Những công trình nghiên cứu của Friedman đã tạo nên 1 cuộc cách mạng trong cách thức thực thi chính sách tiền tệ của các NHTW trên khắp thế giới.
Milton Friedman được trao huân chương John Bates Clark vào năm 1951, khi ông vừa tròn 40 tuổi. Được Hiệp hội kinh tế học Hoa Kỳ trao cho các nhà kinh tế học xuất sắc trẻ tuổi bởi những sự đóng góp quan trọng của họ cho lý thuyết kinh tế học đương đại, nhiều người coi giải thưởng này còn khó đạt được hơn cả giải Nobel kinh tế. Và trong trường hợp của Milton Friedman, một trong những điều chứng minh nhận định trên đúng là ông được trao huân chương trước cả khi đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp. Đến năm 1963, Friedman mới cùng với Anna Schwartz công bố công trình nghiên cứu gây chấn động “A Monetary History of the United States” (tạm dịch: Lịch sử tiền tệ nước Mỹ) và đưa ra khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.
Những công trình này đã tạo nên 1 cuộc cách mạng trong cách thức thực thi chính sách tiền tệ của các NHTW trên khắp thế giới. Nhưng đối với những người không thuộc giới kinh tế học, thành tựu lớn nhất của Friedman không phải là việc ông thách thức lý thuyết “quản lý cầu” của Keynes mà là những bài báo phản bác lại quan niệm Chính phủ phải can thiệp vào nền kinh tế. Đến tận khi Friedman qua đời ngày 16/11/2006, nhà kinh tế học lúc đó đã 94 tuổi vẫn miệt mài truyền bá những tư tưởng về thị trường tự do thông qua 1 bộ phim tài liệu chiếu trên truyền hình Mỹ.
Người đàn ông này còn lỗi lạc ở chỗ ông có nhiều ý tưởng nhìn rất “điên rồ” nếu đặt bên cạnh vị trí của ông, từ đổ lỗi chính sách của các NHTW đã gây nên cuộc Đại khủng hoảng cho đến ý tưởng về phiếu chọn trường* (school voucher) hay quân đội tình nguyện, nhưng đều được chấp nhận rộng rãi. Friedman cũng luôn nhận thức sâu sắc rằng thành công của mình là quá mong manh, rằng thị trường tự do có rất nhiều “kẻ thù”.
Khi Friedman qua đời năm 2006, di sản mà ông để lại là bộ học thuyết kinh tế gây nhiều tranh cãi và những “đơn thuốc” cho quá trình hoạch định chính công. Nhưng di sản ấy đã tiếp tục lớn mạnh hay bị co hẹp?
Về mặt chính sách tiền tệ, không thể phủ nhận Friedman vẫn là một “cây đa cây đề”. Ông phê phán lãnh đạo các NHTW đã không còn trực tiếp nhắm đến nguồn cung tiền, trong khi bất kỳ ai vẫn còn nhớ thời kỳ siêu lạm phát những năm 1970 đều biết rằng có 1 điều quan trọng hơn là nỗ lực đẩy lùi thất nghiệp không còn gây ra vòng xoáy lạm phát nữa. Ở các nước phát triển, các chính trị có thể phát ngôn như những người theo lý thuyết cung cầu của Keynes nhưng cách cư xử của họ lại giống với những người theo chủ nghĩa trọng tiền, tức chú trọng đến chính sách tiền tệ do NHTW thực thi hơn là chính sách tài khóa để đối phó với lạm phát và suy thoái.
Thế còn những ý tưởng khác thì sao? Đề xuất của ông là quân đội tình nguyện từng được cho là phi thực tế nhưng hiện quân đội Mỹ đã thực hiện chế độ tuyển quân tự nguyện. Đề xuất thay thế các chương trình chống đói nghèo bằng “thuế thu nhập âm” (tức phát tiền mặt cho người nghèo) đã trở thành hiện thực dưới dạng khấu trừ thuế thu nhập. Tương tự, school voucher đang có nhiều tiến triển dù chậm chạp và ý tưởng sinh viên nên được quyền lựa chọn trường công đã giúp cho hệ thống giáo dục Mỹ cạnh tranh hơn.
Ý tưởng của Friedman còn được triển khai ở bên ngoài nước Mỹ. Ông đã có 1 thời gian ngắn làm cố vấn cho cựu Tổng thống Chile Pinochet. 30 năm sau, chế độ Pinochet đã bị lật đổ nhưng chính những cải cách hướng về thị trường tự do được thực hiện dưới thời Pinochet đã biến Chile thành ngôi sao kinh tế của khu vực Mỹ Latinh. Trong khi đó World Bank và IMF vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nước ổn định hệ thống và thực hiện cải cách thị trường. Ở châu Âu người ta nói nhiều đến việc các Chính phủ nên cung cấp an sinh xã hội thông qua chính sách thuế và phân phối tiền mặt thay vì kiểm soát thị trường quá chặt chẽ.
Cho đến tận ngày nay, tức hơn 1 thập kỷ sau khi Friedman qua đời, các nước vẫn duy trì nhiều luật lệ. Nhiều ý tưởng ông đưa ra chưa được thực hiện. Nhưng không thể phủ nhận rằng huyền thoại do ông tạo nên sẽ trường tồn cùng năm tháng.
*School voucher theo đề xuất của Friedman là 1 chứng chỉ xác nhận Chính phủ cấp cho mỗi học sinh 1 số tiền nhất định, học sinh tự chọn trường và sử dụng số tiền đó để đóng học phí, từ đó các trường phải cạnh tranh để thu hút số tiền đó như cách các doanh nghiệp cạnh tranh để lôi kéo khách hàng.
Milton Friedman (31 tháng 7 năm 1912 – 16 tháng 11 năm 2006) là một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ. Là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự do , ông đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế học vĩ mô , kinh tế học vi mô , lịch sử kinh tế và thống kê . Năm 1976, Friedman nhận Giải Nobel Kinh tế vì những đóng góp vào lĩnh vực phân tích tiêu dùng , lịch sử và lý thuyết tiền tệ cũng như vì công lao của ông trong việc chứng minh tính phức tạp của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.
Friedman chính là người đã lập nên trường phái kinh tế học vĩ mô rất có ảnh hưởng – trường phái trọng tiền ( monetarism ). Tư tưởng chính trị của Friedman nhấn mạnh những ưu thế của thị trường và những bất lợi khi Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế đã định hình quan điểm của những người theo trường phái bảo thủ và tự do ở Mỹ. Quan điểm của ông về chính sách tiền tệ, thuế khóa, tư nhân hóa và giảm bớt sự can thiệp của chính phủ đã có tác động to lớn tới chính sách của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt thời kỳ chính quyền Ronald Reagan ở Mỹ và Margaret Thatcher ở Anh.
Theo Thu Hương
Trí Thức Trẻ/Economist
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!