Kinh tế Việt Nam 2013 dưới góc nhìn các ‘ông lớn’

Có tới 55% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng kinh tế sẽ không cải thiện nhiều trong năm 2013.

Bản báo cáo vừa công bố của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) với tiêu đề "Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn của doanh nghiệp hàng đầu" cho thấy nhiều điểm đáng chú ý.

Vietnam Report đã tiến hành điều tra 192 đại diện các doanh nghiệp nằm trong bảng V1000 (top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất), VNR500 (top 500 doanh nghiệp lớn nhất) và FAST500 (top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất) về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012 của doanh nghiệp, cũng như quan điểm của đại diện doanh nghiệp về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và triển vọng của cả nền kinh tế năm 2013 nói chung.

Cuộc điều tra này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, khi cho rằng năm 2012 là một năm kinh doanh kém hơn năm 2011.

Có tới 50% lãnh đạo các doanh nghiệp V1000 nhận định rằng tình hình hoạt động của doanh nghiệp của họ xấu hơn so với năm 2011. Chỉ có 19% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012 của họ tốt hơn so với năm 2011.

100% đại diện của ngành ngân hàng tài chính chỉ ra rằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 không bằng năm 2011, trong khi 60% các doanh nghiệp sắt thép – xây dựng cũng chia sẻ nhận định này.

Không chỉ vậy, có tới 55% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng kinh tế sẽ không cải thiện nhiều trong năm 2013.

Chỉ có 33% cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục trong sáu tháng cuối năm 2013, trong khi chỉ 1% tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi 6 tháng đầu năm. Niềm tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2013 đã giảm đi so với thời điểm tháng 8/2012, khi mà có đến 60% đại diện các doanh nghiệp được điều tra cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2013 hoặc sớm hơn.

Đa số các chủ doanh nghiệp cho biết việc cắt giảm chi phí đóng góp tới lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2012. Lợi nhuận có được từ sản xuất kinh doanh chỉ được lựa chọn bởi 45,8% số doanh nghiệp có phản hồi.

Bức tranh này cũng thể hiện trong phần lớn các ngành nghề, trừ ngoại lệ là ngành dệt may. Đa số đại diện ngành dệt may cho biết lợi nhuận năm 2012 của họ đến từ mở rộng sản xuất kinh doanh, chứ không phải cắt giảm chi phí.

Ngoài sự bi quan về triển vọng kinh tế, các doanh nghiệp còn lo ngại về bất ổn về môi trường kinh doanh, sự suy giảm về cầu tiêu dùng trên thị trường giá và nguyên vật liệu tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mối lo ngại về sự biến động trong chính sách quản lý cũng như sự khó khăn trong việc huy động vốn trong năm 2013.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp tin tưởng vào cam kết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, cũng như tin tưởng rằng ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong năm 2013.

Đa số các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin vào thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ lạm phát một con số của Việt Nam trong năm 2013. Chỉ có 19% đại diện cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ là hai con số.

Đáng chú ý, có tới 76% các doanh nghiệp dự kiến sẽ vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh trong năm 2013. So với con số 60% doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng chưa giúp đỡ các doanh nghiệp trong cuộc điều tra CEO thực hiện vào tháng 8/2012, thì đây là một sự cải thiện đáng kể về niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng có tới 50% số doanh nghiệp dự kiến nguồn huy động vốn chủ yếu trong năm 2013 của doanh nghiệp sẽ là vốn tự có.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp là tất yếu để có thể tồn tại và phát triển. Đa số các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành tái cấu trúc, tự nguyện hay không. Hơn 90% các nhà quản lý doanh nghiệp nhận định rằng tái cấu trúc đã đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam. 

(Theo Vneconomy)

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928