Người đi tìm ý nghĩa cho tương lai

Tư duy làm nghề mang tính toàn vẹn của nhà thiết kế gốc Ý, từng gây quan ngại rằng ông đang “pha loãng” nhãn hiệu cá nhân. Cardin nhẹ nhàng bác bỏ luận điểm này với lý giải: “Có thể điều đó đúng. Nhưng trong mắt tôi, đây chính là tương lai của thời trang”.

Là một nhà tạo mốt, nhà xã hội học mê đắm thuyết vị lai với góc nhìn cuộc sống cấp tiến, thế nhưng, Cardin đã bắt đầu mọi thứ bằng thôi thúc “trốn chạy”.

 

Cardin là con út trong gia đình 9 người con. Ông sinh vào tháng 7/1922, tại San Biagio di Callalta, đô thị thuộc ngoại ô Venice. Trước thế chiến thứ nhất, cha mẹ Cardin là những nhà buôn rượu vang giàu có. Khi ông 2 tuổi, để trốn chạy chủ nghĩa phát xít đang dần lớn mạnh tại Ý, gia đình Cardin di cư đến Pháp.

“Ban đầu, chúng tôi ở Firminy, miền nam Lyon. Năm tôi lên 7, cả nhà chuyển tới Saint-Étienne, thị trấn lớn hơn gần bên. Chúng tôi thuê một ngôi nhà độc lập có vườn cây ăn trái. Thứ tôi nhớ nhất về nơi đó là hoa quả mọc đầy trong vườn. Ngay cả lúc này, nếu hít một hơi thật sâu, tôi vẫn mường tượng được hương vị ngọt ngào tỏa ra từ những cây táo và lê” – Cardin chia sẻ trên một trong những bài phỏng vấn sau cùng cho tờ Wall Street Journal, tháng 8 năm nay.

 

Đam mê thời trang đến với Cardin rất tình cờ. Thuở thiếu thời, khi ông giúp một người bạn gái may quần áo búp bê. “Tôi cắt vải từ chiếc váy cũ, may thành quần áo mới cho những con búp bê, nhưng cha không vui trước sở thích của tôi. Ông nói, may vá không phải việc của nam giới. Tôi rất buồn khi chứng kiến ông vứt đi những trang phục đầu tiên tôi tạo ra”, Cardin hồi tưởng.

“Tôi là đứa trẻ nhạy cảm. Được giáo dục phép tắc từ bé, tôi sống hòa đồng với mọi người nhưng luôn thấy cô độc. Phần lớn thời gian tôi dùng để thiết kế, vẽ mẫu. Bên cạnh thời trang, tôi yêu nghệ thuật sân khấu và kiến trúc”.

Năm 1940, ở tuổi 18, Cardin rời nhà để sống tự lập. Công việc đầu tiên ông làm là thợ học việc cho một hiệu may nam. Tháng 6 cùng năm, ông bất ngờ chạm mặt một toán lính Đức bấy giờ đang chiếm đóng Pháp. “Lúc ấy tôi đạp xe đạp, dừng lại tại một trạm kiểm tra của quân Đức thì bị bắt giữ. Họ đẩy tôi vào chiếc xe tải lớn, khi cho rằng giấy tờ tùy thân của tôi là giả. Suốt 24 giờ mắc kẹt trong xe, tôi khóc nấc vì nghĩ mình sẽ chết”, Cardin kể lại.

“Hôm sau, họ thả tôi đi. Tôi đã chạy như bay khỏi trạm. Sau trải nghiệm đó, tôi chỉ có duy nhất một hoài bão: phải trở nên thành công”.

 

Và như một sự tình cờ, Pierre Cardin lần đầu tiên đến với thế giới may mặc và thời trang khi ông may mắn được vào làm phụ việc tại một tiệm may gia đình – nhà may Vichy, nơi ông bắt đầu cắt may những bộ quần áo cho phụ nữ. Pierre Cardin chịu khó học hỏi và đã trở thành một thợ cắt và may khá lành nghề. Ông đã có thể nhận các đơn hàng đặc biệt của khách hàng.
Vài năm sau chàng thợ may trẻ Pierre Cardin bỏ tiệm may gia đình để xin vào làm việc cho xưởng may của nhà thời trang Christian Dior đã khá nổi danh lúc bấy giờ. Chỉ đến lúc này, Pierre Cardin mới bắt đầu được thâm nhập vào thế giới thời trang thực sự. Trước đó, Pierre Cardin vẫn chỉ là một anh thợ may khéo tay chuyên cắt may hàng chợ cho người bình dân. Môi trường làm việc tại Christian Dior đã giúp cho Pierre Cardin phát triển rất nhanh trong lĩnh vực nghệ thuật tạo mốt. Nhiều ý tưởng mới lạ trong Pierre Cardin đã được hình thành và nuôi dưỡng trong thời kỳ này.

