Nhờ vị trí đầu mối giao thông kết nối TP HCM với miền Tây, Long An hiện có hệ thống cảng quy mô lớn, định hướng trở thành trung tâm logistics của vùng.
Trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Long An xem logistics là ngành kinh tế quan trọng. Mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia.
Địa phương cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế để thực hiện mục tiêu trên. Đầu tiên là hạ tầng giao thông liên tục được đầu tư mở rộng. Nhiều dự án trọng điểm, mang tính liên kết vùng trên địa bàn đã và đang triển khai như đường Vành đai TP Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT830E, đường Vành đai 3 TP HCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành… Trong đó, ĐT830 là tuyến đường kết nối 4 huyện công nghiệp trọng điểm là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc với Cảng quốc tế Long An.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Long An, thời gian tới, địa phương này sẽ mở rộng thêm hơn 50 và xây mới 29 tuyến ĐT. Trong số này có nhiều trục đường giữ vai trò động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực trung chuyển hàng hóa, kết nối những khu vực kinh tế trọng điểm. Điển hình là đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, đường Tân Tập – Long Hậu…
Trong số này, Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh là trục nối từ cửa khẩu đến TP HCM. Khi hoàn thiện, đường sẽ đón nhận lượng hàng hóa lớn. Dọc hai bên đường, tỉnh Long An đã quy hoạch nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn.
Với đường thủy, Long An có hai con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, kết nối các địa phương Đông – Tây Nam Bộ ra biển. Đặc biệt, tỉnh có Cảng Quốc tế Long An, đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, dịch vụ để phục vụ xuất nhập khẩu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Một góc Cảng Quốc tế Long An. Ảnh: Dongtam Group
Cảng Quốc tế Long An rộng 147 ha, nằm trong cụm dự án công nghiệp, dịch vụ, đô thị gần 2.000 ha tại Cần Giộc. Khu vực này hiện có 7 cầu cảng, một triệu m2 kho bãi lưu trữ hàng hóa. Cảng với vị trí cửa ngõ, trở thành mắt xích quan trọng để hoàn thiện chuỗi logistics khu vực. Đây là nơi hàng hóa Đồng bằng sông Cửu Long tập kết và đi đến các nơi trên thế giới.
Cảng Quốc tế Long An góp phần giảm tải áp lực cho các cụm cảng tại TP HCM, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận tải thông qua kết nối thuận lợi, cùng nhiều chính sách ưu đãi.
Trong định hướng về logistics, Long An dự kiến còn quy hoạch hai cảng cạn tại Bến Lức và Thủ Thừa cùng với đó là 10 trung tâm logistics tại nhiều huyện.
Nhờ lợi thế về logistics, Long An trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn trong khu vực. Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 tích cực, ước đạt hơn 7,1 tỉ USD. Xuất khẩu ước đạt hơn 4,3 tỉ USD, tăng 14,33% so cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt gần 2,8 tỉ USD, tăng 15,88%. Tỉnh có trên 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng hóa đưa đến hơn 130 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới.
Hạ tầng logistics đồng bộ cũng tạo sức hút, giúp đón vốn FDI. Từ đầu năm, địa phương cấp mới 65 dự án FDI, vốn hơn 347 triệu USD. Lũy kế, tỉnh có hơn 1.300 dự án FDI với tổng mức đầu tư hơn 11,3 tỷ USD. Về đầu tư trong nước, hơn 1.500 doanh nghiệp đăng ký mở mới từ đầu năm với tổng vốn hơn 13.700 tỉ đồng. Đến nay, Long An có tổng cộng 18.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký 385.140 tỉ đồng.
Về công nghiệp, tỉnh miền Tây có 36 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 9.693 ha. Trong đó, 26 đã đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch hơn 5.982 ha. 10 khu đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng.
Tỉ lệ lắp đầy là 68,08% và diện tích đất sạch sẵn sàng cho thuê gần 700 ha. Đơn giá cho thuê lại quyền sử dụng đất tại các khu công nghiệp dao động 150- 275 USD/m2, tùy vào vị trí.
Hoài Phương (Nguồn: vnexpress.net)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!