Sau đại dịch Covid-19, suy thoái và biến động chính trị, kinh tế trong năm 2023 và những năm sắp tới là hồi chuông cảnh báo để doanh nghiệp cần “khám sức khỏe” thường xuyên; đồng thời, có phương án để quản trị dòng tiền và quản trị công ty tốt hơn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững…
Dù không đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam vẫn nằm trong top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới năm 2023, ước tính đạt 5,05% theo thông tin công bố của Tổng cục Thống kê. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường, đây là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam, bên cạnh rất nhiều khó khăn, thách thức đang bủa vây cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, tăng 20,5% so với năm 2022. Cũng trong năm vừa qua, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
QUẢN TRỊ DÒNG TIỀN NÊN LÀ ƯU TIÊN ĐẦU TIÊN
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2023, số lượng mã cổ phiếu niêm yết cũng giảm 18 mã so với cùng kỳ năm ngoái. Kể cả không bị hủy niêm yết theo luật định, các doanh nghiệp niêm yết khác cũng bị xoay vần theo những chao đảo của thị trường. Theo báo cáo phân tích áp lực dòng tiền của doanh nghiệp niêm yết trên cả ba sàn do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện, doanh thu các ngành ghi nhận sự sụt giảm từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Deloitte Việt Nam
“Với những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn đã niêm yết trên sàn chứng khoán, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay, vốn chủ sở hữu khá mỏng.
Do vậy, dù ở quy mô hay lĩnh vực ngành nghề nào, quản trị dòng tiền cần được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục.
Lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá và có phương án điều chỉnh theo những quy trình, cơ chế giám sát ngân quỹ rõ ràng và minh bạch sẽ giúp tối ưu được những nguồn lực có sẵn, đảm bảo tính thanh khoản, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu kinh doanh”.
Sự sụt giảm của tổng cầu quốc tế và trong nước, yêu cầu tuân thủ các quy định ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa trên tiêu chí phát triển bền vững và luật cạnh tranh, đi kèm với áp lực thanh khoản buộc các doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường hoặc phải rất nỗ lực để lội ngược dòng.
Có thể nói, dòng tiền được xem như dòng máu lưu thông trong các mạch máu giúp doanh nghiệp tồn tại. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã liên tục phải chịu nhiều áp lực trong thanh khoản, nhất là những khó khăn về quản lý nợ, thu xếp vốn và dòng tiền. Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kịp thời như giảm một số loại thuế phí cho doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, điều chỉnh điều kiện tiếp cận tín dụng…
Tuy nhiên, để có thể đi đường dài, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực nội tại về quản trị dòng tiền. So với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi không đáp ứng được yêu cầu về tài sản thế chấp hoặc có dự án khả thi. Ngay cả khi có vốn, khối doanh nghiệp SMEs thường thiếu kinh nghiệm trong vấn đề quản lý, điều hành tài chính nên không tối ưu hóa dòng tiền huy động được. Đặc biệt, thiếu kinh nghiệm trong phân bổ các nguồn lực tài chính và cân đối nhu cầu thu chi gây ra tình trạng dòng tiền lúc thiếu lúc thừa, không nhịp nhàng với chu trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bài toán này còn trở nên hóc búa hơn với các doanh nghiệp trong thời kỳ đầy bất ổn và biến động mạnh như hiện nay.
Với những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn đã niêm yết trên sàn chứng khoán, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay, vốn chủ sở hữu khá mỏng. Do vậy, dù ở quy mô hay lĩnh vực ngành nghề nào, quản trị dòng tiền cần được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá và có phương án điều chỉnh theo những quy trình, cơ chế giám sát ngân quỹ rõ ràng và minh bạch sẽ giúp tối ưu được những nguồn lực có sẵn, đảm bảo tính thanh khoản, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu kinh doanh.
Những năm gần đây, nguồn vốn trên thế giới đang có xu hướng đổ vào sáng kiến, dự án phát triển bền vững. Bài toán thu hút vốn của doanh nghiệp Việt từ đây cũng đã có lời giải đáp: tập trung vào chiến lược phát triển. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp thực sự quan tâm và có sự đầu tư thích đáng để phát triển bền vững trên cả ba trụ cột môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là không nhiều. Một cách dễ hiểu, xây dựng và thực thi chiến lược phát triển bền vững đặt ra cho doanh nghiệp bài toán phải cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ gắn liền các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.
