Ông Brad Charron, Giám đốc điều hành của thương hiệu protein thực vật ALOHA chia sẻ về hành trình khởi động và tái tập trung thương hiệu đã trên bờ vực sụp đổ…
Ông Brad Charron – CEO công ty ALOHA
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với các phóng viên của tờ Entrepreneur, Giám đốc điều hành của công ty ALOHA đã có những chia sẻ về quá trình xây dựng lại doanh nghiệp, đồng thời đưa ra những lời khuyên thiết thực dành cho những nhà khởi nghiệp trẻ hiện nay.
Brad Charron là Giám đốc điều hành của thương hiệu protein làm từ thực vật – ALOHA. Tập đoàn đã nhận giấy chứng nhận B về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sứ mệnh của ALOHA là giúp mọi người chọn ra những giải pháp tốt để có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn bằng cách tạo ra những món ăn đơn giản, bổ dưỡng mà ai cũng có thể tiếp cận và thưởng thức.
Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông để sáng lập ra doanh nghiệp này?
Nhóm chúng tôi thường gọi vui nhau là những “nhà tái sinh” ALOHA. Ban đầu ALOHA được ra mắt vào năm 2013 với nhiều kỳ vọng. Nó từng vừa là công ty kinh doanh siêu thực phẩm, vừa là một doanh nghiệp công nghệ thực phẩm. Tôi thậm chí còn chẳng biết công ty công nghệ thực phẩm thực sự là gì.
Ngày ấy, công ty là một doanh nghiệp “kỳ lân” chỉ chăm chăm vào phát triển nhanh chóng mà không biết rằng nó đang được xây dựng trên một nền móng thiếu vững chắc và chịu nhiều áp lực. Sau khi tái tạo công ty lại từ đầu vào cuối năm 2017, tôi tin rằng, hơn bao giờ hết, ở thời điểm hiện tại, việc trải qua quá trình loại trừ các yếu tố độc hại trong thương hiệu, sản phẩm và văn hóa sẽ tạo ra khác biệt trong thế giới kinh doanh và đảm bảo một mô hình kinh doanh bền vững. Không có gì quan trọng hơn sự sống còn cả!
Thách thức lớn nhất trong quá trình kinh doanh của ông là gì và ông đã làm gì để vượt qua nó?
Tôi được thừa kế một công ty vốn không có định hướng và trọng tâm rõ ràng trong một thời gian dài. Cơ cấu chi phí, danh mục sản phẩm, nhân sự và cơ sở hạ tầng được xây dựng quá nhanh và có quy mô quá lớn. Kết quả là, tất cả đều bị đốt cháy giai đoạn và công ty gần như hấp hối tới nơi. Vì vậy, tôi phải hình dung mọi thứ và xây dựng lại từ đầu, cẩn thận trong mọi quy trình từ việc minh bạch về chi phí tới thiết lập những kỳ vọng.
Một thách thức khác nữa đó là thu hút và thuê một đội ngũ “đồng sở hữu” có cùng chí hướng, những người có kinh nghiệm thành công trước đó và có đủ sự gan dạ để đặt cược vào chính mình. Mặc dù có nhiều lựa chọn tốt khác, nhưng họ nhận ra rằng bản thân có khả năng cứu vớt một công ty như thế nào.
Hơn nữa, họ tin vào tầm nhìn và kế hoạch của tôi để thực hiện điều đó. Sau 18 tháng cắt giảm và xây dựng lại nền móng thương mại và văn hóa, chúng tôi đã tái xuất vào giữa năm 2019 với chiến lược thương mại tinh gọn, rõ ràng, có thể mở rộng và bền vững. Kể từ đó, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đã đạt được lợi nhuận.
Ông sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào cho các doanh nhân đang tìm kiếm nguồn vốn?
Bản thân tôi không thích ngửa tay xin tiền người khác. Điều này khiến tôi nhớ đến việc xin bố vài đô ở sân khúc côn cầu để mua thêm một cuộn băng hay một cây gậy mới. Tôi đã học được giá trị của việc tự kiếm tiền khi còn trẻ.
