Bất động sản là lĩnh vực có nhiều áp lực và cạnh tranh. Với những người phụ nữ, môi trường này càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, câu chuyện của Ebby Halliday, Barbara Corcoran và Dolly Lenz lại khác. Cả ba đều là những người xuất thân trong nghèo khó, nhưng bằng sự nỗ lực, lòng quyết tâm và cái duyên với nghề bất động sản, họ đã thành công, trở thành những nhà môi giới địa ốc khiến nhiều người thán phục, ngưỡng mộ.
“Bà trùm” Ebby Halliday
Nhắc đến những nhà môi giới bất động sản nổi tiếng trên thế giới, người ta không thể không nhắc đến Ebby Halliday. Bà là một biểu tượng của ngành địa ốc nước Mỹ, người được ghi công tiên phong trong việc mở đường dẫn dắt phụ nữ đi vào con đường môi giới, dịch vụ và kinh doanh bất động sản, lĩnh vực mà nam giới chiếm đa số.
“Nữ hoàng địa ốc”, “Đệ nhất phu nhân địa ốc” là những mỹ từ đầy kính trọng người ta dùng mỗi khi nhắc đến Ebby Halliday – người đã để lại một sự nghiệp lẫy lừng với tập đoàn tư vấn môi giới bất động sản hàng đầu tại Mỹ. Công ty Ebby Halliday Realtors của bà liên tục hàng chục năm là công ty môi giới bất động sản lớn, thành công nhất với doanh số hàng tỉ đô la Mỹ.
Sinh năm 1911, Ebby Halliday là một người phụ nữ đặc biệt. Dường như bà sinh ra là để dành cho kinh doanh. Bà bắt đầu kinh doanh từ khi còn là cô bé 8 tuổi, với việc bán dầu cù tại các nông trại quanh nhà. Bằng nụ cười dễ mến cùng với khả năng thuyết phục khách hàng, bà tự đứng ra sở hữu một thương hiệu bán nón riêng của mình tại Dallas – một trong những điều rất hiếm vào thời điểm đó.
Ebby Halliday bén duyên với bất động sản một cách khá tình cờ khi nhận lời đề nghị bán nhà của một vị khách quen. Những căn nhà với xi măng vung vãi, khắp nơi chỉ một màu trắng, hoàn toàn không có điểm gì hấp dẫn khách hàng. Bà xem xét thật kỹ căn nhà, bỏ tiền riêng để sửa sang toàn bộ và bài trí lại các căn nhà.
Biết cách tân trang, sắp đặt, trang trí cho những căn nhà, bà đã bán được nhà. Tiếng vang về sự thành tín, tận tụy với công việc của bà được lan truyền, khách hàng tìm đến bà ngày càng nhiều hơn. Toàn bộ các căn nhà đã được Ebby Halliday bán sạch. Bà thu hồi được vốn và điều quan trọng, bà đã được khách hàng biết tên với vai trò của nhà tư vấn môi giới bất động sản. Năm 1945, bà chính thức thành lập công ty môi giới và dịch vụ địa ốc mang tên mình là Ebby Halliday Realtors.
“Biểu tượng của ngành địa ốc Mỹ, là người tiên phong dẫn dắt phụ nữ vào môi giới bất động sản”
Ebby Halliday luôn hướng tới việc quảng bá và khẳng định thương hiệu của công ty trên các tờ báo địa phương của giới bất động sản. Bà còn xây dựng một kênh truyền hình riêng chuyên giới thiệu về các ngôi nhà đang rao bán.
Ebby Halliday cũng tận dụng thời cơ rất tốt khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Sự bùng nổ dân số ở Dallas là cơ hội để việc kinh doanh của bà phát triển. Bà luôn là người tìm kiếm cơ hội đầu tư và sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào có thể phát triển kinh doanh, đến những thị trường có hoạt động bất động sản đang hoặc sắp lớn mạnh với một khả năng phán đoán chính xác.
Ebby Halliday tự cho rằng bí quyết thành công của công ty chính là triết lý luôn hướng tới và đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Bà vẫn trực tiếp tư vấn và gọi điện cho khách hàng khi cần thiết. Sự quyết đoán và chu đáo với khách hàng không chỉ đem lại lợi nhuận cho công ty mà trước hết là cho khách hàng. Với nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh, bà là người hiểu rõ về ý nghĩa của chữ “tín” và bà quyết tâm gìn giữ bằng được.
