Vực dậy và giúp một Microsoft từng bị xem là “lỗi thời” trở thành công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới, CEO Satya Nadella thành công nhờ 3 nguyên tắc dưới đây.
Với những thành tựu mà Microsoft đạt được dưới thời Satya Nadella, không thể phủ nhận vị CEO gốc Ấn này là một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất trên thế giới. Dưới thời của Nadella, Microsoft không chỉ có lượng người dùng đăng ký nhiều hơn Netflix, mà doanh thu điện toán đám mây cũng nhiều hơn Google và từng có thời điểm vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới. Thế nên, dễ hiểu tại sao tạp chí Fortune lại vinh danh Nadella là doanh nhân của năm 2019.
Đến nay, đã 6 năm từ khi Nadella thay Steve Ballmer trở thành CEO của Microsoft. Kể từ khi nắm quyền, Nadella đã giúp Microsoft hoàn toàn “lột xác”, đưa công ty tại thời điểm đó bị xem là đã lỗi thời với doanh thu từ hệ điều hành Windows trì trệ, và không bắt kịp với hầu hết các xu hướng quan trọng của những năm 2000 như điện thoại di động, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội… trở thành công ty lần đầu tiên có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới.
Và, Nadella hiểu rằng, thành công không đến trong một sớm một chiều. Thay vào đó, người lãnh đạo cần thiết tư duy dài hạn, vừa phải gieo hạt giống cho tương lai, vừa phải tự làm mới ngay hôm nay, trong khi không ngừng tiến về phía trước. Đồng nghĩa, tất cả mọi thứ, từ văn hóa, quy trình hoạt động cho đến chiến lược hay nhân sự, đều phải được làm mới và điều chỉnh sao cho phù hợp. Trên tinh thần đó, dưới đây là 3 quy tắc hàng đầu của Nadella trong việc điều hành doanh nghiệp.
1. Thay đổi văn hóa khi cần thiết
Một trong những bước đi táo bạo đầu tiên của Nadella khi trở thành CEO là thay đổi sứ mệnh lâu đời và có phần “cổ lỗ sĩ” của Microsoft là “một chiếc máy tính trên mỗi bàn làm việc của mọi nhà” thành “mang đến cho mỗi cá nhân và tổ chức trên thế giới sức mạnh để đạt được nhiều hơn nữa”.
CEO Microsoft Satya Nadella – doanh nhân của năm 2019, do tạp chí Fortune bình chọn
Thực ra, những con người tại Microsoft vẫn kế thừa và phát huy tinh thần đã có từ trước, nhưng dưới triều đại của Nadella, họ hành động trong một tâm thế khác, một văn hoá khác, xem khách hàng là ưu tiên hàng đầu, thay vì cố gắng đưa doanh nghiệp của mình thống lĩnh thị trường.
Đi cùng với sự thay đổi về văn hoá và chiến lược kinh doanh đặt trọng tâm vào khách hàng, đội ngũ nhân viên cũng được khuyến khích tập trung vào các dự án khởi nguồn từ đam mê, và nghĩ về Microsoft không phải như một công ty đã có 42 năm tuổi đời, mà như một công ty chỉ vừa khởi nghiệp. Đồng thời, nhân viên cũng được khuyến khích tư duy theo hướng mới và phá bỏ sự già cỗi. Đối với một công ty có tuổi đời như Microsoft, việc vật lộn để lấy lại tinh thần “khởi nghiệp” như những ngày đầu đặt nền móng cho hệ điều hành Windows là vô cùng cần thiết. Những điểm nhấn trong công cuộc cải tổ bộ máy và thay đổi sứ mệnh cùng văn hoá doanh nghiệp dưới thời Nadella có thể kể đến như cho phép hệ điều hành đối thủ Linux chạy trên dịch vụ đám mây Windows Azure, ra mắt Microsoft Office cho iPad của Apple, ra mắt ứng dụng cho iPhone và smartphone chạy hệ điều hành Android. Bên cạnh đó là việc bỏ qua Windows 9 để lên thẳng Windows 10, ra mắt Microsoft Surface Boo – laptop đầu tiên của Microsoft và kính 3 chiều HoloLens.
Chính cách tiếp cận của Nadella đã cho thấy rằng, việc bám víu một tư duy đã lỗi thời và cứng nhắc có thể là “liều thuốc độc”, khiến doanh nghiệp mãi mất đi tính sáng tạo, dậm chân tại chỗ để rồi tụt lại phía sau. Hơn ai hết, Satya Nadella hiểu rõ điều đó và vị CEO gốc Ấn biết rằng, bấy giờ là thời điểm mà Microsoft nhất thiết phải suy nghĩ và hành động như một công ty khởi nghiệp với 10.000 người nếu muốn bắt kịp các đối thủ khác.
2. Hành động nhanh, suy nghĩ chậm
Là một lãnh đạo có tầm nhìn, Nadella có thể nắm bắt các xu hướng mới và dấu hiệu suy yếu từ sớm để luôn đi trước một bước. Đồng thời, vị CEO cũng rất coi trọng việc ra quyết định nhanh chóng; trong đó, chỉ cần mức độ tin cậy đạt 80% là đã đủ để hành động.
Trong một thế giới hiện đại đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, Nadella hiểu rằng, đưa ra quyết định khi đã chắc chắn 100% đơn giản là quá chậm. Và, kết quả kinh doanh xuất sắc của Microsoft vào năm 2017 chính là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của việc hành động nhanh, suy nghĩ chậm.
Ví dụ, Cloud Services – một trong những lĩnh vực mà Microsoft khi đó vốn không hoàn toàn chắc chắn, hiện đã chiếm hơn 30% tổng doanh thu của công ty, với mức sử dụng tăng gấp đôi trong năm 2018.
Trong kỷ nguyên số hiện đại và biến đổi không ngừng, CEO Microsoft khuyên, các nhà lãnh đạo hãy biết đẩy nhanh tốc độ ra quyết định, nếu không muốn doanh nghiệp chậm hơn đối thủ. Được biết, bản thân các giám đốc của Microsoft cũng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Nadella, Microsoft đã có thể tập trung vào những gì mà công ty làm tốt nhất.
3. “Cái gì cũng học” sẽ đánh bại “Cái gì cũng biết”
Thập niên 2000 có thể xem là 10 năm “lạc lối” của Microsoft, khi sợi dây liên kết giữa tất cả khách hàng với công ty dường như bị cắt đứt, còn bản thân Microsoft rơi vào khủng hoảng, mông lung trong việc xác định ý nghĩa và giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho thế giới. Thêm vào đó, làn sóng cải tiến dồn dập từ Google và App Store cho đến iPhone rồi máy tính bảng đã san bằng đường cong tăng trưởng của doanh nghiệp phần mềm máy tính huyền thoại một thời.
Năm 2014, khi Nadella trở thành CEO mới, ông đã tuyên bố, kể từ thời điểm này, Microsoft sẽ trở thành một công ty “học tất cả mọi thứ” thay vì một công ty “biết tất cả mọi thứ” như trước đây. Đồng nghĩa, mỗi ngày trôi qua với toàn bộ nhân viên Microsoft sẽ là mỗi ngày học hỏi, khám phá và thử nghiệm cái mới.
Riêng đối với Nadella, điều này có nghĩa là phải luôn tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi sau:
- Chúng ta đang tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới thành công như thế nào?
- Chúng ta đang thích nghi với những thay đổi và đột phá mới hiệu quả như thế nào?
- Văn hóa của công ty chúng ta có đang trân trọng sự mạo hiểm, tinh thần học hỏi và thất bại khôn ngoan hay không?
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!