“Kẻ đột kích” Carl Icahn

Icahn có thể thâu tóm một công ty giàu tiền mặt có giá trị thị trường lên tới 50 tỉ USD.
 
Chiến tích đó là máy bay mô hình của TWA, cuộc thâu tóm thù địch năm 1985, đã làm tên tuổi của ông nổi như cồn. Sau thương vụ này, ông được biết đến với cái tên "kẻ đột kích" doanh nghiệp. Chiến tích đó còn là những xe lửa đồ chơi từ ACF Industries (công ty sản xuất các toa xe lửa vận chuyển dầu). Những kỷ niệm chương bằng thủy tinh cũng ghi lại hàng loạt cuộc chinh chiến của Icahn liên quan đến nhiều công ty lớn của thế kỷ XX từ MGM cho đến Motorola. Cuộc chinh phục mới đây nhất của ông (đến nay vẫn chưa ngã ngũ) là vụ thâu tóm hãng máy tính Dell.
 
Đã 77 tuổi, nhưng Icahn chưa bao giờ thấy sung sức hơn thế khi trong 15 tháng qua, ông đã thâu tóm 14 công ty. Con số này đã khiến ông trở thành kẻ đột kích số 1 trong giới kinh doanh.
 
Icahn từng "đi săn" các trái phiếu có mức độ rủi ro cao. Nhưng sau đó, ông nghĩ ra cách dùng tiền của người khác giống như một quỹ đầu cơ. Những người này sẵn sàng chi cho ông 2,5% khoản đầu tư của họ cùng 25% lợi nhuận kiếm được. Đến năm 2007, Icahn đã quản lý lượng tài sản lên tới 5 tỉ USD. Ông ăn nên làm ra cho đến khi các quỹ của ông lỗ hơn 35% trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Ông bị nhà đầu tư chỉ trích và đòi lại tiền.
 
"Có quá nhiều xung đột khi bạn muốn mua 100% cổ phần một công ty nhưng nhà đầu tư của bạn thì không chịu", ông cho biết. Vì thế, ông đã trả lại tiền vào năm 2011.
 
Giờ đây, ông hoàn toàn đơn thương độc mã trong các cuộc đi săn doanh nghiệp nhờ vào tiền của công ty mình – Icahn Enterprises. Icahn Enterprises là công ty đại chúng do ông sở hữu hơn 90% vốn, giá trị tài sản lên tới 24 tỉ USD, trong đó bao gồm cả cổ phần khống chế ở 8 công ty như nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô Federal-Mogul. So với Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, thành tích của Icahn rất đáng kể. Kể từ năm 2000, Icahn Enterprises đã tạo ra lợi nhuận lên tới 840% so với 250% của Berkshire.
 
Trong 4 năm qua, các quỹ đầu tư của Icahn đã mang lại mức lợi nhuận trung bình là 25%/năm. Năm 2012, danh mục đầu tư do ông quản lý (bằng tiền của ông và nhân viên) đã mang lại mức lợi nhuận hơn 20%, nhờ các vụ đặt cược vào Hain Celestial Group và CVR Energy. Năm nay, các quỹ đầu tư của ông cũng đạt được mức tăng lợi nhuận 12% tính đến hết ngày 13.3.2013. Hiện tại, giá trị tài sản ròng của Icahn được Forbes ước tính tới 20 tỉ USD, đưa ông trở thành người giàu nhất Phố Wall.
 
Nguồn tài sản khổng lồ đã khiến ông trở thành một người cực kỳ nguy hiểm. Giờ ông có thể đi thâu tóm các công ty mà trước đây không ai nghĩ là có thể thâu tóm được. "Ngay lúc này, tôi có thể viết cái séc 10 tỉ USD mà không phải bán bất kỳ tài sản nào để huy động vốn", ông nói. Tỉ phú Leon Black, đồng sáng lập Apollo Global Management, nhận xét: "Icahn thích cảm giác chiến thắng và rất thích tiền. Ông ấy thông minh và có phần tàn nhẫn".
 
Chính quyền lực này của Icahn đã đặt Michael Dell, CEO của Dell, vào thế khó. Hồi tháng 2, Michael Dell đã nghĩ ra cách lấy lại quyền kiểm soát hãng máy tính do ông sáng lập bằng việc bắt tay với công ty đầu tư tư nhân Silver Lake để mua lại Dell (dựa trên vay nợ) với giá 24,4 tỉ USD, tương đương 13,65 USD/cổ phiếu.
 
Nhưng ý định của Dell đã không thành khi hồi cuối tháng 3, Icahn, đang nắm cổ phần tại Dell trị giá 1 tỉ USD, đã ra giá 15 USD/cổ phiếu để mua lại cổ phần chi phối của Dell. Mức đề nghị này còn cao hơn cả 14,5 USD/cổ phiếu của một ứng viên khác là Blackstone Group. Cuộc chiến thâu tóm chắc chắn sẽ nóng lên trong vài tuần tới và đây là cuộc chơi mà Icahn rất yêu thích.
 
Quyền lực của Icahn cũng thể hiện rất rõ trong việc lật đổ ông chủ Tập đoàn Dầu khí Chesapeake Energy. Khi thành lập Chesapeake vào năm 1982, Aubrey McClendon đã bí mật điều hành một quỹ đầu cơ riêng và sử dụng số cổ phần ông nắm giữ tại các giếng dầu của Chesapeake để làm tài sản thế chấp vay tiền. Ông cũng đã thực hiện các thương vụ đầu tư rất liều lĩnh dẫn đến khoản nợ khổng lồ ở Chesapeake. Những hành động "lẫn lộn tiền tư công" của McClendon đã bị phanh phui. Cổ phiếu của Chesapeake vì thế mà lao dốc. Tuy nhiên, không ai có thể làm được gì khi vị trí của McClendon tại Tập đoàn đã quá vững chắc. Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi khi Icahn nhúng tay vào. Vì thế, McClendon đã bị buộc thôi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và rời khỏi vị trí CEO vào ngày 1.4.
 
Ráo riết đi thâu tóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán, giành chân trong hội đồng quản trị và tiếp đó là buộc hội đồng quản trị phải nhường bước. Đây là cách làm của Icahn. Vì thế tâm lý chung của các công ty là không muốn trở thành mục tiêu của ông. Reed Hastings, CEO của hãng công nghệ Netfli, cũng từng như vậy. Nhưng Hastings đã học cách "chấp nhận" Icahn kể từ khi ông mua lại 10% cổ phần của Netflix vào mùa thu năm ngoái. Việc Icahn mua lại cổ phần đã buộc Hastings phải áp dụng chiến lược chống thâu tóm "viên thuốc độc" để ngăn Icahn mua thêm cổ phiếu của Netflix. "Nó giống như khai trận trong một bàn cờ vậy. Ông ta đi bước mua cổ phần thì chúng tôi phải áp dụng chiến lược chống thâu tóm. Ban đầu tôi rất e dè ông ấy vì chưa hiểu rõ ông ấy nhưng bây giờ phải nói là tôi rất thích ông ấy", Hastings cho biết. Icahn thì nói: "Tôi đã bảo với Hastings rằng nếu có người kiếm được tiền cho tôi thì tôi sẽ không bao giờ đấm vào mặt người đó". 
 
(Theo Forbes)
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928