Bà là tấm gương sáng không chỉ cho các doanh nhân mà còn chính cho các nhân viên của mình. Tiếng tăm bà nổi khắp nước Mỹ, nhưng Ebby Halliday lại rất khiêm tốn. Bà luôn cho rằng thành công có được trước hết là do đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của mình. Bà đã xây dựng công ty bằng việc tuyển chọn, giữ lại và khen thưởng những người quản lý xuất sắc, xây dựng lòng tự hào về một phương pháp đồng đội và bằng việc công nhận tầm quan trọng của các đại lý đại diện cho công ty.
Không có con cái nên năm 1992, bà đã chia 49% cổ phần công ty cho các nhân viên và để lại di chúc cho họ một khi bà qua đời, coi như các nhân viên sẽ là những người sở hữu toàn bộ Công ty địa ốc Ebby Halliday Realtors. Hơn thế nữa, với nhiều thế hệ nhân viên, bà là người chủ, người thầy đã dẫn dắt những người phụ nữ, lớp trẻ vào con đường địa ốc với những bài học làm ăn thành tín và kinh nghiệm thương mại quý giá.
Ebby Halliday là một người làm việc cần mẫn và không biết mệt mỏi. Hàng chục năm qua đi, sự say mê đối với công việc kinh doanh trong bà không hề mất đi mà chỉ có tăng thêm. Ebby Halliday làm việc không phải vì tiền, mà đối với bà đó là thói quen, đó là nhu cầu được lao động. Năm 2006, bước vào tuổi 95 nhưng hàng ngày bà vẫn lái chiếc Cadillac của mình đi làm và tự mình trả lời điện thoại, gặp gỡ, nói chuyện với các nhân viên mới, làm việc 9 tiếng mỗi ngày.
Ngoài sự thành công, bà còn khiến nhiều người nể trọng và thương mến với những đóng góp đáng kính cho cộng đồng và xã hội. Bà thực hiện nhiều dự án từ thiện dành cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng trường học, trung tâm y tế với thông điệp “phải cho đi rồi mới nhận lại được”.
Năm 2015, bà ra đi thanh thản ở tuổi 104, để lại nhiều thương tiếc cho hàng ngàn nhân viên cũng như người dân thành phố Dallas. Các nữ nhân viên, học trò vẫn hay nhắc câu nói của bà: “Hãy làm việc như đàn ông và hành xử như phụ nữ”. Câu nói không chỉ thể hiện tính cách của bà, mà hơn thế nữa, là một phương châm đáng học hỏi dành cho phụ nữ.
Barbara Corcoran – nữ Shark Tank quyền lực
Barbara Corcoran nổi tiếng là một trong những vị giám khảo quyền lực của chương trình Shark Tank trên kênh ABC (Mỹ). Không chỉ là nhà sáng lập The Corcoran Group, bà còn là người đồng sáng lập Barbara Corcoran Inc.
Ít người biết rằng, trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, bà đã từng có một tuổi thơ đầy cơ cực, phải làm nhiều công việc để phụ giúp gia đình. Barbara Corcoran sinh ngày 10/3/1949 tại Edgewater, bang New Jersey trong một gia đình nghèo khó với 10 người con. Mẹ bà làm nội trợ, còn cha bà làm cùng lúc hai công việc.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại bởi chứng bệnh khó đọc, bị thầy cô và bạn bè ghẻ lạnh nhưng bằng sự nổ lực không ngừng, bà theo học tại trường St. Thomas Aquinas College và tốt nghiệp vào năm 1971 với tấm bằng về giáo dục. Làm giáo viên được gần một năm, cảm thấy công việc này nhàm chán, bà quyết định nghỉ việc để tìm hướng phát triển khác của bản thân.
Tính đến năm 23 tuổi, bà đã trải qua hơn 20 công việc khác nhau để kiếm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. Những công việc không những giúp bà có thêm thu nhập mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống để bà đạt được những thành công sau này. Bà từng chia sẻ, bồi bàn chính là công việc tốt nhất để học hỏi về kinh doanh.
