Hơn 10 năm trước, Jeff Bezos từng nhắn nhủ cựu CEO Twitter rằng không cần học theo sách quản trị để thành công.
Gần đây, cựu CEO Twitter Dick Costolo kể lại lời khuyên của Jeff Bezos dành cho ông hơn 10 năm trước.
Đó là vào năm 2010, ngay sau khi Costolo trở thành Giám đốc điều hành của Twitter. Nhóm của ông ngồi xuống lập chiến lược với nhà đầu tư tỷ phú Jeff Bezos, người đã mua cổ phần của mạng xã hội này hai năm trước đó. Trong cuộc họp, Bezos nói với Costolo rằng đừng vận hành Twitter theo cách người trước đó đã dẫn dắt công ty.
“Ông ấy nhìn quanh bàn và nói: ‘Điều mọi người cần nhớ là có nhiều cách để thành công. Cố gắng theo một quyển sách quản trị hoặc tiểu sử nhân vật nào đó rồi học theo cách điều hành như vậy chỉ khiến bạn và những người xung quanh khổ sở'”, Costolo kể lại chia sẻ của nhà sáng lập Amazon.
Jeff Bezos tại một sự kiện ở Washington ngày 5/9/2019. Ảnh: Reuters
Lời khuyên của Bezos không nhằm chê bai người tiền nhiệm của Costolo, CEO Evan Williams, mà ông muốn Costolo hãy dẫn dắt nền tảng truyền thông xã hội này theo các điều kiện của riêng mình.
Costolo cho biết Bezos giải thích cách tiếp cận kinh doanh của ông khác với Steve Jobs của Apple, người thích chọn lọc các dự án muốn tham gia. Ngược lại, Bezos cho biết ông “thích làm mọi thứ” và đội ngũ của ông phải thường xuyên trình bày hết các ý tưởng.
Dick Costolo nói muốn chuyển câu chuyện này như một lời khuyên đến Giám đốc điều hành mới của Tưitter Parag Agrawal, người đã tiếp quản quyền lực từ người sáng lập Jack Dorsey vào tháng 11/2021. Costolo cho biết nếu Agrawal làm theo lời khuyên của Bezos là “hãy là chính mình” và làm mọi việc theo cách riêng của anh ấy thì “anh ấy sẽ hoàn toàn ổn”.
Lời khuyên của Bezos dựa trên kinh nghiệm của chính ông ấy. Ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách làm mọi thứ theo cách riêng. Ông bỏ công việc ngân hàng đầu tư vào năm 1994 để thành lập cửa hàng sách trực tuyến Amazon. Giờ đây, giá trị thị trường của gã khổng lồ thương mại điện tử này đang dao động ở mức 1.490 tỷ USD.
Người sáng lập Amazon duy trì thành công của mình bằng cách chấp nhận rủi ro trong các dự án kinh doanh mới – như tung ra Amazon Prime, tạo Kindle và mua Whole Foods. “Nếu bạn nảy ra một ý tưởng kinh doanh mà không có rủi ro thì có lẽ nó đã được triển khai tốt rồi”, Bezos từng chia sẻ năm 2019.
Vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp nên chấp nhận thử nghiệm nhiều thứ, mà một số trường hợp sẽ thất bại. Bản thân Amazon cũng vậy. Vào năm 2014, Amazon đã phải chịu mất 170 triệu USD cho những chiếc Fire Phone không bán được.
Công ty cũng đã đóng cửa 87 cửa hàng pop-up và đóng cửa dịch vụ giao hàng cho nhà hàng vào năm 2019. Gần đây hơn, Amazon đã bị bang New York kiện vào tháng 2/2021 vì “coi thường các yêu cầu về sức khỏe và an toàn” trong một số kho hàng của họ trong đại dịch.
Nhưng đối với Bezos, rủi ro là cái giá phải trả của sự thành công. “Chúng ta cần những thất bại lớn nếu chúng ta định tìm một sự thay đổi rõ rệt có quy mô hàng tỷ USD. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng lấy đà đủ mạnh”, vị tỷ phú nói năm 2019.
Phiên An (theo CNBC)
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!