Hãy thôi tung hô Startup: 2 năm trước công ty này khoe huy động được 250 triệu USD, nay phá sản, hết tiền vì CEO mua quần áo hàng hiệu, chữa bệnh cho chó cưng

Sau 2 năm hoạt động, công ty khởi nghiệp Karhoo đóng cửa với khoản nợ 30 triệu USD cùng những hoá đơn chi tiêu a đoạ của CEO.

Hãy thôi tung hô Startup: 2 năm trước công ty này khoe huy động được 250 triệu USD, nay phá sản, hết tiền vì CEO mua quần áo hàng hiệu, chữa bệnh cho chó cưng

Khi những hoá đơn thanh toán bằng thẻ tín dụng của công ty được gửi tới văn phòng tại London của ứng dụng kết nối các hãng xe taxi nhằm mang tới lựa chọn tốt hơn cho hành khách Karhoo, nhân viên của công ty này choáng váng bởi những món đồ mua sắm và thanh toán “trên trời” của CEO Daniel Ishag.

Có rất nhiều hoá đơn cho những loại quần áo, giày dép thiết kế hay phiếu thanh toán viện phí tại bệnh viện thú y cho… chó. Chưa khỏi bàng hoàng về những chi phí không hề liên quan đến công việc, các nhân viên công ty này còn choáng váng về nhiều thứ xa xỉ khác trong các hoá đơn gồm: Vé máy bay hạng nhất, những cuộc vui chơi tại Las Vegas và xì gà Cuba.

Tất cả những chi tiêu của CEO Ishag (hầu hết liên quan đến tài chính của Karhoo) kể trên được gửi tới văn phòng Karhoo một cách đột ngột vào cuối tuần trước đúng vào thời điểm công ty này quyết định ngừng hoạt động vì hết tiền. Ngoài ra vì những vấn đề tài chính liên quan tới công ty mới được đưa ra ánh sáng trong vài tuần gần đây, Ishag đã không còn xuất hiện tại văn phòng và 2 lãnh đạo khác buộc phải dấn thân vào nỗ lực tiếp tục để công ty sống sót.

Hiện tại các nhân viên của Karhoo đều đang rất hoang mang và không rõ về tương lai sự nghiệp của mình, khoảng 200 người bị mất việc.

Trong khi đó, CEO Ishag hiện không trả lời điện thoại, email, bình luận trên LinkedIn hay bất cứ thứ gì khác. Theo một người biết rõ sự việc này, các nhân viên Karhoo cũng không biết Ishag hiện đang ở đâu. Tuy vậy, anh này có gửi một email tới nhân viên với nội dung xin lỗi vì sự sụp đổ của công ty.

Email có đoạn: “Tôi thực sự tiếc nuối sâu sắc đối với những rắc rối gần đây gây ra cho tất cả các bạn. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm về việc này, không chỉ đối với các bạn mà còn với cả những người liên quan tới các bạn, tôi muốn gửi lời xin lỗi của mình tới cả họ. Tôi thật sự mong muốn mọi thứ có thể kết thúc theo cách khác tốt đẹp hơn”.

 


CEO Ishag của Karhoo

Dù biết rằng tỷ lệ các công ty khởi nghiệp công nghệ sống sót không nhiều nhưng sự sụp đổ của Karhoo thật sự khác thường.

Năm ngoái, trước khi ứng dụng so sánh giá của công ty dành cho các công ty gọi taxi được ra mắt, Karhoo đã tốn không ít giấy mực của báo chí khi tuyên bố họ huy động được 250 triệu USD và có kế hoạch nâng con số này lên 1 tỷ USD. Tuy nhiên theo một tài liệu nội bộ tiết lộ với Bloomberg, trên thực tế Karhoo chưa bao giờ huy động được nhiều tiền tới vậy.

Cụ thể, tài liệu ghi lại cho thấy Karhoo chỉ huy động được 39 triệu USD vào tháng 9 năm ngoái và phần lớn trong số đó đã được chi cho nỗ lực đánh bại Uber. Trong suốt 2 năm hoạt động, Karhoo đã tạo ra được khoảng 1 triệu USD doanh thu theo thông tin chia sẻ với Bloomberg.

Các nhân viên của Karhoo thì nói rằng họ không hề hay biết số phận thảm thương của công ty cho tới tận ngày thứ 6 tuần trước khi các giám đốc nói rằng công ty không còn đủ tiền để tiếp tục trả lương nữa.