Năm 1973, cũng chính nhờ công việc bồi bàn tại một nhà hàng ở New York bà đã tạo một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Barbara Corcoran đã gặp gỡ được người đàn ông giúp bà đặt chân vào lĩnh vực bất động sản với khoản vay 1.000 USD đổi lấy 51% cổ phần. Bà đã từng chia sẻ về việc bỏ công việc của mình để nghe theo đề nghị của người lạ, xây dựng doanh nghiệp với nhiều cơ hội và kéo theo sau đó là một loạt các trở ngại. Các cơ hội đến và rời đi nhanh chóng nên cần nắm bắt đúng thời điểm. Bà đã học được cách quyết định nhanh chóng mà không cần suy nghĩ nhiều.
Trong suốt 25 năm tiếp theo, Barbara Corcoran nhận khoản vay đó và phát triển công ty của mình thành một đế chế bất động sản trị giá 6 tỉ USD. Khi có tiền, Barbara Corcoran thành lập một doanh nghiệp tư vấn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có tên Corcoran Group. Để gây dựng thương hiệu công ty, bà cho xuất bản bản tin bất động sản mang tên Corcoran và được nhiều khách hàng chú ý. Những đánh giá về thị trường bất động sản trong bản tin được xem là kim chỉ nam cho các nhà đầu tư địa ốc cá nhân. Khách hàng tìm đến công ty bà để thực hiện các giao dịch bất động sản tăng lên mỗi ngày.
Barbara Corcoran là người có tài năng về quản trị nhân sự và thúc đẩy mọi người cùng phát triển. Bà tuyển dụng một đội ngũ nhân viên kinh doanh không nhiều kinh nghiệm nhưng đầy nhiệt huyết và sắp xếp họ vào những vị trí phù hợp. Với phương châm chỉ tuyển những người có chí và siêng năng nên công ty của bà luôn đạt được hiệu suất làm việc cao.
“Khả năng phục hồi từ những tổn thương, thất bại là điều kiện tiên quyết để thành công cho người kinh doanh”
Giống như những tỷ phú tự thân khác, sự nghiệp của bà cũng gặp không ít những khó khăn, thất bại. Nhưng những thất bại đó không làm bà bỏ cuộc. Năm 1978, đang lúc sự nghiệp lên cao thì Barbara Corcoran gặp cú sốc lớn khi người đàn ông gắn bó 7 năm đề nghị chia tay và cưới cô trợ lý thân cận của bà. Để cân bằng bản thân, bà lao vào làm việc, mở rộng các gói dịch vụ ký gửi, mua bán nhà đất và đầu tư vào các dự án bất động sản.
Đối với những khó khăn đã qua, bà từng chia sẻ, cần đối xử với những trở ngại giống như cơ hội một cách nhanh chóng mà không cần suy nghĩ nhiều. Khả năng phục hồi trở lại từ tổn thương, từ sự chối từ và thất vọng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của một người trong kinh doanh. Bằng tài năng, trí thông minh, sự tự tin và cá tính mạnh mẽ, không bao giờ lùi bước trước những thất bại đã giúp Barbara Corcoran trở thành nữ hoàng bất động sản danh tiếng của Mỹ.
Sau thương vụ ông trùm bất động sản NRT LLC đề nghị mua lại công ty Barbara Corcoran với giá 66 triệu USD vào năm 2001, câu chuyện khởi nghiệp của bà trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Bà nhanh chóng được các đài truyền hình chú ý và xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Bà được mời làm cố vấn bất động sản trong show NBC Today của đài NBC và cũng có một kênh truyền thông riêng có tên The Millionaire Broker with Barbara Corcoran.
Với vai trò diễn giả và nhà đầu tư, Barbara Corcoran xuất hiện trong nhiều sự kiện bất động sản. Bên cạnh đó, bà còn viết nhiều cuốn sách hướng dẫn cách đầu tư và làm giàu. Trong cuốn sách “Cách biến 1.000 USD thành doanh nghiệp tỉ đô” của Barbara Corcoran nằm trong bộ sách America Shark Tank, bà chia sẻ những bài học khởi nghiệp, bí quyết kinh doanh để xây dựng được một doanh nghiệp trị giá hơn 6 tỉ USD. Quyển sách đưa ra những lời khuyên thực tế, thẳng thắn và sâu sắc cho những ai đang khởi nghiệp.
