Vụ kiện với hãng Macy khiến Martha Stewart gặp thêm nhiều rắc rối mới.
Có lẽ, danh tiếng một thời đã khiến Martha Stewart ngủ quên, và không cẩn thận khiến bản thân rơi vào những cạm bẫy thị phi chẳng đáng có. Bà để cuộc sống riêng tràn ngập tai mắt giới truyền thông vốn thích bới lông tìm vết, đặt sự nghiệp gây dựng bấy lâu trở nên mong manh trước nguy cơ bị vùi dập. Không rõ bà có ý thức rõ điều đó hay không nhưng bà vẫn đang tỏ ra vui tươi và coi chuyện rủi ro chỉ đơn giản là "một phần của cuộc sống".
Danh tiếng luôn đi kèm thị phi
Mới đây, Martha Stewart tiếp tục vướng vào nghi án "nuốt chửng" hợp đồng mua bán, nhằm quỵt nợ hãng bán lẻ Macy. Song tuần trước, bà đã đưa ra lời khai phủ nhận toàn bộ những chứng cứ về vụ này, chống lại quyết định bồi thường thiệt hại nhiều triệu USD tại phiên tòa.
Vào thời điểm hiện tại, Tập đoàn Martha Stewart Living Omnimedia Inc. của Martha đang phải đối mặt với cảnh nợ nần nghiêm trọng, trước nguy cơ phá sản khi giá cổ phiếu liên tục giảm. Kể từ ngày tập đoàn bắt đầu trao đổi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phố Wall, nhiều chuyên gia phân tích kinh tế và những nhà đầu tư lớn đã lo ngại về hiểm họa xây dựng cơ đồ của cả một đại công ty dựa phần lớn vào một nhân vật nổi tiếng, nhà sáng lập, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành. Tập đoàn này là công ty mẹ của các công ty chi nhánh khác liên quan đến các tạp chí, thương vụ bán sản phẩm mang nhãn hiệu Martha, quảng cáo trên mạng điện toán và các chương trình truyền hình chiếu toàn quốc, với lợi nhuận hàng năm lên đến 763 triệu USD.
Nếu thua trong vụ kiện với hãng bán lẻ Macy, rất có thể Martha sẽ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh tại các công ty thành viên. Tòa án tối cao tại New York đã có đủ bằng chứng để buộc tội Martha liên kết với một tập đoàn đối tác khác là JCPenny vi phạm nghiêm trọng một thỏa thuận độc quyền bán hàng của Macy. Theo đó, Martha đã tạo điều kiện cho JCPenney được góp cổ phần tại Martha Stewart Living Omnimedia Inc., thậm chí JCPenny bỗng nhiên có quyền mở các gian hàng bán lẻ hàng hóa cho Martha – vốn trước đây hoàn toàn chịu sự chi phối độc quyền từ Macy.
Một phiên tòa đã diễn ra ít ngày trước đó nhằm ngăn chặn việc JCPenney tiến hành xây dựng các kế hoạch sao chép một số mặt hàng phía Martha cung cấp cho Macy như giường, bồn tắm hay dụng cụ nhà bếp. Hãng bán lẻ Macy tuyên bố thỏa thuận với công ty của Martha là hoàn toàn độc quyền, chỉ diễn ra giữa hai bên và vẫn chưa hết hạn vào thời điểm JCPenney ký hợp đồng kinh doanh với Martha.
Khi tên tuổi Martha càng trở nên thân thuộc với dư luận bao nhiêu thì những tai tiếng trong kinh doanh cũng tự động xuất hiện với mức độ dày đặc. Năm 2003, Martha Stewart bị cáo buộc tội lạm dụng thông tin bí mật nội bộ để bán tháo cổ phiếu chứng khoán Công ty Nghiên cứu dược phẩm Imclone trước khi cổ phiếu này mất giá. Imclone là công ty nộp đơn xin Cơ quan Kiểm soát Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận kết quả cuộc nghiên cứu về công hiệu một loại thuốc chữa bệnh ung thư. Nếu được FDA chứng nhận, cổ phiếu chứng khoán của công ty sẽ lên rất cao. Còn ngược lại, khi bị từ chối, những cổ phiếu này sẽ trở thành vô giá trị.
Tòa án và Ủy ban Chứng khoán liên bang vào cuộc điều tra, kết luận Martha Stewart đã thiếu trung thực trong khai báo với FBI và các công tố viên. Theo đó, bắt đầu từ tháng 10/2004, bà trải qua 5 tháng tù ở trại giam Alderson, West Virginia và bị phạt 30.000 USD. Martha Stewart cũng không ngờ rằng thuốc trừ ung thư của Imclone lại bắt đầu được tín nhiệm tại châu Âu và được thử nghiệm ở Mỹ, có thể sẽ sinh lợi giúp cho các cổ phần của Imclone hồi phục. Rõ ràng, bà đã phải trả giá bằng những ngày tháng lao động công ích cho mối lo sợ về một khoản lỗ 50.000 USD chẳng thấm vào đâu so với khối tài sản kếch xù của tập đoàn.
