HSBC: Lạm phát khó tăng mạnh vào cuối năm

Giá cả thực phẩm tăng tác động nhiều đến lạm phát tháng 10.
 
HSBC cho rằng một trong những nguy cơ đối với lạm phát trong những tháng tới xuất phát từ giá cả thực phẩm tăng, như có thể thấy trong chỉ số tháng 10 (tăng từ 3,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,1%).
 
Nhưng HSBC cũng cho rằng giá cả thực phẩm có thể sẽ tăng từ từ, đặc biệt là từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
 
Tuy nhiên, áp lực lạm phát có thể sẽ được kiềm chế nhờ vào giá cả hàng hóa toàn cầu thấp, và từ đó sẽ giúp chi phí vận chuyển giảm xuống.
 
“Kỳ vọng của chúng tôi là giá dầu thô sẽ vẫn giữ nguyên và chỉ tăng vào cuối quí 1/2014”, báo cáo của HSBC viết.
 
Theo HSBC, nhu cầu trong nước vẫn còn chậm chạp sẽ giúp kiềm hãm áp lực lạm phát. Trong khi lĩnh vực xuất khẩu đã cảm nhận được lực đẩy từ nhu cầu nước ngoài thì nhu cầu trong nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống ngân hàng đang bị đóng băng.
 
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng đã tăng rất ít, chỉ ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Điều này cho thấy vấn đề nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chưa được giải quyết hoàn toàn mặt dù Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đang rất nỗ lực trong việc mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Kết quả là dẫn đến việc cho vay yếu và làm ảnh hưởng đến mức độ lạc quan của khối doanh nghiệp tư nhân.
 
Nhưng HSBC cũng cho rằng mặc dù bị quá trình cắt giảm nợ trì kéo, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang vận hành khá tốt. Kinh tế vĩ mô tốt hơn nhờ tiền tệ, lạm phát ổn định và các yếu tố bên ngoài bền vững hơn. Việt Nam đang thực hiện các biện pháp kiểm soát tỷ giá và tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại tệ.
 
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam tăng đã cung cấp nguồn vốn đáng kể và bền vững, giúp Chính phủ có thời gian để tập trung vào những chính sách giải quyết những khoản nợ xấu đã tích tụ từ lâu.
 
Tuy vậy, HSBC cho rằng Chính phủ cũng cần phải giải quyết những vấn đề chính yếu như vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng và nguồn lực con người.
 
Và việc thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan trọng vì năng lực cạnh tranh dựa vào lao động không thể nào tồn tại mãi và đặc điểm này sẽ mất đi khi mức lương tăng lên.
 
Lĩnh vực sản xuất duy trì đà tăng trưởng
 
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam của HSBC (HSBC Vietnam Manufacturing PMI) tháng 10 vẫn duy trì ở mức 51,5 điểm. Kết quả này đã không thay đổi so với tháng 9 và tiếp tục là tín hiệu cho thấy lĩnh vực sản xuất đang duy trì đà tăng trưởng.
 
"Kết quả chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang dần ổn định. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI ổn định. Điều này sẽ giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn cắt giảm nợ, với dòng vốn nước ngoài đang đổ vào cân bằng với nhu cầu yếu kém ở trong nước", theo lời bà Trinh Nguyễn, chuyên viên kinh tế thuộc HSBC.
 
Theo kết quả được HSBC công bố sáng 4/11, tăng trưởng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 đã quay trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục nhờ sự gia tăng nhu cầu. Số lượng nhân công trong các doanh nghiệp sản xuất được khảo sát tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ chậm hơn.
 
Các điều kiện sản xuất chung liên tục được cải thiện sau khi đã có bốn tháng suy giảm. Mặc dù chỉ ở mức khá khiêm tốn nhưng đây là lần đầu tiên tăng trưởng được ghi nhận kể từ tháng 4.
 
Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết sản lượng tăng sau khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát.
 
Trước tình trạng chi phí đầu vào trung bình tiếp tục tăng, các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng giá bán lần đầu tiên kể từ tháng 3.

 

Nguồn: TBKTSG

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928