Về yếu tố môi trường, chuyển đổi xanh không còn là một sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đặc biệt với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, hoặc chuyển đổi xanh hoặc mất thị trường.
Theo khảo sát của Deloitte về phát triển bền vững năm 2023 (CxO 2023 Sustainability), ngay cả trong bối cảnh nhiều biến động, các nhà lãnh đạo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn coi “biến đổi khí hậu” là một trong ba vấn đề cấp bách nhất với doanh nghiệp.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG – CHÌA KHÓA ĐỂ MỞ CỬA, ĐÓN VỐN
Việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 đi kèm với các quy định, cộng với áp lực đến từ các yêu cầu của thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, châu Âu hay áp lực từ chính các công ty mẹ, đối tác nằm trong chuỗi cung ứng và sản xuất mà các doanh nghiệp Việt Nam là một mắt xích… là những yếu tố ngoại cảnh buộc doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược net zero cho doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thay đổi góc nhìn, coi các nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh không phải chi phí mà là các khoản đầu tư cho hiện tại và tương lai, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc liên kết những chi phí ngắn hạn với lợi ích dài hạn.
Các doanh nghiệp sẽ cần tìm phương án hành động để giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh lên môi trường, các giải pháp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải một cách bền vững hơn…
Về yếu tố xã hội, doanh nghiệp tập trung tạo ra giá trị cho nhân viên, cộng đồng và tất cả các bên liên quan, thông qua nỗ lực chăm sóc nhân viên, thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo an toàn, sức khỏe lao động và tham gia vào các hoạt động xã hội tích cực.
Một trong số những vấn đề mới nổi gần đây là quản lý chuỗi cung ứng bền vững về cả yếu tố môi trường và xã hội. Với trụ cột này, các vấn đề về nhân sự của các công ty đối tác trong chuỗi cung ứng cũng cần được quan tâm. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn, có thể đưa vào chính sách quản lý nhà cung cấp, yêu cầu nhà cung cấp cam kết đảm bảo các vấn đề nhân quyền, các chính sách tối thiểu về lao động…
Cuối cùng là vấn đề quản trị công ty, khía cạnh này liên quan đến cách quản lý và điều hành doanh nghiệp. Quản trị công ty bao gồm việc tạo ra các quy trình quản trị minh bạch, đảm bảo trách nhiệm của Ban lãnh đạo và Hội đồng quản trị, thúc đẩy tính minh bạch và trung thực trong báo cáo tài chính, báo cáo quản trị và báo cáo phát triển bền vững. Quản trị công ty tốt có vai trò nền tảng để xây dựng doanh nghiệp bền vững; đồng thời, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Theo nhiều nghiên cứu, công tác quản trị tốt sẽ mang lại hiệu quả tài chính tốt cho doanh nghiệp.
Tương tự như phương pháp tiếp cận các yếu tố môi trường và xã hội, quá trình triển khai quản trị công ty cần được doanh nghiệp rà soát, đánh giá và thiết kế từ những bước nhỏ nhất. Dẫu còn vấp phải những khó khăn, doanh nghiệp có thể tiến hành những bước đầu tiên thông qua việc cải thiện công tác quản trị, hệ thống kiểm soát nội bộ và xây dựng các báo cáo quản trị công khai, minh bạch. Chủ động tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, nhà tư vấn giàu kinh nghiệm, tham gia các khóa đào tạo cập nhật được tổ chức bởi các hiệp hội, cơ quan ban ngành là cách hiệu quả để không những nâng hạng doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn xanh dồi dào từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, mà còn tác động tích cực lên chuỗi cung ứng, các bên liên quan mà doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào.
Dù nguồn lực của các doanh nghiệp khác nhau, nhưng phát triển bền vững sẽ vẫn là lối thoát cho doanh nghiệp trong bối cảnh những khó khăn, để tiếp tục tồn tại, duy trì năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào thị trường trong khu vực và quốc tế trong dài hạn.
Trần Thị Thúy Ngọc (Nguồn: vneconomy.vn)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!