Vì vậy quy tắc của tôi là tránh gọi vốn cho tới khi bạn thực sự có lý do chính đáng: khi bạn rất cần đến nó, khi kế hoạch cần có nó để đi vào hoạt động và triển khai một cách trơn tru, khi bạn tin rằng nó sẽ thực sự đóng góp giá trị cho các cổ đông. Việc gọi được nhiều tiền vốn chỉ giúp tên bạn ngập tràn trên các mặt báo thôi, chứ chẳng có ý nghĩa gì đối với việc kinh doanh đâu! Trừ khi bạn sử dụng số tiền ấy để giải quyết những khó khăn hay dùng cho những lý do chính đáng đã kể trên.
Đốt cháy giai đoạn là một liều thuốc độc giết chết các doanh nghiệp còn non trẻ. Đối với tôi, trong trường hợp buộc phải gọi vốn, tôi sẽ phải hiểu những gánh nặng mà nó đem lại có đáng để đánh đổi hay không. Gây quỹ chính là buộc phải thay đổi quỹ đạo của cuộc chơi, hoặc nâng cao hướng đi của doanh nghiệp.
Nếu đó chỉ là một khoản tiền giúp doanh nghiệp tồn tại lâu hơn một chút, thì bạn cứ việc gọi vốn đi, nhưng nên nhớ bạn đang xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Tiền dùng để bắc cầu vượt biển hay thế nào cũng được, miễn phải đảm bảo rằng việc xây dựng cây cầu ấy sẽ đưa bạn đi tới đâu.
Từ “doanh nhân” có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
Tôi đã sống và gắn bó với môn khúc côn cầu trên băng ở Minnesota từ khi còn nhỏ. Ở vị trí thủ môn, tôi có khả năng chống lại sự tiếp cận của đối thủ ở mọi góc độ. Và mặc dù ước mơ hồi ấy của tôi là trở thành một thủ môn của Liên đoàn khúc côn cầu quốc gia, nhưng tôi nhận ra rằng công việc kinh doanh cũng không có gì khác biệt lắm.
Một doanh nhân thành công luôn phải hoạt động với cái mà tôi gọi là “tinh thần thủ môn”. Thủ môn cũng phải đối mặt với những thử thách như cơ bản vốn có trong kinh doanh như: buộc phải đưa ra quyết định đúng thời hạn khi chưa có đầy đủ thông tin cần thiết, giải quyết các xác suất và chiến lược nằm ngoài tầm kiểm soát tức thời, điều hướng sự cô lập về không gian tinh thần và thể chất vốn có trong chính vị trí đó.
Nhờ sự quen thuộc này đã giúp tôi cảm thấy thoải mái với những điều mình chưa biết và trang bị cho tôi những kỹ năng để dẫn dắt đồng đội vượt qua những trở ngại, thất bại và bước đến thành công. Trở thành một doanh nhân không phải đạt được danh hiệu cao quý, đó là bước trưởng thành về mặt tư duy, là khi tâm lý chúng ta đã sẵn sàng đón nhận mọi thử thách để cống hiến và làm việc chăm chỉ. Khi mọi thứ trở nên lung lay và không diễn ra theo đúng kế hoạch, tôi lại nhớ về những khoảnh khắc đứng dưới lưới bóng và nhìn lại toàn cảnh.
Theo ông, điều mà nhiều chủ doanh nghiệp tham vọng nghĩ rằng họ cần nhưng thực chất lại không cần đến là gì?
Có một vài điều phải lưu ý dựa trên ngữ cảnh. Thứ nhất, thị trường đã chuyển từ thị trường của người bán sang thị trường của người mua, có nghĩa là quyền lực bây giờ thuộc về những người cung cấp vốn cho doanh nghiệp, chứ không phải bản thân các doanh nhân. Thứ hai, lạm phát đang gia tăng và số dư thẻ tín dụng ngày càng tăng còn các khoản tiết kiệm đang giảm dần.
Tôi tin rằng niềm tin của người tiêu dùng vẫn đang được giữ vững, nhưng nó cũng chỉ mong manh như sợi chỉ mà thôi. Chúng ta phải lạc quan lên! Một cơn bão lớn có thể xảy ra trong tương lai gần, và các doanh nghiệp cần phải cẩn trọng trong mọi hoạt động. Điều họ cần làm bây giờ không phải là tăng trưởng bằng mọi giá, mà là tập trung tăng trưởng bền vững, chu đáo và thiết thực. Đi chậm lại và tăng khả năng mở rộng quy mô phù hợp với các điều kiện trên thị trường. Các bạn hãy suy nghĩ như một con rùa và ngó lơ tất cả những con thỏ ở xung quanh đi!
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!