Hành trình từ cô gái lập dị đến nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất ngành công nghệ Mỹ

Mặc dù là nữ doanh nhân ngành công nghệ giàu nhất thế giới, bà Faulkner có một cuộc sống giản dị và ít người biết đến.

 http://ceoclubvietnam.com/content/uploads/2017/07/judy.jpg

Judy Faulkner ghét giày cao gót và quần tất.

“Nó khiến tôi bị đau. Quần tất cũng vậy, chúng giống như những sợi dây bó buộc suy nghĩ của bạn”, bà Faulkner nói với tạp chí The Capital Times trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 tại trụ sở của Epic Systems ở Wisconsin – công ty quản lý hồ sơ y tế điện tử được bà thành lập từ năm 1979. Khi đó bà mới chỉ hơn 30 tuổi.

Ngày nay, bà Faulkner đã 73 tuổi và Epic đã có tới 9.000 nhân viên với doanh thu hàng năm là 1,75 tỷ USD. Theo Forbes, Judy Faulkner hiện là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ trong ngành công nghệ với giá trị tài sản ròng lên tới 2,6 tỷ USD.

Suốt gần 4 thập kỷ “chinh chiến” trong ngành, nhưng tên tuổi của bà Faulkner được ít người biết đến. Bà hiếm khi nhận trả lời phỏng vấn và thích tập trung vào việc xây dựng Epic. Cho đến gần đây, khi ngành y tế bị chính trị hóa và việc kiểm soát thị trường ngày càng trở nên phổ biến, bà mới cảm thấy cần phải tiếp xúc nhiều hơn với truyền thông.

Trả lời tạp chí HealthcareITNews vào mùa thu năm ngoái, bà nói: “Nó liên quan đến sự tăng trưởng của chúng tôi trong ngành. Trước đây, khi còn là một công ty nhỏ, chúng tôi khá dễ dàng sống ngoài sóng radar và chỉ tập trung vào việc phát triển phần mềm tốt và làm ăn tốt với khách hàng”.

Ngày nay, ngành ý tế đã trở thành “một cuộc chiến truyền thông nhiều hơn là một sản phẩm hoặc dịch vụ”, bà nói với HealthcareITNews. Bà hiểu mình cần phải thảo luận nhiều vấn đề hơn với công chúng, thậm chí là cả cách trang phục công sở không thoải mái có thể ảnh hưởng đến năng suất lao động như thế nào.

Mặc dù là nữ doanh nhân ngành công nghệ giàu nhất thế giới, bà Faulkner có một cuộc sống giản dị cùng chồng tại khu Madison và lái một chiếc xe Audi cũ. Gần đây, bằng cách ký tên vào The Giving Pledge, bà chính thức đã tham gia vào nhóm tỷ phú làm từ thiện trong đó có Bill Gates và Warren Buffett và hứa sẽ từ thiện toàn bộ số tài sản của mình sau khi qua đời.

Là con gái của người đồng đoạt giải Nobel Hòa Bình vì hoạt đông y tế cộng đồng và một dược sĩ kiêm kỹ sư máy tính, bà Faulkner đã quyết định theo đuổi bằng thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại trường ĐH Wisconsin. “Toán học là sự thật và khoa học máy tính là sự hiệu quả. Thật tuyệt khi kết hợp chúng lại với nhau vì bạn cần cả 2”, bà nói.

Vị nữ tỷ phú cũng có một thời niên thiếu chẳng giống ai. Bà thường bị coi là cô gái lập dị khi say mê với Toán – môn học mà phần lớn giới trẻ chán ghét. “Thật chẳng dễ chịu chút nào khi bạn là một kẻ lập dị. Nhưng mọi thứ trở nên tốt một cách hoàn hảo khi trở thành một kẻ lập dị sau Bill Gates”.

Năm 1979, bà mở ra công ty cung cấp dịch vụ máy tính cho con người, đặt trụ sở tại Midwest. Ban đầu, công ty chỉ có 2 nhân viên và tăng trưởng cũng khá khiêm tốn. Thậm chí 10 năm sau, khi đã đổi tên thành Epic, công ty vẫn chỉ có 30 nhân viên. Nhưng nó đã có được một số khách hàng lớn bao gồm Harvard Community Health Plan, Bộ Y tế Canada và một bệnh viện 490 giường ở Brunei. Phần mềm kế toán của Epic đã được khoảng 100 bệnh viện ở châu Á, Canada và Mỹ sử dụng.

Một trong những bước ngoặt lớn nhất của công ty là khi tung ra một sản phẩm lưu trữ điện tử dựa trên Windows (EMR) được gọi là EpicCare. Năm 1997, Epic đạt thu nhập ròng lên tới 6,6 triệu USD với doanh thu 30,9 triệu USD, trong đó EpicCare chiếm hơn 1 nửa. Không chỉ là một sản phẩm thương mại, EpicCare chính thức trở thành tiêu chuẩn của ngành với khoảng 18.000 giấy phép được bán ra. Đến năm 2003, doanh thu của Epic đã đạt 162 triệu USD, tờ Milwaukee Journal Sentinel miêu tả Epic đã làm ngành y tế choáng váng sau khi giành được hợp đồng từ Kaiser Permanente.

Trong khi giá trị của Epic đang tăng mạnh, bà Faulkner kiên quyết không bán hoặc đưa công ty ra công chúng. Vị sáng lập viên cũng nổi tiếng là người tạo ra môi trường làm việc thú vị cho nhân viên. Tại khu văn phòng của Epic ở Verona, Wisconsin, có một tòa nhà được trang trí theo chủ đề Harry Porter, một hành lang theo kiểu Indiana Jones và một ngôi nhà trên cây. Trong cuộc họp khách hàng thường niên của công ty, bà Faulkner thường hóa trang thành nhiều nhân vật khác nhau như nhân vật Mad Hatter trong bộ phim Alice in Wonderland hay khi khác lại là Harley-Davidson.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những lời phàn nàn về văn hóa làm thêm giờ của công ty. Điều này có lẽ bắt nguồn từ chính bà Faulkner – người luôn sẵn sàng ở lại và làm việc suốt đêm để hoàn thành nhiệm vụ. “Có thể có một số người làm việc chăm chỉ như Judy. Nhưng tôi chắc chắn rằng không có ai làm việc chăm chỉ hơn cô ấy”, đồng sáng lập Epic – John Greist nói với The Capital Times.

Theo Trí thức trẻ

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928