Nằm trong số 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất thế giới nhưng nguồn FDI của Australia vào Việt Nam những năm qua còn khá khiêm tốn. Vì vậy, những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký gần đây được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội đáng kể thu hút các doanh nghiệp FDI của Australia đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các dòng vốn FDI vào Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây. Điều này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút FDI lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất thế giới, đứng vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm trước đó và đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Lũy kế đến 20/12/2021, có trên 34,52 nghìn dự án với giá trị đầu tư đạt 408,09 nghìn tỷ USD của các đối tác nước ngoài vào Việt Nam còn hiệu lực. Từ 01/01/2022 đến 20/6/2022, có 14,03 nghìn tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với 752 dự án mới, 487 lượt dự án điều chỉnh và 1,7 nghìn lượt góp vốn mua cổ phần. Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Quần đảo vương quốc Anh, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia, Mỹ… lần lượt là những quốc gia có lượng FDI lớn đầu tư vào Việt Nam theo thứ tự giá trị từ cao xuống thấp.
Trong khi đó, Australia là một trong số các quốc gia có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài khá lớn, đứng thứ 15 thế giới năm 2020. Giá trị đầu tư ra nước ngoài của Australia tính đến 31/12/2020 đạt 627,3 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đầu tư vào khu vực ASEAN với 1,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,5%. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đầu tư FDI của Australia vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế đến 20/6/2022, Australia có 562 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt 1,96 tỷ USD. Như vậy, FDI của Australia chỉ chiếm 1,59% tổng số dự án với số vốn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 0,45% tổng lượng vốn FDI, dù đang đứng ở vị trí thứ 20 về giá trị đầu tư trên tổng số 139 quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. Lượng vốn cấp mới cũng chỉ tương đương vốn điều chỉnh, trong khi với tất cả các FDI khác, lượng vốn cấp mới luôn gấp 2-3 lần lượng vốn điều chỉnh cũng là một đặc thù của FDI từ Australia rót vào các dự án tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư Australia đã triển khai 14 dự án mới, điều chỉnh 3 lượt dự án và tăng thêm 43 lượt góp gốn mua cổ phần với tổng giá trị vốn đăng ký là 29,07 triệu USD tại Việt Nam. Điều đáng nói là, tính trung bình các dự án của Australia vào Việt Nam có giá trị tương đối nhỏ so với giá trị trung bình của các dự án đầu tư FDI vào Việt Nam, trung bình khoảng 555 nghìn USD/dự án; đối với các dự án mới chỉ khoảng 167,14 nghìn USD/dự án; trong khi mức trung bình chung của các FDI Việt Nam là 12,16 triệu USD/dự án.
Giáo dục và đào tạo tại Việt Nam là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư Australia nhiều nhất với 28% tổng số dự án theo Khảo sát doanh nghiệp 2021 của Auscham ASEAN. Tiếp theo đó là Vận tải – khách sạn – giải trí với 20% số dự án, dịch vụ chuyên môn và công nghiệp – chế tạo cùng chiếm đồng thời 16% số dự án, nông nghiệp chiếm 8%, còn lại 12% cho các ngành nghề khác. Còn về cơ cấu theo nguồn vốn, có đến 47,1% tổng số FDI của Australia vào Việt Nam là dành cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; còn lại phân bổ nhỏ hơn với 8,1% dành cho dịch vụ lưu trú và ăn uống; 7,1% cho xây dựng, bất động sản; 6,4% cho nông, lâm và thủy sản; 6,1% cho y tế; 5,9% cho khai khoáng; 5,5% cho nghệ thuật, giải trí. Dù chiếm số lượng lớn dự án, nguồn FDI của Australia dành cho giáo dục tại Việt Nam chỉ khiêm tốn chiếm 4,1%, còn lại phân bố nhỏ dần cho các lĩnh vực vận tải kho bãi, khoa học công nghệ, bán buôn bán lẻ, tài chính, bảo hiểm…
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), yếu tố thu hút đầu tư hàng đầu đối với các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam chính là môi trường chính trị ổn định, không có bạo động, chiến tranh, vũ lực, do đó, có tới 100% các doanh nghiệp được khảo sát đều đồng ý với điều này. Yếu tố thứ 2 là chi phí nhân công thấp hơn khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, chất lượng lao động ngày càng cải thiện, năng động và nhiệt tình với 86% doanh nghiệp FDI Australia bình chọn. Khả năng ứng phó tốt hơn khi xảy ra tình trạng khẩn cấp và Rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh thấp hơn với cùng 71% doanh nghiệp đồng ý; đặc biệt là sự thể hiện qua khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 với sự điều hành của Chính phủ và sự tuân thủ tốt các nguyên tắc chống dịch của người dân Việt Nam. 57% doanh nghiệp khảo sát cho rằng các bất ổn chính sách tại Việt Nam thấp hơn đồng thời chất lượng lao động cao hơn và 43% doanh nghiệp cho rằng mức thuế xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước khác thấp hơn… Ngoài ra, các doanh nghiệp Australia cũng thể hiện sự hài lòng cao với các yếu tốt tích cực khác như: Vị trí địa lý thuận lợi, triển vọng thị trường tốt, địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI, vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu sẵn có với chi phí rẻ… Hơn thế nữa, mức độ mở của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá cao với những Hiệp định thương mại tự do với Australia và các quốc gia khác trên thế giới.
