáp ứng được hoặc có thì giá gấp nhiều lần giá bán tại Việt Nam mà hương vị không bằng.
Theo Các Ngọc
Sài Gòn tiếp thị