Nhân công sẵn, chi phí sản xuất không tăng, năng lực và động lực làm việc của công nhân cao là những lợi thế của Việt Nam trong ngành sản xuất giày da |
Cố vấn cao cấp của Coronet, ông Umberto de Marco cho biết Công ty đặt mục tiêu 2 triệu m2 da một năm và lập kế hoạch để tăng sản lượng này. Hầu hết nguyên liệu sẽ được chuyển đến từ Trung Quốc và Hiệp định Thương mại tự do giữa Trung Quốc với các nước ASEAN đảm bảo cho Coronet không vi phạm luật chống bán phá giá.
Theo Mặt Trời 24 giờ, các doanh nghiệp da giày Italy chọn Việt Nam bởi khá nhiều lý do. Trong đó quan trọng là chi phí sản xuất và lương nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng lên, trong khi số công nhân lành nghề ở các tỉnh ven biển ngày càng giảm do chính sách khuyến khích dân di chuyển vào sâu trong nội địa của Chính phủ Trung Quốc.
Vấn đề hậu cần cũng không phải là thuận lợi tại Trung Quốc. Chính nhờ thế, Việt Nam trở thành một lựa chọn hiển nhiên, do nhân công sẵn, chi phí sản xuất không tăng như ở Trung Quốc, năng lực của công nhân và động lực làm việc của họ cũng cao hơn.
Nhờ những yếu tố ấy và sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy giày ở gần Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà hiện tại Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu giày lớn thứ 5 trên thế giới, với tổng giá trị lên tới 7,25 tỷ USD.
Chuyên gia Alberto Vettoretti từ công ty tư vấn Italy đang hoạt động ở Việt Nam Dezan Shira & Associates cũng xác nhận Hiệp định Thương mại tự do giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như lợi thế về giá hiện đang là hai yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường châu Á.
Các doanh nghiệp Italy "nhảy" vào thị trường ở thời điểm này sẽ được hưởng lợi từ năng lực đó của Việt Nam.
ANH NGỌC/TTXVN