Mặt khác, so với các quốc gia có FDI vào Việt Nam, đầu vào FDI của Australia hiện đang sử dụng nhiều đầu vào từ đối tác Việt Nam, tức là nhà cung cấp của doanh nghiệp Australia tại Việt Nam. Điều này cho thấy mức độ liên kết giữa doanh nghiệp Australia với các đối tác tại Việt Nam cao hơn so với các FDI khu vực khác. Có tới 50% đầu vào các dự án FDI Australia sử dụng các đối tác nội địa là các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lý do chính doanh nghiệp đưa ra là do nguồn cung từ doanh nghiệp Việt Nam có giá cả cạnh tranh và thuận tiện hơn các nguồn khác. Do đó, trong một khảo sát sâu để thực hiện “Đánh giá của FDI Australia về môi trường đầu tư và kinh doanh Việt Nam” năm 2021, đa số các doanh nghiệp FDI Australia đều có kế hoạch gia tăng sử dụng đầu vào từ đối tác Việt Nam. Auscham ASEAN cũng cho rằng, trải qua giai đoạn dịch bệnh bùng nổ, doanh nghiệp Australia tại Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nhẹ hơn tại một số nước ASEAN khác. Thậm chí khi đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới lợi nhuận của các doanh nghiệp Australia, số doanh nghiệp bị giảm trên 10% lợi nhuận ở Việt Nam chỉ chiếm 20%, trong khi mức giảm trung bình của khu vực ASEAN là 28%. Ở chiều ngược lại, có tới 28% doanh nghiệp Australia tại Việt Nam có lợi nhuận tăng trưởng hơn 10%, cao hơn mức tăng trung bình của cả khu vực ASEAN (20%).
Bên cạnh những đánh giá lạc quan, nhà đầu tư đến từ Australia cho rằng, có 5 thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp FDI khi quyết định kinh doanh tại Việt Nam đó là: Tình trạng tham nhũng, quan liêu vẫn còn tồn tại; Hệ thống thuế còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lao động trình độ cao; Hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao và cuối cùng là thị trường còn tồn tại nhiều hành vi cạnh tranh không bình đẳng. Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI Australia cũng nhận định các thủ tục hành chính còn khá phiền hà, nhất là về các lĩnh vực thuế, phí, lệ phí; bảo vệ môi trường; bảo hiểm xã hội, lao động, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập khẩu… Nhiều FDI Australia gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giám đốc điều hành/quản lý tài chính và đang tìm kiếm quản lý/giám sát, nguồn công nhân và lao động phổ thông chất lượng, đáp ứng những yêu cầu cao của công việc.
Chính vì vậy, nhà đầu tư Australia tỏ ra khá thận trọng với kế hoạch phát triển kinh doanh tại Việt Nam so với cái quốc gia khác. Trong 2 năm 2021 và 2022, chỉ có khoảng gần 25% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng quy mô kinh doanh, trên 60% doanh nghiệp cho biết tiếp tục kinh doanh với quy mô đang có và trên 10% doanh nghiệp giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa. Trong khi đó, có tới 60% doanh nghiệp FDI của Mỹ tại Việt Nam gia tăng quy mô kinh doanh, con số này với doanh nghiệp FDI Đức là 50%, với Singapore và Nhật Bản đều trên 40%. Lý giải cho điều này, đại diện Phòng thương mại Australia tại Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp Australia còn thiếu thông tin về Việt Nam.
Mặc dù còn nhiều rào cản, vẫn có tới 48% doanh nghiệp Australia đánh giá Việt Nam rất tiềm năng và họ sẽ cân nhắc đầu tư trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam và Australia đang có 3 FTA chung, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Australia. Cả 2 Hiệp định này đều có các chương quy định về đầu tư. Các chương về đầu tư cũng tuân theo những thông lệ tốt nhất của các FTA thế hệ mới, đồng thời cung cấp nền tảng pháp lý vững chắc nhằm tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư Australia. Quan trọng hơn cả là những nền tảng và thông lệ đó đang được triển khai. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tác động cộng hưởng từ 3 FTA này và 12 FTA khác của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội đáng kể thu hút các doanh nghiệp FDI Australia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Một trong những giải pháp thúc đẩy các nhà đầu tư đến từ Australia chịu bỏ vốn kinh doanh vào Việt Nam là thông qua hình thức tiếp cận toàn diện hơn nữa giữa cấp chính phủ của 2 quốc gia và khu vực tư nhân, tăng cường giới thiệu cơ hội đầu tư, quảng bá về môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam. Cụ thể Việt Nam cần: Cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường kiểm soát tham nhũng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy các hoạt động thông tin xúc tiến đầu tư; Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài; Hỗ trợ kết nối với đối tác nội địa. Bên cạnh đó, Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp đôi bên; đồng thời đem lại ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh hiệu quả hợp tác song phương trong thương mại và đầu tư tương xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nguồn: Consosukien.vn
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!