Aihui Ong, người Singapore, tốt nghiệp khoa học máy tính tại Đại học quốc gia Singapore và là một kỹ sư phần mềm tại tập đoàn NCS, được nhiều công ty Mỹ săn đón. Thời điểm đó, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn chưa được nhắc đến tại Singapore trong khi bong bóng dotcom khiến nhiều công ty nghệ sụp đổ vào năm 2001, hậu quả kéo dài đến nhiều năm sau đó.
Khi chuyển đến công ty công nghệ Stateside tại Mỹ, Aihui làm việc với các phần mềm tài chính cho những công ty quốc tế, bao gồm cả General Motors và Sony. Nhờ những kinh nghiệm mới, những nhận thức và đánh giá về thị trường phân phối thực phẩm, Aihui cảm thấy mình có sứ mệnh mới. “Đó là một cột mốc quan trọng trong đời tôi”, nữ kỹ sư nói.
Mở cửa cho thương hiệu nhỏ
Love With Food ra đời vào năm 2012, sau khi Aihui nhận ra tình trạng thị trường đang “đóng cửa” với những cơ sở thực phẩm nhỏ, mới ra mắt, chưa có tên tuổi trên thị trường. Hầu hết những cơ sở này thất bại với lý do không tìm được nhà phân phối.
“Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, người tiêu dùng luôn có thể mua thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị…” , Aihui nói với Tech in Asia, “vấn đề xảy ra là những nơi đó có không gian trưng bày rất hạn chế. Do đó rất nhiều sản phẩm mới sẽ bị từ chối bởi cửa hàng phải trưng bày cho các thương hiệu lớn”.
Startup của Aihui đóng vai trò như một dịch vụ ký gửi những hộp đựng thực phẩm tự nhiên, hữu cơ, và không chứa gluten. Tất cả đều là những thương hiệu thực phẩm nhỏ nhưng mong muốn được ra mắt khách hàng.
Quan trọng hơn, startup này thu thập dữ liệu về sở thích của người tiêu dùng, những phản hồi về từng sản phẩm cụ thể, cùng nhiều thông tin hữu ích khác. Sau đó, công ty sẽ bán lại những dữ liệu này cho các đối tác sản xuất và hưởng lợi từ những hiểu biết của mình.
Love With Food mang sản phẩm của các hãng thực phẩm nhỏ đến tận tay khách hàng
Đây là sứ mệnh quan trọng nhất của công ty ngay từ ngày thành lập. “Khởi đầu từ nền tảng kỹ sư tài chính, tôi biết dữ liệu quan trọng như thế nào. Rất nhiều công ty thực phẩm gọi chúng tôi để có thông tin người tiêu dùng hiểu biết thế nào về steroid – chất béo hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp”, nhà sáng lập kể.
Kiếm tiền từ dữ liệu đóng góp 10% doanh thu của Love With Food, khi công ty bắt đầu tính phí vào năm ngoái. Và Aihui hy vọng việc kinh doanh dữ liệu sẽ mang lại khoảng một nửa doanh thu trong năm 2016.
Cuối cùng, startup Love With Food đóng góp tác động xã hội khi góp thêm vào “ngân hàng thực phẩm” của nước Mỹ những món ăn giá trị, nhất là ngành thực phẩm trực tuyến. Và công ty đang trên đà mở rộng mô hình ra toàn cầu. Đồng thời, công ty trong quá trình phối hợp với mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn thế giới, vì thế, nó có thể cung cấp thực phẩm cho nhiều nước.
Cho đến nay, Love With Food đã gọi vốn được 4 triệu USD trong vòng tài trợ từ bên ngoài và đã mua 4 startup khác như dịch vụ bữa ăn không chứa gluten G-Free Foodie Box Club, nhà cung cấp thực phẩm Taste Guru. Doanh thu năm ngoái là 4,5 triệu USD và trong năm 2016, dự kiến tăng gấp đôi, khoảng 10 triệu USD. Tuy nhiên, nhà sáng lập không tiết lộ số khách hàng của công ty.
Công ty cũng có thể lôi kéo Netflix vào cuộc và mở rộng thị trường ra 25 quốc gia mới vì đã nhìn thấy nhu cầu của vùng đất mới này. Tại Mỹ, Love With Food có quy mô đủ để có thể đàm phán mức giá giao hàng tốt hơn. “Chúng tôi đủ lớn để có sức đàm phán mạnh mẽ hơn với những hãng vận tải Mỹ”, nữ CEO Food With Love tự tin cho biết.
Tự tin, dù một mình hay một đội
Love With Food ra đời như một dự án độc lập. Khi Aihui hình thành ý tưởng cơ bản, cô tự học Ruby on Rails (Framework phát triển ứng dụng cho web) nhằm thiết lập các dịch vụ trên web. Sau đó, Ong Aihui thành lập công ty, xây dựng trang web, tiếp cận các nhà sản xuất thực phẩm và tự mình xây dựng một fanpage Facebook với 70.000 thành viên. Khối lượng công việc đó được hoàn thành trong sự làm việc hăng say, cả ngày lẫn đêm của nhà sáng lập.
Khi tìm đến quỹ 500 Startups, Ong Aihui nhận được câu hòi rằng bà sẽ quản lý công ty một mình như thế nào. Nữ doanh nhân trẻ đáp: “Hãy tài trợ cho tôi, tôi sẽ dạy bạn biết cách phải làm như thế nào”.
Aihui trình bày dự án startup với quỹ 500 Startups
“Tôi đang ở thời điểm chuyển tiếp từ một founder trở thành CEO”, Ong Aihui nói. Là một người sáng lập, bạn được phép “quăng mình” vào những cuộc thử nghiệm để xem điều gì là hiệu quả. Là một CEO, bạn phải học cách ủy thác, quản lý, và hiểu rằng bạn chính là hình ảnh của công ty.
“Việc không được tự tay tạo nên những sản phẩm cốt lõi, phải chuyển giao nó cho người khác là một thử thách với tôi. Bởi tôi là một nhà sáng lập độc lập, và tôi thích kiểm soát”, bà cười về những khó khăn hiện tại. Vì vậy, để chắc chắn công ty đi đúng định hướng, Aihui cho biết bà sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên để cập nhật tình hình, lập mục tiêu quan trọng cần hướng đến trong từng tháng.
“Tôi đã từng làm mọi công việc mà mỗi nhân viên đang làm, vì thế tôi có thể đồng cảm với những khó khăn mà họ phải trải qua. Nhưng cũng vì thế mà không có ai có thể nói dối tôi được”, Aihui tự tin.
Phát triển không bằng cạnh tranh
Tại thị trường Mỹ và Singapore đã tồn tại dịch vụ cung cấp những hộp thực phẩm theo “thuê bao”. Đó là Nature Box ở Mỹ, họ email cho khách hàng hằng tuần về những bữa ăn nhẹ lành mạnh. Tại đảo quốc sư tử, mô hình tương tự có tên là BoxGreen.
Tuy nhiên, Aihui không nghĩ rằng Love With Food cạnh tranh với những công ty đó. “Họ có những sản phẩm mang thương hiệu riêng khi xây dựng những nhãn hiệu thức ăn độc quyền. Trong khi đó, chúng tôi đang xây dựng một nền tảng khám phá thị trường”, bà giải thích.
“Đối với tôi, chìa khóa chính là để xây dựng nền tảng khám phá mới cho khách hàng, đó là trở thành kênh lớn bán hàng lớn nhất của các công ty thực phẩm, và hướng trực tiếp tới người tiêu dùng”, nữ doanh nhân chia sẻ về mô hình hoạt động của Love With Food.