“Ngọc trong đá”

Khởi nghiệp thành công là điều rất hiếm ở Nhật Bản. Đầu tư mạo hiểm lại cực kỳ hiếm, đặc biệt nếu đó là một phụ nữ. Một trong số rất ít phụ nữ “rất hiếm” đó là Tomoko Namba.

 Key Speakers At The Nikkei Global Management Forum

Tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard, Tomoko Namba từng là một cựu chuyên gia tư vấn của McKinsey & Co. Từ cuộc trò chuyện với giám đốc điều hành một nhà cung cấp dịch vụ internet, Tomoko Namba nảy ra ý tưởng lập mạng thương mại điện tử tương tự ebay tại Nhật. Theo truyền thống cố hữu của Nhật Bản, đa số nhân viên gắn bó gần như trọn đời với một công ty, việc thay đổi công việc là cực kỳ hiếm, trở thành nữ doanh nhân càng là chuyện lạ. Tomoko Namba rất “run” khi đặt cược cả sự nghiệp của mình vào việc thành lập DeNA Co Ltd năm 1999 chuyên kinh doanh thương mại điện tử và phát triển trò chơi xã hội trên mạng. Hiện nay, nền tảng game trên điện thoại di động của DeNA là MoBage đã mở rộng ra toàn thế giới, trở thành thương hiệu toàn cầu.

Thật ra, Tomoko Namba không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh toàn cầu của nữ giới để được bình đẳng với nam giới trong những vị trí lãnh đạo. Danh sách tỷ phú năm 2014 do tạp chí Forbes đưa ra cho thấy, số phụ nữ giàu nhất hành tinh năm nay tăng 25% so với năm ngoái với 132 người.

Chiến thắng của bà Catherine Samba-Panza trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống lâm thời Cộng hòa Trung Phi hồi đầu tháng Một là một ví dụ khác về sự phấn đấu cho sự nghiệp của phụ nữ. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử lãnh đạo đất nước ở một châu lục mà phụ nữ gặp rất nhiều hạn chế trong tạo dựng sự nghiệp riêng, nơi mà bất bình đẳng giới là chuyện gần như chẳng ai quan tâm.

Ở các quốc gia Hồi giáo vốn có những ràng buộc khắt khe với phụ nữ, vị thế của giới nữ cũng đã được ghi nhận. Những tấm khăn trùm đầu xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn cả trên chính trường. Sheikha Lubna bint Khalid Al-Qasimi và Noura Al-Kaabi là những gương mặt đại diện cho sự thành công của phái nữ trong thế giới Ả rập. Sheikha Lubna hiện là Bộ trưởng Bộ Hợp tác và phát triển quốc tế của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ một vị trí trong nội các. Bà từng là Giám đốc điều hành của Tejari, mạng kinh doanh điện tử đầu tiên ở Trung Đông, được tạp chí Forbes công nhận là người phụ nữ Ả rập quyền lực nhất. Noura Al-Kaabi là Giám đốc điều hành của twofour54, lãnh đạo cơ quan truyền thông khu vực. Cô là người UAE đầu tiên lọt vào danh sách “100 nhà lãnh đạo toàn cầu hàng đầu” của tạp chí Chính sách đối ngoại năm 2013, đứng cùng danh sách với các chính trị gia hàng đầu thế giới như Vladimir Putin, Angela Merkel, Dilma Rousseff, Mark Zuckerberg…

Ở những xã hội còn có cái nhìn hạn hẹp về phụ nữ, sự bất công và chà đạp nhân phẩm phụ nữ vẫn tồn tại, thì cuộc đấu tranh đòi bình quyền còn cam go hơn. Nhưng, điều đó cũng không thể xóa đi được ước mong có một xã hội tốt hơn, bình đẳng hơn cho nữ giới. Những lớp học tự vệ của phụ nữ để đối phó với nạn hiếp dâm hay làng những phụ nữ áo hồng ở Barghar (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) – khu vực được xem là nghèo nhất ở Ấn Độ – đã có những phụ nữ dám đấu tranh với nạn tham nhũng của cảnh sát, chống cự thẳng thừng với trò sàm sỡ của đàn ông. Đó là những tia sáng hy vọng cho một sự thay đổi thế giới từ phụ nữ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái, “phụ nữ sẽ đóng vai trò chính trong lực lượng lao động” là nhận định của tổ chức Catalyst (Mỹ) chuyên về mở rộng cơ hội kinh doanh cho phụ nữ. Cuộc chiến để vượt qua nam giới, nắm giữ vai trò lãnh đạo tại nơi làm việc sẽ còn tiếp tục có những thay đổi. Theo Catalyst, dân số thế giới đang già đi. Thống kê cho thấy, 32% dân số Nhật Bản hiện trên 60 tuổi. Trong khi đó, dự báo lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm từ năm 2015, Nga và một số quốc gia khác là từ năm 2020. Vì thế, số người làm việc sẽ thấp hơn số người nghỉ hưu.Trong khi đó, phụ nữ lập gia đình và sinh con rất dễ mất cơ hội trở lại với công việc, cũng như vị trí lãnh đạo họ từng đạt được trước đó. Vì vậy, theo bà Deborah Gillis, Chủ tịch Catalyst, các doanh nghiệp cần tạo cơ hội cho phụ nữ thăng tiến và phát triển nghề nghiệp, bởi chính đội ngũ này sẽ kéo theo lực lượng lao động nữ dồi dào hơn, lấp được phần nào việc thiếu lực lượng lao động nói chung.

Trước thực tế đó, nhiều quốc gia đã yêu cầu các công ty phải có một số lượng nữ nhất định trong ban điều hành. Tại Pháp, chính phủ ban hành luật yêu cầu tất cả công ty phải niêm yết công khai tên các nữ điều hành. Nhờ vậy, tỷ lệ phụ nữ trong ban điều hành của các doanh nghiệp Pháp đã tăng lên gấp đôi, thành 25% (năm 2012) so với khoảng 13% (năm 2010). Tại Nhật, đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cũng là một trong những chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe. Tháng Hai vừa qua, Honda, hãng sản xuất ô tô danh tiếng của Nhật đã trở thành công ty lớn đầu tiên trong việc bổ nhiệm bà Hideko Kunii vào hội đồng quản trị. Đây là người phụ nữ đầu tiên chen chân được vào hội đồng quản trị của Honda.

“Phụ nữ có thể thay đổi thế giới, nhưng trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ lại là chuyện khác” – bà Gillis cho biết. Đường vẫn còn dài…

 AN KHUÊ

www.phunuonline.com.vn

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928