Barbara Corcoran còn là nhà phê bình của các tạp chí The Daily Review, More Magazine, Red Book và có những bài viết trên New York Daily News về các vấn đề kinh tế. Barbara Corcoran hiện đã bước qua tuổi 69 và sở hữu khối tài sản lên đến 80 triệu USD.
Dolly Lenz – nhà môi giới bất động sản cho người giàu
Dolly Lenz sinh năm 1957, là người sáng lập và điều hành Dolly Lenz Real Estate tại thành phố New York. Bà được đào tạo từ ngành kế toán nhưng lại trở thành một nhà môi giới bất động sản từ năm 25 tuổi theo gợi ý của chồng.
Trước khi gia nhập ngành bất động sản, Dolly Lenz đã giữ nhiều vị trí khác nhau trong ngành bán lẻ, phim ảnh và bảo hiểm. Bà bắt đầu sự nghiệp bất động sản của mình khi làm việc trong bộ phận niêm yết của một công ty nhỏ và dành hơn 10 năm chuyển qua làm nhà môi giới cho công ty bất động sản Sotheby’s International Realty. Cuối cùng bà chuyển sang làm việc tại Prudential Douglas Elliman vào năm 1999. Năm 2003, bà được chọn làm phó chủ tịch công ty này. Đến năm 2013, bà quyết định rời khỏi Prudential Douglas Elliman và lập nên công ty môi giới bất động sản mang tên mình.
Là người giỏi về nắm bắt thị trường và tâm lý khách hàng, Dolly Lenz đã tận dụng rất tốt thời cơ khi nhu cầu nhà đất bùng nổ sau thảm họa ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Dolly Lenz đã mua lại diện tích ở khu vực lân cận, sau đó xây dựng phòng ốc, bán lại.
Dolly Lenz còn nhận ra tiềm năng của những người đến tuổi hưởng lương hưu sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để sống trong không gian sang trọng. Do vậy, khách hàng mục tiêu của bà là những ngôi sao về già và những khách hàng hạng sang như doanh nhân thành đạt, nhà buôn lớn.
Dolly Lenz đã bán được hơn 8,5 tỉ USD tài sản cao cấp, phục vụ cho các khách hàng là những tên tuổi lớn nhất trong làng giải trí như nữ diễn viên Barbra Streisand, nam ca sĩ Sean Combs, Billy Joel, nữ ca sĩ Mariah Carey và một số vị lãnh đạo trong ngành kinh doanh – tài chính. Uy tín của Dolly Lenz có sức ảnh hưởng đến nỗi tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thường xuyên nhờ bà làm môi giới kinh doanh các sản phẩm cho các dự án của ông.
Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình trong một lần phỏng vấn trên CNBC, Dolly Lenz cho rằng: Đó là làm việc thật chăm chỉ và tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc. Bà thức dậy từ 6 giờ sáng và kết thúc công việc lúc nửa đêm. Khách hàng của bà đến từ khắp mọi nơi trên thế giới với nhiều múi giờ khác nhau nhưng bà luôn cố gắng trả lời khách ngay tức thì. Điều này có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của bà, nhưng đó là điều khách hàng cần và là lý do khiến họ quay trở lại, giới thiệu bà với bạn bè.
Dolly Lenz còn luôn quan tâm và bắt tay vào những công việc nhỏ nhặt nhất trong hành trình từ mua một căn hộ cho tới khi bán lại nó. Bà không ngại quét dọn nhà cửa, thay lót sàn nhà, ốp trần mới… Kết quả, bà thường nhận được gấp đôi, gấp ba những gì mình đã bỏ ra để có được một tài sản cỡ lớn.
Nghệ thuật đàm phán tài tình cũng là một trong những bí quyết thành công mà Dolly Lenz có được. Các khách hàng của bà đều là những người thành công, hiểu biết và họ đã quá quen với việc đàm phán những hợp đồng có giá trị lớn. Họ biết rõ họ cần gì và muốn gì. Công việc của bà là lắng nghe những ý tưởng, kế hoạch của họ và nói cho họ những điều tốt và không ngần ngại nói cả những cái chưa tốt, chỉ ra sai lầm của họ. Đó chính là phần quan trọng để tạo lòng tin và sự tôn trọng từ khách hàng, là nền tảng cho công việc kinh doanh bền vững và hiệu quả.
Châu An
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!