Lei Jun: Steve Jobs thứ hai?

Người ta gọi Lei Jun là Steve Jobs của Trung Quốc. Mới thoạt nhìn, dường như đó là những lời mô tả phù hợp dành cho người đàn ông đứng đằng sau hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi – công ty mới thành lập có giá trị nhất thế giới.

Lei Jun: Steve Jobs thứ hai?

Nói giống Steve Jobs là có lý do. Mỗi năm, Lei đều mặc quần jean, mang giày thể thao và mặc áo sơ mi không cài khuy (khuy áo trên cùng), đứng trước một đám đông đang reo hò để trình làng sản phẩm mới ra lò của công ty do ông sáng lập cách đây 5 năm.

Trên sân khấu, Lei “bóc” từng chi tiết một của sản phẩm. Và chỉ khi đám đông tụ tập nghĩ rằng màn trình diễn của ông đã kết thúc thì cụm từ “One more thing” (tạm dịch: còn một điều nữa) màu trắng lại nổi lên trên phông nền màu đen. Jobs đã từng dùng cụm từ và thủ thuật như thế để tạo sự phấn khích và ngạc nhiên cho đám đông.

Lei cũng là người có niềm đam mê công nghệ máy tính giống như Jobs. Tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, một trong những trường đại học đầu tiên tại Trung Quốc có trường dạy về kỹ thuật máy tính, Lei cả đời đã sống và thở bằng công nghệ.

Sự nghiệp ban đầu của ông là ở công ty phần mềm Trung Quốc Kingsoft. Những năm tháng ở đây, ông có tiếng là người làm việc cần mẫn và sau 5 năm đã trở thành Tổng Giám đốc. Đó là quãng thời gian đầy sóng gió nhưng vào năm 2007, sau 4 lần không thành, cuối cùng Công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Nhưng đúng lúc đó, Lei lại nghỉ việc, với lý do “cảm thấy quá mệt mỏi”.

Những năm sau đó, ông nhảy vào nhiều thương vụ đầu tư, chẳng hạn như ở UCWeb (được Alibaba mua lại vào năm ngoái). Nhưng chỉ đến Xiaomi, ông mới thực sự tỏa sáng trên bầu trời công nghệ Trung Quốc.

Một trong những nhà đầu tư đầu tiên mà Lei tham khảo ý kiến khi tính đến việc nhảy vào lĩnh vực điện thoại di động là Richard Liu, Giám đốc Điều hành hãng đầu tư mạo hiểm Morningside Group. “Anh đã rất thành công rồi. Có cần phải nhảy vào thương trường nữa hay không chứ?”, Liu trả lời khi biết ý định của Lei.

Lei nói rằng ông muốn và để làm điều này, ông đã chiêu mộ một nhóm nhân tài. Trong số những người về với Lei lúc ban đầu là Lin Bin, từng phụ trách hoạt động của Google tại Trung Quốc.

Sau nhiều đêm suy tính, Lei và các đồng sự đã thành lập Xiaomi. Lúc đó, Trung Quốc đã có hàng chục nhà sản xuất điện thoại di động. Nhưng công ty mà Lei thành lập rất khác biệt: Xiaomi sẽ không bỏ ra đồng nào vào hoạt động quảng cáo mà sẽ bán trực tiếp để không phải chia phần trăm hoa hồng cho các nhà bán lẻ. Xiaomi cũng sẽ dựa vào những người tiêu dùng trung thành để quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Công ty mới thành lập này đã bắt đầu giành được chỗ đứng vào năm 2010 khi nó tung ra một phiên bản của hệ điều hành Android mà chỉ với vài chỉnh sửa nhỏ đã có thể sử dụng để thay cho phần mềm đang chạy trên điện thoại của các hãng sản xuất khác. Đó là một cách rất khéo léo để có được một lực lượng người hâm mộ trước khi bắt tay vào công đoạn thiết kế điện thoại vốn dĩ rất tốn kém.

Khi các thiết bị cuối cùng ra mắt vào năm 2011, chúng đã nhanh chóng lấy được lòng của người tiêu dùng Trung Quốc. Bằng cách tung ra các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, kiểu dáng thanh lịch nhưng với giá thấp, Xiaomi đã qua mặt các đối thủ lớn trở thành thương hiệu điện thoại thông minh được ưa chuộng nhất Trung Quốc.

Các mẫu điện thoại của Xiaomi dù được bán với giá rẻ hơn hàng trăm USD so với các mẫu mới nhất của Apple và Samsung, nhưng trên các con đường ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, chúng lại là những món hàng lên cơn sốt.

