Cải thiện môi trường đầu tư
Tính đến nay, Hiệp hội DN Nhật Bản có khoảng 1.200 công ty hội viên. Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN, sau Thái Lan. Các lợi thế của Việt Nam về ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… đang tạo ra sức hút áp đảo so với các nước trong thu hút đầu tư các ngành lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, điện tử, y tế.
Ở khu vực các tỉnh phía Bắc, DN Nhật Bản tập trung đầu tư lĩnh vực máy in phức hợp, điện thoại di động, xe máy; khu vực miền Nam là các lĩnh vực dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, linh kiện điện tử, máy móc, bán lẻ, ăn uống.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, trước nay việc đầu tư tập trung vào TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, tới đây DN Nhật Bản sẽ hướng về Bình Phước, Lâm Đồng, khu vực ĐBSCL và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Lý do là hệ thống hạ tầng đường sá, cầu đã được đầu tư, thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh.
Đầu tư tại Việt Nam chúng tôi không nhắm đến thị trường lao động rẻ, mà đặt niềm tin vào sự hợp tác, tín nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại đây. Trong các hợp đồng kinh tế, thương thảo, DN Việt Nam thường quyết đoán, trả lời nhanh, nỗ lực cao.
Ông Watanabe Yutaka,
Giám đốc Công ty Towa (Nhật Bản)
|
|
|
Theo chiến lược China+1, Thai+1, các DN Nhật Bản về tơ sợi, máy móc đang bắt đầu dời cơ sở sản xuất, chuỗi phân phối từ Trung Quốc và Thái Lan sang Việt Nam, Indonesia, Philippines. Trong tương lai, các công ty chuẩn bị cho các sự kiện lớn như đàm phán TPP, EPA song phương, tự do thị trường ASEAN từ năm 2015.
Đón đầu cơ hội này để tiếp tục thu hút đầu tư từ Nhật Bản, vấn đề quan trọng là chính sách công nghiệp phải có hiệu quả, thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa, nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, các địa phương cần thực hiện cơ chế 1 cửa, giải đáp thắc mắc, thủ tục cấp phép nhanh chóng; xây dựng cơ chế cho vay vốn lãi suất thấp, có các biện pháp khuyến khích đầu tư như ưu đãi thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ-HCM, DN Nhật Bản thường gặp một số khó khăn trong các mối quan hệ liên doanh, liên kết với DN Việt Nam. Chẳng hạn, DN Việt Nam thấy có lợi nhuận là muốn thu hồi vốn, còn DN Nhật Bản ngược lại.
Hoặc khi kinh doanh thua lỗ, DN Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư, tìm kiếm cơ hội trong tương lai, chấp nhận thử thách, trong khi DN Việt Nam lại lo lắng, thiếu nhẫn nại.
Với kinh nghiệm 18 năm làm ăn với DN Nhật Bản, theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Minh Phương Logistics, năng lực tài chính DN Nhật Bản thường mạnh và ổn định; trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển; năng lực quản trị DN và kinh doanh rất tốt. Trong khi đó, phần lớn DN Việt Nam còn non trẻ, yếu và thiếu nhiều thứ nên thường vuột mất các cơ hội. Do đó, việc gầy dựng lòng tin, chứng minh năng lực phải đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Kỳ vọng lớn
Trao đổi với ĐTTC, TS. Trần Du Lịch chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng về vai trò của DN Nhật Bản trong nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở rộng hội nhập, bắt buộc DN trong nước phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, không làm gia công mãi.
Các DN Nhật Bản hướng vào lĩnh vực công nghiệp, vì thế chúng ta nên đón đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là lĩnh vực mà chắc chắn chính sách sẽ ưu tiên để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm”.
|
Lắp ráp ô tô tại Toyota Việt Nam. |
Theo TS. Trần Du Lịch, trong chiều hướng củng cố và phát triển thị trường tài chính, ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, phải phát triển đồng bộ các định chế tài chính tín dụng phi ngân hàng để làm sao không đẩy gánh nặng các nguồn tín dụng trung, dài hạn hiện nay cho hệ thống ngân hàng thương mại gánh chịu. Theo đó phát triển thị trường vốn trung, dài hạn.
Vì vậy, Nhật Bản sẽ có vai trò trong vấn đề phát triển thị trường tài chính của Việt Nam. DN Nhật Bản làm ăn thường bắt đầu rất cẩn thận, chậm nhưng đã làm thì làm chắc chắn. Do quá cẩn thận, quá chắc chắn nên dường như hoạt động kinh doanh chi phí khá cao. Đây là yếu tố sẽ gây khó cạnh tranh trên thị trường nội địa. Song, chính cung cách làm ăn bài bản nên các nhà đầu tư Nhật Bản được kỳ vọng rất lớn trong chính sách thu hút vốn FDI hiện nay.
ODA phát triển nguồn nhân lực
Ngày 12-9, dự án “Xây dựng Trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt – Nhật” do Công ty TNHH Esuhai làm chủ đầu tư chính thức đi vào hoạt động, với tổng mức tài trợ 200 triệu yên (2 triệu USD). Công ty Esuhai là DN hàng đầu của Nhật Bản về cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao theo chương trình tu nghiệp sinh. Đây là dự án nằm trong “Chiến lược phát triển năm 2011” của chính phủ Nhật Bản về việc đầu tư cho vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA.
Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết việc Công ty Esuhai xây dựng trung tâm đào tạo sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư sang Việt Nam của các công ty Nhật Bản. Đây là dự án tài trợ vốn mang tính thí điểm trong lĩnh vực đào tạo đã đạt thành công. Vì thế, kỳ vọng khi trung tâm trên đi vào hoạt động, sẽ giải được bài toán về nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Tiêu chí lựa chọn dự án tài trợ vốn đầu tư ODA của JICA theo phương thức này là các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, các dự án cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Dự án được tài trợ phải thông qua sự thẩm định trước tiên của JICA, sau khi có sự lựa chọn, phía ngân hàng cũng có sự thẩm định, tư vấn về tài chính dự án và tính khả thi của dự án. Tạo thành mô hình 3 bên: tổ chức tài trợ – ngân hàng – chủ đầu tư. Trong năm 2013, tổ chức JICA hiện tại đang thẩm định tài trợ vốn ODA phát triển dự án theo mô hình này ở các dự án như Trường Đại học Việt – Nhật tại Hà Nội, dự án mở rộng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Cần Thơ.
Trước đó, năm 2012 JICA tài trợ cho vay đầu tư dự án đường nước cho khu công nghiệp ở tỉnh Long An, chủ đầu tư là Công ty Kobelco Eco Solutions Co. Ltd, chuyên xây dựng nhà máy lọc nước và xử lý nước thải. Dự án này đang khẩn trương hoàn thành cơ sở hạ tầng cần thiết để kêu gọi các nhà đầu tư của các công ty Nhật Bản, chủ yếu là DNNVV. Tổng số vốn tài trợ cho dự án dự kiến khoảng 6,7 tỷ yên (67,3 triệu USD). Ngoài ra còn có dự án xây dựng đường nước cho khu dân cư ở Hà Nội. Hiện dự án này đang trong gai đoạn thực hiện.
|
Đình Bắc