Khát vọng – Khởi nghiệp – Sáng tạo

Thế giới từ lâu đã quan tâm sâu sắc và nhìn nhận liên kết giữa khởi nghiệp và sáng tạo như động lực cho phát triển kinh tế. Giai đoạn mở rộng kinh tế được tạo ra nhờ các sáng chế làm tăng năng suất lao động và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư không còn nhiều cơ hội để bỏ vốn, nền kinh tế sẽ đi vào giai đoạn suy giảm, một số doanh nghiệp (DN) sẽ đóng cửa, phá sản.
Tình trạng này kéo dài cho tới khi có những phát minh và cải tiến mới xuất hiện trong quá trình phá hủy – sáng tạo: sản phẩm và phương pháp sản xuất cũ bị phá bỏ, số lượng việc làm cần thiết để tạo ra sản phẩm từng được sản xuất giảm đi, nhưng đồng thời nền kinh tế bắt đầu một chu kỳ mới dựa trên các sản phẩm mới và đầu vào sản xuất mới.

Khởi nghiệp giải phóng các hoạt động sáng tạo từ những ràng buộc cứng nhắc của hệ thống hạ tầng trở nên quá lỗi thời. Thông qua những hoạt động khởi tạo kinh doanh, người khởi nghiệp kích thích các phát minh, cải tiến, phá vỡ những hình thái vật chất của hệ kinh tế đang tồn tại, đẩy nó vào một quá trình đổi mới cấp tiến hơn.

Hơn thế, những nỗ lực khởi nghiệp chỉ hiệu quả trong môi trường tồn tại cơ chế thị trường và hệ thống giá giúp phối kết các hoạt động kinh tế theo cách tạo thuận lợi cho người tham gia thị trường đạt tới những lợi ích thương mại cao hơn chi phí bỏ ra.

Khi điều này xảy ra, người khởi nghiệp tương lai thu lại lợi ích. Tất nhiên, cạnh tranh cũng đẩy các DN đến chỗ thua lỗ do thiếu hiệu quả, thiếu năng lực ra thị trường.

Việc tiếp quản các nguồn lực và lợi suất trong trò chơi thị trường cho thấy áp lực khởi nghiệp gây ra bởi những phần thưởng bất cân và cả những trừng phạt không đối xứng trong hệ thống thị trường.

Khởi nghiệp, như một quá trình phức tạp và đồng bộ, có ảnh hưởng quan trọng tới sự thịnh vượng và ổn định của nền kinh tế trong dài hạn. Những giá trị mới và cả áp lực buộc mỗi tác nhân trên thị trường liên tục cải thiện năng lực không ngừng được tạo ra từ quá trình này. Cỗ máy kinh tế nhờ đó mà tăng tốc và nạp năng lượng mới.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nhân Việt hiện có những vấn đề, tiềm ẩn hay rõ ràng, tác động tiêu cực tới hành trình kinh tế tương lai. Đó có thể là mô hình kinh doanh dựa trên tìm kiếm đặc lợi kinh tế, quan hệ tín dụng với ngân hàng bằng quan hệ cá nhân, và những hệ quả từ hệ thống giáo dục kinh doanh coi trọng hình thức và bằng cấp.

Trong trào lưu chứng khoán hóa, thâu tóm – sáp nhập DN, một bộ phận doanh nhân khởi nghiệp đang dịch chuyển vai trò từ người chủ DN sang nhà quản lý hưởng lương – khởi nguồn của vấn đề xung đột lợi ích đại diện, và từ người khởi nghiệp thuần túy sang nhà tư bản.

Động lực tự thân của người khởi nghiệp là phát hiện thông tin hữu ích, tiềm ẩn cơ hội kinh doanh mới như một thị trường ngách còn để ngỏ hay phương thức cung ứng một dịch vụ có chi phí thấp và hiệu quả hơn.

Những điểm thông tin này vốn đầy rẫy trong cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, thiếu hiểu biết về môi trường kinh tế, kiến thức tổ chức kinh doanh, kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc và đánh giá khiến không ít cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Ngay cả khi đã chạm tới và kịp nắm bắt thì những điểm sáng đơn lẻ vẫn chưa đủ cho một thành công kinh doanh. Người khởi nghiệp còn phải nối các điểm rời rạc theo một logic hợp lý tối đa. Và cuối cùng, hành trình khởi nghiệp không có điểm kết thúc, cũng như xã hội không có điểm nào dừng tiến bộ.

Quá trình phát hiện cơ hội, kết nối để có giải pháp kinh doanh hiệu quả là một kỷ luật thực thi liên tục. Thành công hôm nay là sự tích tụ năng lượng – cả vật chất và tinh thần – cho những hành trình khởi nghiệp gian lao hơn và vinh quang hơn của ngày mai.

Việt Nam rồi sẽ có những thương hiệu toàn cầu. Chắc chắn sẽ có, một khi lực lượng khởi nghiệp Việt Nam hôm nay có khát vọng chinh phục người tiêu dùng thế giới. Khát vọng hôm nay đã trở thành một "biến nội sinh" trong những hàm mục tiêu kinh tế của các xã hội, thể chế và tổ chức.

Thương trường là chiến trường. Đấu trường quốc tế lại càng khắc nghiệt khi đối thủ là những người khổng lồ. Đại dương xanh bao la có biết bao cơ hội và hiểm nguy rình rập. Không tồn tại nhân nhượng hay thỏa hiệp trên các bàn đàm phán kinh doanh quốc tế.

Khi cùng tuân thủ những luật chơi văn minh, mọi cam kết và đồng thuận đơn giản là kết quả của những phép cân nhắc lợi và hại, được và mất, trong đó, mỗi bên tìm thấy giá trị lợi ích lớn nhất cho mình.

Cộng đồng khởi nghiệp không có người thất bại. Một DN vì không đủ sức cạnh tranh mà rời khỏi ngành không phải là DN thất bại. Khát vọng đạt tới thành công và thịnh vượng là nguồn năng lượng dồi dào, không ngừng tái tạo và thúc giục người khởi nghiệp tìm kiếm những cơ hội thị trường mới, gắn kết hiểu biết và kinh nghiệm để vượt qua chính mình, chinh phục công chúng tiêu dùng toàn cầu bằng sản phẩm sáng tạo mới, hữu ích hơn và hiệu quả hơn.

Lực lượng thanh niên Việt Nam hội nhập với thế giới, tham gia sân chơi toàn cầu hóa và giành chiến thắng không phải với hai bàn tay trắng. Chúng ta có vũ khí "3 trong 1": khát vọng thành công cùng khởi nghiệp, sáng tạo.

Có khát vọng, thanh niên không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kiếm tìm và sẵn sàng đón nhận cơ hội, đương đầu với thách thức. Chính tinh thần khởi nghiệp sẽ biến khát vọng và ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.

Và một khi người thanh niên quả quyết thực thi với những nguồn lực hạn chế nhất, chấp nhận bất trắc và giữ niềm tin thì sẽ vượt qua mọi khó khăn.

TS. VƯƠNG QUÂN HOÀNG

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928