Tin đồn về đời tư lắm "phi công" khiến hình ảnh doanh nhân của Martha bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Martha Stewart công khai từ chối mối liên hệ thân mật với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Imclone, Samuel D. Waksal – người từng có thời gian qua lại với con gái của bà. Hình ảnh kém đạo đức của "nữ doanh nhân lý tưởng" Martha Stewart đã gây bất lợi không nhỏ cho cổ phiếu tập đoàn. Kể từ khi có nghi vấn Stewart vi phạm luật đầu tư, bán tháo cổ phiếu Imclone nhờ bí mật nội bộ, cổ phiếu Martha Stewart Living Omnimedia Inc. đã sụt giảm gần 30% giá trị.
Các đài truyền hình tính chuyện hủy bỏ các chương trình của Martha khiến tổng doanh thu của các hợp đồng quảng cáo bị sụt giảm nghiêm trọng vì hai lĩnh vực kinh doanh trên truyền hình và tạp chí chiếm 60% trong tổng doanh thu của tập đoàn (khoảng 320 triệu USD). Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Tập đoàn Martha Stewart Living Omnimedia Inc. sẽ khó tồn tại khi mất đi người sáng lập nổi tiếng.
Đường đến đỉnh cao sự nghiệp
Martha Stewart xuất hiện trong hình ảnh của một người phụ nữ với lối sống thanh lịch, quý phái trên màn ảnh truyền hình, trong những cuốn sách cũng như tạp chí do bà điều hành và xuất bản, khiến nhiều người nghĩ rằng bà xuất thân từ lớp người giàu có và sang trọng. Trên thực tế, Martha Stewart sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ thuộc vùng ngoại ô của Jersey City, tiểu bang New Jersey.
Tuổi thơ của bà phải trải qua những tháng ngày nghèo khổ ở căn hộ chật chội, tồi tàn và vô cùng thiếu thốn. Dù cuộc sống khốn khó, Martha luôn nỗ lực quyết chí học hành và đã tốt nghiệp cử nhân khoa Lịch sử và lịch sử kiến trúc tại Trường cao đẳng Barnard.
Martha Stewart được cảnh sát đưa về trại cải tạo sau vụ kiện gian lận mua bán cổ phiếu.
Năm 1967, Martha Stewart bắt đầu sự nghiệp đầu tư chứng khoán, một công việc mà ông bố chồng bà đang làm và bà đã rất thành công trong công việc này. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế tấn công phố Wall vào năm 1973, Martha buộc phải giã từ ngành mua bán cổ phần và cùng gia đình chuyển về thành phố Westport, tiểu bang Connecticut. Tại đây, bà quyết định dành thời gian và chú tâm vào lĩnh vực ẩm thực.
Năm 1976, Martha Stewart bắt đầu kinh doanh thực phẩm tại nhà riêng. Khách hàng của bà phần lớn thuộc giới thượng lưu hoặc những công ty thương mại giàu có. Bên cạnh đó, Martha còn mở thêm một tiệm bán những đồ ăn đặc biệt và vật dụng giải trí, đem về nguồn thu nhập tới trên 1 triệu USD hàng quý trong vòng 10 năm liên tiếp.
Với một thời khóa biểu bận rộn nhưng Martha vẫn viết bài cho tờ New York Times và giữ chức chủ bút, cũng như là bình luận viên của tạp chí House Beautiful. Trong thập niên 80, Martha Stewart là chủ bút của tờ nguyệt san Family Circle, trước khi xuất bản tờ Martha Stewart Living do bà làm chủ với số lượng xuất bản lên đến 2 triệu ấn bản. Tiếp theo đó, bà còn sản xuất phim, CD âm nhạc, và một số chương trình truyền hình. Những hoạt động về thương mại pha lẫn nghệ thuật đã đưa tên tuổi của Martha trở thành "nữ hoàng kinh doanh kiểu mẫu" ở Mỹ.
Buồn thay, bên cạnh những thành công trong sự nghiệp, cuộc hôn nhân với người chồng Andrew Stewart không mấy suôn sẻ và đi đến tan vỡ năm 1990. Những khác biệt trong cuộc sống khiến vợ chồng bà không thể hòa hợp, và cũng vì Martha quá bận rộn nên không có thời gian dành riêng cho gia đình nên hai người quyết định chia tay. Sau khi ly dị, ông Andrew Stewart cưới cô thư ký từng làm việc cho Martha, và đó trở thành kỷ niệm đau đớn nhất khiến Martha lựa chọn cuộc sống cô độc trong suốt một thời gian dài sau đó.