Sẽ không có bất cử khoản bồi thường hợp đồng nào được chi trả và thậm chí lương tháng trước của các nhân viên này cũng không nhận được. Mọi người đều hết sức giận dữ và lo lắng.

Rất nhiều nhân viên đến giờ vẫn không thể hiểu nổi làm thế nào công ty này đã thổi bay số tiền vốn huy động được lên tới 250 triệu USD theo như công bố. Một vài trong số họ đã gia nhập Karhoo bởi khi phỏng vấn, họ được nói rằng công ty đã huy động được rất nhiều tiền và họ có thể hoạt động ổn định hơn những startup thông thường khác.

Ngoài ra, ban đầu các nhân viên đều tin tưởng vào tương lai của Karhoo bởi ứng dụng của họ đã nhận được tới 300.000 lượt tải về kể từ khi ra mắt vào tháng 5.

Theo lời kể của các nhân viên, công ty đã chi rất mạnh tay cho kế hoạch mở rộng ra toàn cầu. Từ rất lâu trước khi ứng dụng chính thức ra mắt, Ishag đã mở nhiều văn phòng tại London, Singapore và Tel Aviv, lập đội marketing gồm tới 24 người. Công ty cũng thuê nhiều căn hộ tại New York và một trong số đó có giá tới 12.000 USD mỗi tháng. Ngoài ra họ còn có 1 hợp đồng thuê văn phòng tại New York kéo dài tới 10 năm.

Khi còn hoạt động, Ishag luôn “khoe khoang” Karhoo là thế lực cạnh tranh mới nổi của Uber. Ứng dụng của họ kết hợp xe của nhiều hãng taxi, cho phép khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.

Tham vọng công ty trị giá trăm triệu đô

Khi Karhoo ra mắt dịch vụ của họ tại London và hàng loạt thành phố khác ở Anh, Ishag luôn nỗ lực huy động thêm tiền đầu tư. Một người liên quan đến vấn đề nói rằng Ishag tham vọng đưa công ty đạt giá trị 400 triệu USD. Đối với các nhà đầu tư, anh này luôn cho các nhà đầu tư thấy tiềm năng có thể cạnh tranh với Uber của họ.

Để kích cầu, công ty bắt đầu tung ra những chương trình khuyến mại lớn như cho mã khuyến mại, chuyến xe miễn phí. Tuy nhiên dịch vụ của họ vẫn gặp nhiều lỗi kỹ thuật và không có quy trình xử lý mã code chính xác, nghĩa là khách hàng có thể sử dụng đi sử dụng lại những mã khuyến mại miễn phí này.

Một vài khách hàng thậm chí còn “khoe” trên mạng xã hội rằng họ đã sử dụng được tới hơn 100 chuyến xe miễn phí của Karhoo. Vấn đề là, công ty vẫn phải trả tiền cho lái xe hoặc các công ty taxi chi phí dù họ không hề nhận lại được bất kỳ xu nào từ khách hàng. Theo thống kê của Bloomberg, riêng trong tháng 10, có tới 70% đơn hàng của Karhoo sử dụng mã khuyến mại.

Hệ thống xử lý các thanh toán của Karhoo cũng rất kém và không kiểm soát được gian lận. Nó không thể xác nhận địa chỉ khách hàng hay yêu cầu địa chỉ email để tạo lập tài khoản. Có thời điểm hơn 90% thanh toán qua thẻ của khách hàng bị từ chối vì những vấn đề kể trên.

Ngoài ra, Karhoo còn thuê một đơn vị ngoài là công ty ModSquad để xử lý những vấn đề liên quan tới dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên Và bản thân ModSquad hiện cũng bị Karhoo nợ tới gần 500.000 USD theo đơn kiện gửi lên toà án New York.

Một nhân viên nói rằng Karhoo đã huỷ hợp đồng sau khi họ phát hiện ra chi phí cho các dịch vụ của ModSquad chiếm mất 3 USD trên mỗi chuyến xe mà khách hàng sử dụng, nhiều hơn cả số tiền Karhoo có được sau khi trả cho các lái xe.

Hoàng loạt công ty taxi đang bị Karhoo nợ tiền cũng đang yêu cầu các nhân viên của công ty này tìm cách thanh toán.