Trong một đất nước mà hàng ngoại thường được xem là tinh vi hơn và có chất lượng tốt hơn hàng sản xuất trong nước, Xiaomi có lẽ là thương hiệu công nghệ nội địa đầu tiên được nhiều người Trung Quốc muốn có cho bằng được.

“Lei Jun đã làm được điều đó ở mức độ rất sâu. Ông là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng người tiêu dùng Trung Quốc cần có một thương hiệu mà họ có thể đặt niềm tin vào”, Phillip Lisio, chuyên gia tư vấn ở Thượng Hải, nhận xét.

Điều này là lý do Lei, 45 tuổi, được nhiều người đem ra so sánh với Steve Jobs, người đứng đằng sau sự thành công của thương hiệu Apple. Thế nhưng, Lei có vẻ không thích thú gì với việc này. Năm ngoái, trong một lần trả lời phỏng vấn CNN, ông cho biết rất mệt mỏi với việc bị so sánh với Jobs.

Một số khác thì lại buông lời khen châm chọc, ám chỉ rằng thành công của Xiaomi không phải là tác phẩm của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa mà chỉ là của một kẻ bắt chước tinh vi. Khi được hỏi vào năm ngoái rằng liệu có cảm thấy mát lòng khi Xiaomi và các đối thủ châu Á khác có vẻ như bắt chước sản phẩm của Apple, Jony Ive, đứng đầu mảng thiết kế của Apple và là một thân tín của Jobs, đã trả lời rằng: “Tôi nghĩ đó là sự ăn cắp và cho thấy sự lười biếng”. (Xiaomi đã kịch liệt phủ nhận, bảo rằng sản phẩm như Mi phone và Mi pad không phải là sự sao chép sản phẩm của các công ty khác như iPhone và iPad của Apple).

Dù ai khen hay chê, nhưng không chối bỏ sự thật rằng một số nhà đầu tư lớn trên thế giới, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, All-Stars Investment, DST Global, đã đánh giá rất cao Lei và mới đây đã bơm vào Xiaomi 1,1 tỉ USD. Thương vụ này định giá Xiaomi ở mức 45 tỉ USD, hơn bất kỳ công ty công nghệ mới thành lập nào trên thế giới, đồng thời cũng làm phình to thêm tài sản cá nhân của vị CEO này (theo tính toán của Forbes vào năm ngoái, giá trị tài sản ròng của Lei đã lên tới 9,1 tỉ USD).

Vốn huy động được sẽ giúp cho Lei tiếp tục theo đuổi giấc mơ bành trướng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc (Xiaomi đang bán điện thoại ở Ấn Độ) và ra khỏi lĩnh vực điện thoại thông minh. Một chiếc máy tính bảng của Xiaomi đã ra mắt thị trường hồi tháng 5 năm ngoái và Công ty cũng nhắm đến các sản phẩm khác từ tivi, máy lọc khí, cho đến điện toán đám mây.

Giấc mơ bành trướng của Lei có vẻ đang đi đúng kế hoạch. Tháng 12 vừa qua, Manu Kumar Jain, đứng đầu thị trường Ấn Độ của Xiaomi, cho biết Công ty đã bán được 1 triệu chiếc điện thoại tại nước này chỉ trong 5 tháng. Còn Phó Chủ tịch bộ phận quốc tế của Xiaomi, ông Hugo Barra thì nói Ấn Độ giờ là thị trường lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc và cũng là tăng trưởng nhanh nhất.

Các chỉ số tài chính của Xiaomi cũng khá lạc quan. Đầu tháng 1.2015, Lei cho biết Xiaomi đã đạt 11,97 tỉ USD doanh số bán trước thuế vào năm 2014, tăng 135% so với năm trước đó. Xiaomi cũng bán tổng cộng hơn 61 triệu chiếc điện thoại, tăng 227% so với năm 2013. Các con số này cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh của Xiaomi, vốn đã vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới và đang thách thức Apple và Samsung. Dù vậy, Lei không cho biết các con số liên quan đến lợi nhuận năm 2014, nhưng biên lợi nhuận dự kiến sẽ rất mỏng.

Năm 2013, Xiaomi chỉ đạt lợi nhuận 56 triệu USD trên doanh thu 4,3 tỉ USD. Đây cũng là một sức ép lớn của Lei: phải thỏa mãn kỳ vọng lợi nhuận của những nhà đầu tư đã rót vốn vào Xiaomi.

NCĐT

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928