Tuy nhiên, thất bại trong hôn nhân khiến Martha bất ngờ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, Martha may mắn tìm được môi trường để giới thiệu những sản phẩm làm đẹp nhà cửa trên chương trình truyền hình của riêng bà. Nhờ khả năng đàm phán cũng như sau những thành công liên tiếp, Martha Stewart ký được nhiều hợp đồng lớn mang về lợi nhuận đáng kể cho tập đoàn.
Những quyển tạp chí về đời sống nói chung (Martha Stewart Living) hay liên quan đến tuổi vị thành niên (Martha Stewart Kids) và các em bé (Martha Stewart Baby) là những "con gà đẻ trứng vàng" của Martha. Tổng doanh thu từ quảng cáo và kinh doanh từ việc bán hàng trên Internet cũng mang lại hàng trăm triệu USD cho người phụ nữ này. Khó ai có thể phủ định những thành công lớn liên tiếp của Tập đoàn Martha Stewart Living Omnimedia Inc. là nhờ vào cá tính và sự nổi tiếng của người sáng lập Martha Stewart.
Sau cơn mưa trời lại nắng
Nếm trải đủ cay đắng đã trở thành động lực đưa Martha Stewart sống sót qua những vụ kiện "trời ơi đất hỡi" trước những đối thủ muốn lật đổ đế chế của bà. Ẩn sâu bên trong Martha là một cá tính cẩn trọng, sẵn sàng bùng nổ và không ngừng tiến lên để hoàn thiện bản thân. Martha luôn tạo ra các sản phẩm mới, tận dụng mọi cơ hội cách tân mọi chính sách cũng như tận dụng tài năng cùng trí tuệ một cách khôn khéo. Bà đã trở thành con người đầy quyền lực và được coi là người có tiếng nói trên mọi phương tiện truyền thông. Cái tên Martha Stewart trong mắt giới chuyên gia và người hâm mộ tài năng kinh doanh của bà là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ "hoàn hảo", hay ít ra cũng gần chạm tới giá trị "hoàn hảo".
Trong nhiều năm qua, Martha Stewart đã chứng tỏ sự nhẫn nại và giữ tinh thần hài hước trước những lời phê bình và mỉa mai không tránh khỏi từ dư luận dành cho một gương mặt nổi tiếng của giới truyền thông. Người phụ nữ này từng vô vọng khi cố chứng minh mình vô tội tại phiên tòa liên bang khi bị cáo buộc tham nhũng từ phía một số công ty đối tác.
Martha lỡ bước, trở thành nạn nhân của công lý và phải ngậm ngùi thi hành án cải tạo đầu tiên trong cuộc đời. Người nổi tiếng vào tù làm trò cười cho những phạm nhân khác, cũng bị đối xử tệ bạc hơn rất nhiều dù có lót bao nhiêu "tiền bôi trơn". Điều kỳ lạ ở chỗ Martha Stewart lại kết thân rất nhanh với các bạn tù chung phòng, và trở thành "cái loa" nói lên nhu cầu, lợi ích chính đáng của họ với chính quyền.
Bất chấp cuộc tranh luận về pháp lý trong suốt 5 năm, sau khi bị kết tội kinh doanh bất hợp pháp do có "tay trong", bà đã chứng minh bằng một tiểu sử thành công về sự trở lại mạnh mẽ trên thương trường. Sau khi ra tù, Martha chỉ mất một thời gian ngắn đề giành lại vị trí trên thị trường truyền thông, với hai chương trình truyền hình: The Apprentice, chuyên về khởi nghiệp kinh doanh, và Martha Stewart, chuyên về ẩm thực và trang trí nội thất.
Một tầm nhìn phóng khoáng, kiên quyết và trách nhiệm đã giúp Martha hóa dữ thành lành. Cái tên rõ ràng đã làm nên thương hiệu, nhưng dư luận nhìn thấy ở Martha Stewart khả năng cảm nhận những biến đổi thị trường tinh tế, cùng sự chuyên nghiệp trong tận dụng hiểu biết sâu rộng. Đỉnh cao chưa bao giờ làm thỏa mãn người phụ nữ với khao khát chinh phục thế giới, và chắc hẳn bà cũng biết tự kiềm chế không làm rối tung mọi thứ đã thành quy luật bấy lâu để thu hút sự chú ý từ dư luận.
Martha Stewart đã rũ bỏ những nghịch cảnh dù là ngẫu nhiên hay do chính bản thân bà tạo nên vì bất cẩn trong suy nghĩ. Người phụ nữ này vốn dĩ phải đối mặt với những bất ổn kể từ sau khi thắng lớn trong kinh doanh, nhưng trong con mắt của bạn bè lại thực sự là một người "biết cách sinh tồn để sống sót qua hoạn nạn". Martha Stewart có nghị lực, dám vươn lên thách thức và biết cách tận dụng may mắn, tạo nên một cơ nghiệp vững chắc của vị thế một nữ tỉ phú từng một thời là thần tượng của giới đầu tư chứng khoán phố Wall…
Theo Trần Quân – Thùy Dương
Công an Nhân dân