Karhoo và ModSquad có lệnh triệu tập ra toà vào ngày 8/12 nhưng khi liên lạc với Erik Anderson, luật sư đại diện ModSquad, Bloomberg không nhận được thêm bất kỳ thông tin nào.

“Ăn chơi sa đọa”

Các nhân viên của Karhoo mô tả Ishag là người luôn đưa ra những lý lẽ hết sức thuyết phục và nói rằng anh thường nói về việc “tạo ra một thực tế” cho công ty. Tuy nhiên, anh này thường tự cho phép mình sử dụng nhiều đặc quyền như hút thuốc trong phòng làm việc, di chuyển trên những chuyến bay hạng nhất và ở những khách sạn cao cấp trong các chuyến công tác trong khi nhân viên đều sử dụng ghế máy bay hạng thường và ngủ tại các nhà nghỉ.

Chi phí cho mỗi lần khám chữa bệnh cho chó cưng của Ishag lên tới 6.000 USD. Khi tới Las Vegas trong một hội thảo về công nghệ, anh này đã tổ chức một bữa tiệc vô cùng xa xỉ và tất cả đều được trả bằng tiền của công ty.

Một nguồn tin cho biết, sau bữa tiệc, Ishag có tiếp cận với một nhà đầu tư tham dự để kêu gọi vốn. Tuy nhiên chứng kiến những gì đã được chi tiêu cho buổi tiệc, nhà đầu tư này tỏ ra hết sức ngần ngại.

Sự nghiệp của Ishag bắt đầu tư từ năm 17 tuổi khi anh rời London và tới Ấn Độ để khởi nghiệp kinh doanh. Trong năm 2000, anh là một trong 3 nhà sáng lập của một công ty quảng cáo trực tuyến có tên Espotting.

Bước tiếp theo trong sự nghiệp của Ishag là trở thành CEO của một công ty quản lý rác có lên Bluewater đã IPO trong năm 2007 và sau đó lại trở thành công ty tư nhân. Anh đã giành 8 năm gắn bó với công ty này trước khi rời đi.

Trong một bài phỏng vấn vào tháng 7 với tờ Startup, Ishag chia sẻ rằng anh đang ấp ủ ý tưởng về một ứng dụng so sánh giá các phương tiện giao thông. Ban đầu anh định chỉ ra mắt tại California nhưng sau lại quyết định thực hiện tại cả Ấn Độ trước khi huy động tiền từ các nhà đầu tư. Một người cháu của Ishag là David Ishag cũng gia nhập hội đồng quản trị của công ty. David hiện cũng không thể liên lạc được.

Công ty nhận được đầu tư bởi rất nhiều tên tuổi lớn bao gồm Eric Daniels – cựu CEO của Lloyds Banking Group – người nói khoản đầu tư của ông vào Karhoo là khá “khiêm tốn”. Những người khác gồm: Nick Gatfield – cựu chủ tịch và CEO của Sony Music Entertainment; Jonathan Feuer của công ty quỹ tư nhân CVC Capital Partners và David Kowitz – đồng sáng lập Indus Capital Partner. Feuer từ chối đưa ra bình luận về tình hình hiện tại của Karhoo. Những nhà đầu tư còn lại cũng không có phản hồi nào khác.

Kết cục bi thảm: Sập tiệm

Karhoo đóng cửa trong tình trạng gánh trên vai khoản nợ lên tới 30 triệu USD gồm chủ nợ, lương nhân viên, công ty nhà đất, đại lý quảng cáo…

Trong lúc các nhân viên đang đóng gói đồ đạc và rời công ty, CEO Ishag không hề xuất hiện mà chỉ gửi tới họ lời cảm ơn trong một email và không hề nhắc tới khoản lương còn nợ.

Còn nhớ trong một bài phỏng vấn trước đó với tờ Startup, khi được hỏi về những thách thức khi tiến hành xây dựng một công ty khởi nghiệp công nghệ, Ishag đã nói như sau:

“Nếu ai đó muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt hay vô cùng khó khăn, người đó thực sự cần phải tập trung tất cả mọi nỗ lực của họ. Điều này cần phải đánh đổi rất nhiều thứ, gây thiệt hại không nhỏ tới những người xung quanh họ, cho đối tác và thậm chí là của cả vợ họ. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng, lựa chọn trở thành doanh nhân sẽ ảnh hưởng tới mọi thứ bạn làm”.

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928