 

Nhiều nhà hát, nhà diễn kịch đã đến đặt Pierre Cardin may những bộ trang phục đặc biệt cho tác phẩm của mình. Sự thành công của những tác phẩm biểu diễn và sự nổi tiếng của các diễn viên đã càng làm nổi tiếng thêm tên tuổi của nhà may Pierre Cardin. Cardin nổi tiếng với phong cách avant-garde (tiên phong) và các thiết kế thời đại du hành vũ trụ của mình. Ông thích các mô típ và kiểu dáng hình học và thường bỏ qua hình thức nữ tính.

Cardin ra mắt thương hiệu thiết kế đầu tiên năm 1950. 4 năm sau, ông trình làng bộ sưu tập thời trang đầu tay. “Như cái ngày định mệnh khi tôi nhảy xuống từ chiếc xe tải của lính Đức, tôi đã ‘chạy’ không ngừng nghỉ. Đến giờ, tôi chưa từng quay đầu nhìn lại”, Cardin nói.

Sự nghiệp của Cardin là hàng chuỗi những thử nghiệm táo bạo với nghệ thuật: từ thiết kế “váy bong bóng” nổi danh được giới thiệu lần đầu năm 1954, phong cách tạo mẫu hòa quyện đường nét hình học – kiến trúc độc đáo giúp thúc đẩy làn sóng “giải phóng phụ nữ” trong thập niên 1960, đến sự kiện diễu hành thời trang ấn tượng dọc Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc năm 2018.

Nhà thiết kế cũng đi tiên phong trong việc “phát triển thương hiệu đi liền lối sống”. Ông tự thiết kế nội thất, thảm, thậm chí xe hơi mang dấu ấn đặc sắc riêng biệt. Về sau, hàng loạt cái tên đình đám khác như Giorgio Armani và Ralph Lauren đã tích cực vận dụng ý tưởng này.

Gu thẩm mỹ đậm chất toàn diện ở Cardin đồng thời được minh chứng khi ông tuyển chọn người mẫu gốc Á và da màu để trình diễn thời trang, trong một giai đoạn vốn rất ít nhà thiết kế dám mạnh dạn làm điều tương tự. “Tôi mãi biết ơn ông ấy vì đã trao cho chúng tôi cơ hội”, người mẫu gốc Á nổi tiếng Jenny Shimizu, chia sẻ về tầm quan trọng của những show trình diễn đa sắc tộc được Cardin khởi xướng.

 

Phong cách thanh lịch, hiện đại giúp ông nhanh chóng được đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy, các ngôi sao truyền hình và người dẫn chương trình nổi tiếng yêu thích. Trên màn ảnh và bìa tạp chí, nữ diễn viên Elizabeth Taylor, Jeanne Moreau, Brigitte Bardot và Mia Farrow giúp Cardin lan rộng ảnh hưởng tới đại chúng.

Mỗi thời kỳ với Pierre Cardin đều được đánh dấu bằng một loại trang phục đặc trưng.

 

Trong suốt thời hoàng kim, nhà tạo mốt tiên phong nhiều xu hướng thời trang. Ông lãnh đạo cuộc cách mạng cách tân đồ nam, giới thiệu những trang phục gợi cảm, thanh lịch, tôn chiều cao và tuổi trẻ đàn ông. Mong muốn mang couture tới đại chúng, ông thành nhà thiết kế thời trang xa xỉ đầu tiên ra mắt bộ sưu tập may sẵn năm 1959. Động thái này khiến Cardin bị trục xuất tạm thời khỏi Chambre Syndicale de la Haute Couture (Liên đoàn thời trang cao cấp Pháp). Nhưng vị thế của ông lại được nâng cao bởi đón đầu nhu cầu quần áo may sẵn tăng lên trong khi đồ xa xỉ giảm dần từ những năm 1960.

Pierre Cardin dành tình yêu, cảm hứng đặc biệt với châu Á. Ông mời Hiroko Matsumoto làm nàng thơ của mình, biến cô thành người mẫu Nhật Bản đầu tiên làm việc với đồ haute couture. Ông cũng là nhà thiết kế châu Âu đầu tiên đem thời trang tới Nhật, tổ chức nhiều show diễn ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Siêu mẫu Naomi Campbell đánh giá cao Cardin bởi ông là một trong những người đầu tiên sử dụng mẫu da màu trình diễn.

 

Cardin dành cả đời say mê phong cách vị lai. Các thiết kế đầu tiên của ông những năm 1950 phản ánh tinh thần đổi mới, tự do thời hậu chiến. Váy bong bóng (bubble dress) gây sốt với chi tiết xếp nếp tổ ong quanh eo, tạo độ phồng cho chân váy. Suit nam cũng lập tức được yêu thích bởi trẻ trung, hiện đại. Đỉnh cao là thiết kế blazer không cổ được nhóm huyền thoại The Beatles lựa chọn trong bộ ảnh giới thiệu thành viên những năm đầu sự nghiệp.

