Kinh tế Việt Nam hiện vẫn khó khăn trên diện rộng, trong đó xuất khẩu tháng 4 giảm 11,2% so với cùng kỳ 2022, nhập khẩu giảm đến 13%. “Chúng ta chưa nhìn thấy ánh sáng trên mặt trận thương mại”, Ngân hàng HSBC bình luận về dữ liệu kinh tế tháng qua do Bộ Kế hoạch – Đầu tư công bố. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng phản ánh tình trạng tương tự khi sụt giảm 14%.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế hiện vẫn đối diện không ít rủi ro, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao hay xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia để kiềm chế lạm phát.
Tuy vậy, cả Bộ Kế hoạch – Đầu tư và các chuyên gia ngân hàng HSBC đều cho rằng nhóm dịch vụ tiêu dùng, du lịch (một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế, đóng góp gần 44% trong quý I) đang là điểm sáng. Doanh số bán lẻ tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh động lực tiêu dùng trong nước.
Theo Sở Công Thương TP HCM, tổng lượng hàng nhập chợ đầu mối cung ứng dịp lễ 30/4 vừa qua tăng 5,7% so với cùng kỳ 2022. Sức mua ở các siêu thị, trung tâm thương mại “tăng mạnh” nhờ người dân đến mua sắm kết hợp vui chơi.
Du lịch hồi sinh và các ngành liên quan như ăn uống, lưu trú cũng hưởng lợi. Việt Nam đón khoảng 984.000 lượt khách quốc tế tháng qua, đưa tốc độ phục hồi lên 62% so với năm 2019. Kết quả chủ yếu là nhờ khách Trung Quốc tăng 70%.
Kỳ nghỉ 5 ngày vừa qua thu hút được hơn 300.000 lượt khách quốc tế và 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ 2022, theo Tổng cục Du lịch. So với đợt lễ năm ngoái, tổng số thu từ khách du lịch tăng 9%, ước đạt 24.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 22/5, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được trình Quốc hội để thảo luận và thông qua theo quy trình rút gọn. Theo đó́, Chính phủ đang đề xuất theo hướng, nâng thời hạn e-visa từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ. Thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh thuộc diện đơn phương miễn thị thực cũng được đề xuất nâng từ 15 lên 45 ngày. Hướng mở cửa này được xem sẽ là đòn bẩy để Việt Nam thu hút du lịch.
Dịch vụ sẽ phục hồi đến đâu?
Điểm thuận lợi là đà tăng của giá cả hàng hóa đã chậm lại. Lạm phát toàn phần tháng 4 giảm 0,3% so với tháng 3, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%.
Tuy nhiên, đà phục hồi của dịch vụ cũng không hoàn toàn vững chắc, với những tín hiệu sáng tối đan xen trong tiêu dùng. Nền tảng thanh toán Payoo đánh giá người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những mặt hàng không quá cần thiết, tìm kiếm những lựa chọn tương tự có giá thấp hơn với sản phẩm thiết yếu.
Trong quý I, mức giảm doanh thu so với quý IV/2022 của nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi là 5-10% và trung tâm thương mại – nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, nội thất là 10%. Người dân cũng ngại mua điện thoại, điện máy với doanh thu các cửa hàng bán lẻ mặt hàng này giảm 30-50%.
Cuộc chiến giảm giá vẫn đang diễn ra nhằm kích cầu, sau những tuyên bố và nhận định kém lạc quan trên thị trường điện tử, điện máy của lãnh đạo các chuỗi bán lẻ lớn. “Giá rẻ quá” là lời quảng cáo giảm giá TV, máy giặt, máy lạnh gần đây của một chuỗi bán lẻ hàng đầu. Lập tức, chuỗi đối thủ tung khẩu hiệu ” Rẻ hơn cả giá rẻ quá”.
Dù vậy, vẫn tồn tại một nhóm khách hàng thu nhập tốt, đang tăng chi tiêu cho ôtô hay những bữa ăn sang trọng. Trên nền tảng Chợ Tốt Xe, thị trường ôtô qua sử dụng 4 tháng đầu năm bất ngờ lấy lại đà tăng trưởng so với cùng kỳ 2022. Tổng lượng liên hệ mua xe tăng 11% cùng lượng đăng bán tăng 7%.
Trong dịp lễ 30/4 vừa qua, nhu cầu mua xe tăng đến 26% so với lễ năm ngoái. Đây luôn là thời điểm mà nhiều người quyết định “xuống tiền” mua sắm hoặc đổi phương tiện để đi lại. “Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có nhiều biến động”, báo cáo của Chợ Tốt Xe bình luận.
Payoo cho hay, những nhà hàng tiêu chuẩn fine-dining (cao cấp) với mức chi tiêu tầm một triệu đồng mỗi người cho mỗi bữa ăn vẫn tăng trưởng đều đặn. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng ở quý I đã tăng 7% so với quý liền trước.
“Những ‘người giàu’ sẵn sàng tiêu dùng này chính là nhân tố kích thích và duy trì mạch hoạt động của thị trường”, đại diện Payoo bình luận. Đó là tín hiệu tốt bởi nếu tất cả đều tiết kiệm, suy thoái có thể là sự thật chứ không phải dấu hiệu.
Sắp tới, tiêu dùng có khả năng được củng cố với kế hoạch giảm 2% thuế giá trị gia tăng – VAT cho đến cuối năm 2023. TS Phạm Thị Thanh Xuân, Đại học Kinh tế – Luật TP HCM cho rằng dù chính sách được chốt vào thời điểm sức hấp thụ không đủ mạnh để phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng nhưng vẫn sẽ mang lại tác dụng không nhỏ.
“Mức giảm 2 điểm phần trăm là có ý nghĩa vì nó ảnh hưởng đến thu nhập thực của người dân. Hiện nay, do lạm phát cao nên thu nhập thực khá thấp, khiến 2 điểm phần trăm là số nhiều”, bà Xuân bình luận.
Với du lịch, mức độ phục hồi của khách Trung Quốc – vốn chiếm tới 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước Covid – hiện chỉ đạt 25% so cùng kỳ năm 2019. “Mặc dù ngành du lịch có tín hiệu tích cực, nhưng sự hồi phục của ngành vẫn còn chậm, và chưa đủ để bù đắp những thách thức trong năm nay”, HSBC nhận định.
Và dịch vụ dù là một điểm sáng trong đường hầm nhưng tương lai của tăng trưởng kinh tế vẫn nhiều thách thức khi thương mại còn yếu và tăng trưởng tín dụng chậm.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15% và việc Ngân hàng Nhà nước hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng 4, bằng nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022, phản ánh những quan ngại tiếp diễn đối với những khó khăn về kinh tế, theo HSBC.
Gần đây, cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt các hỗ trợ chính sách, gồm có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, kế hoạch tái cấu trúc một số khoản vay, hỗ trợ đối với ngành bất động sản – lĩnh vực đã đối mặt với khủng hoảng thanh khoản từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, HSBC cho rằng tăng trưởng vẫn có khả năng suy giảm trong nửa đầu năm nay.
Dẫu vậy, nhà băng này kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và làn sóng thương mại chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng cả năm 2023 đạt mức 5,2%.
Nguồn: VnExpress
19/5/2023