"Life of Pi" giành 4 giải Oscar nhờ "bài" quảng cáo độc nhất vô nhị của Yahoo

Chuyển thể được trước tác của Yann Martel lên màn bạc vốn là một kỳ công của đạo diễn Lý An, nhưng dù được đánh giá là kiệt tác điện ảnh với kỹ xảo cao cấp thì bộ phim vẫn vô cùng khó bán, thậm chí còn bị đánh giá là "không thể tiêu thụ".
 
Hình ảnh phim cũng chỉ xoay quanh một cậu bé bị lạc giữa biển khơi trên chiếc thuyền cứu sinh cùng một con hổ, chẳng giống như những "bom tấn" chuyển thể từ tranh truyện, game hay phái sinh từ các bộ phim khác, đã vậy dàn diễn viên lại không nổi tiếng, thu hút được đông đảo khán giả là một nhiệm vụ "khó như lên trời".
 
Chưa kể, "Life of Pi" còn vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của "Sự Trỗi Dậy Của Các Vệ Thần" (Rise Of The Guardians) và "Tình yêu tìm lại" (Silver Linings Playbook) ra mắt cùng tuần.
 
Chiến lược: Đưa "cuộc đời của Pi" tới "cuộc đời khán giả"
 
 
Vì dàn diễn viên không có "sao lớn" nên Yahoo quyết tập trung vào chủ đề chính, rút ra những điểm thú vị nhất của bộ phim. Life of Pi sẽ không chỉ là một câu chuyện về một cậu bé, một cái thuyền, một con hổ mà còn là một câu chuyện của hy vọng, của khám phá.
 
Yahoo, Fox và Vizeum thống nhất với nhau là sẽ đi xa hơn những đề tài cơ bản, đưa chủ đề tinh thần của bộ phim đến với cuộc sống đời thực.
 
Một ý tưởng độc nhất vô nhị nảy ra: tập hợp và lồng ghép những lời kể, hình ảnh trong câu chuyện đường đời có thực của chính cá nhân khán giả để tạo sự kết nối và quảng cáo cho Life of Pi.
 
Thực hiện
 
 
Do thế mạnh của phim là chất lượng hình ảnh cao nên Yahoo, Fox và các đối tác cũng sẽ phải sử dụng thật nhiều ảnh của người dùng. Ba công ty bắt tay tạo ra ứng dụng "thông điệp trong vỏ chai" để người dùng có thể đưa những hình ảnh tiêu biểu cho câu chuyện đường đời của mình lên. Nhờ đó, khán giả trên toàn thế giới có thể chia sẻ với nhau những thông điệp ngập tràn cảm hứng một cách sinh động và trực quan.
 
Yahoo tận dụng luôn hệ thống Contributor Network để tạo ra đất viết cho các blogger và cây viết tự do, thu thập các hình ảnh, câu chuyện đặc sắc để đưa vào sử dụng. Những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, niềm hy vọng, sự trưởng thành được san sẻ trên khắp bốn châu lục, kết nối cảm xúc hàng triệu người vào với bộ phim.
 
Chiến dịch kích thích khán giả suy nghĩ về cuộc hành trình cảm xúc của mình, khuyến khích họ tham gia và gửi đi những trải nghiệm đáng nhớ cả bằng bài viết lẫn hình ảnh.
 
Để giúp bộ phim được biết đến nhiều hơn, công ty còn quảng bá bộ phim qua các tính năng nhắm đến hành vi người sử dụng trên Yahoo.
 
Trong khi các bộ phim khác thường tạo sự nổi bật theo kiểu cổ điển như video, quảng cáo gây sốc thì Life of Pi lại là bộ phim đầu tiên sử dụng chiêu "hành trình cảm xúc cá nhân" để quảng bá, quả là độc nhất vô nhị!
 
Kết quả: Từ "không thể tiêu thụ" tới "bốn giải Oscar"
 
 
Cuối cùng Fox, Vizeum và Yahoo cũng đã đưa được Life of Pi đến với khán giả, tạo ra một mối liên kết cảm xúc chặt chẽ với khán giả bằng nội dung thực sự cảm động.
 
Yahoo được chọn làm đối tác kỹ thuật số chính cho bộ phim, chiến dịch lan tỏa khắp Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Úc.
 
Có 103.867.477 khán giả tham gia chiến dịch, 244.684 hình ảnh được tải lên.
 
Bộ phim về cậu bé trên chiếc thuyền với một con hổ thu về 608.901.486 USD, nhận đề cử cho 11 giải Oscar và giành được bốn giải.
 
 
Thùy An
 
Theo Trí Thức Trẻ/CreamGlobal
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928