Kết cấu hình học, những đường cut-out táo bạo, trang sức và khóa kéo khổ lớn kết hợp các chất liệu tổng hợp hiện đại như acrylic, vinyl, sequin, sợi kim tuyến, vải ánh kim… thường xuyên xuất hiện trong trang phục Cardin. Ông thậm chí nghiên cứu, sáng tạo mẫu vải mang tên mình – Cardine – chất liệu cho phép đúc nhiệt thành các cấu trúc hình học phức tạp.

Tình yêu không gian, vũ trụ tạo tiền đề cho nhiều bộ sưu tập để đời mang tinh thần tương lai của Cardin trong suốt thập niên 1960 – 1970. Giai đoạn này, Cardin ra mắt ồ ạt trang phục lấy cảm hứng từ cuộc đua vũ trụ giữa Mỹ – Nga. Trong đó, bộ sưu tập Cosmocorps ra mắt năm 1964 thành tiền đề cho trang phục trong phim khoa học viễn tưởng Star Trek năm 1966. Trong phim House of Cardin, khao khát của ông được tiết lộ: “Vào năm 2069, tất cả chúng ta sẽ đi bộ trên Mặt trăng hoặc sao Hỏa, mặc Cosmocorps. Phụ nữ đội mũ acrylic hình hộp, mặc đồ hình ống trong khi đàn ông mặc quần elíp và áo điện tử”.

Cardin yêu vũ trụ tới mức năm 1970, ông tới NASA, xin nhân viên mặc thử đồ không gian của Neil Amstrong và yêu thích thiết kế ngay lập tức. Ông nói trên WWD: “Cảm giác rất ấn tượng, nhẹ nhàng và oai vệ cùng lúc, như đang đi trên không khí vậy. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đời tôi”.

Cardin luôn nuôi dưỡng những ý tưởng to lớn. Nay, dẫu đã qua đời, khối thành tựu khổng lồ ông để lại vẫn được nhắc nhớ với giá trị đại chúng rõ rệt. Ông tích cực giới thiệu sản phẩm thời trang cá nhân đến Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Philippines, và là nhà tạo mẫu cao cấp đầu tiên đưa một người mẫu Nhật lên sàn diễn quốc tế.

Từng hứng chịu nghi ngại, thậm chí chỉ trích, tuy nhiên tư duy “đại chúng hóa” thời trang của Cardin – mang mỗi thiết kế đến gần hơn với mọi người ở khắp mọi nơi – phác họa một thông điệp toàn cầu thiết thực, đáng quý hơn bao giờ hết.

Nghĩ lớn, duy Cardin chọn lối sống kín đáo và khiêm tốn. Một ngôi sao sáng trong ngành thời trang có thể không bỏ qua cơ hội “đong đếm” thành tích cuộc đời qua những thước phim tiểu sử kịch tích. Cardin, thiên tài thiết kế hiếm có, ngược lại, không bận tâm đến vấn đề này.

Cardin hàng đầu tiên, bên trái chụp ảnh bên gia đình năm 1924 trước khi di cư sang Pháp. Ảnh PIERRE CARDIN ARCHIVES

Cardin hàng đầu tiên, bên trái chụp ảnh bên gia đình năm 1924 trước khi di cư sang Pháp. Ảnh PIERRE CARDIN ARCHIVES

Dự án tài liệu House of Cardin (phát hành vào tháng 9/2020), thực hiện bởi bộ đôi đạo diễn người Mỹ Todd Hughes và P. David Ebersole – là tác phẩm vinh danh sau cùng và duy nhất có sự cho phép cũng như tham gia của Cardin. Phim thuật lại chuyện nghề, chuyện đời lý thú về nhà thiết kế quá cố trong hơn 7 thập niên, từ những ngày tháng đầu tiên vừa bước chân vào ngành thời trang của ông.

“Cardin không phải tuýp người thích ngồi yên vị trước ống kính máy quay để nói về bản thân. Ông ấy muốn tự do đi dạo và trò chuyện.. Có thể gặp gỡ, thực hiện tác phẩm này với Cardin, tôi nghĩ, chính là định mệnh”, Hughes bày tỏ.

Ngày nay, khi nhiều nhà thiết kế thời trang phải gồng gánh sức ép để thử nghiệm ý tưởng mới, Cardin không ngừng bứt phá và khuyến khích giới trẻ dũng cảm bứt phá. Như lời nhạc sĩ kỳ cựu Jean-Michel Jarre nói về ông trong House of Cardin, “Ông ấy khao khát đi tìm ý nghĩa cho tương lai chúng ta, qua mỗi dự án thiết kế”, Cardin không đơn thuần sáng tạo để phục vụ cái nhìn hiện thực. Ông bứt khỏi khuôn khổ thực tại với mong mỏi tạo ra một tương lai hoàn mỹ hơn.

Cardin, một đứa trẻ từng thấy cô độc, được rất nhiều người yêu quý và tưởng nhớ vì lẽ sống đặc biệt ấy.

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928