Nhà sáng lập Nike: “Ý tưởng điên rồ” tạo nên thế giới

Nike trở thành thương hiệu thế giới sau 17 năm kể từ khi nhà sáng lập Phil Knight bắt đầu bán những đôi giày chạy lấy ra từ cốp chiếc xe Plymouth Valiant đời 1963 của mình.

Nhà sáng lập Nike: “Ý tưởng điên rồ” tạo nên thế giới

 

Sau gần hai thập kỷ thăng trầm và vô số đêm mất ngủ, Phil Knight đã có được 178 triệu USD. Ngày nay ông có hơn 20 tỷ USD và đang trong quá trình hiến phần lớn số tài sản đó cho từ thiện.

Dù bạn có là một nhà điều hành kinh doanh, một doanh nhân, một vận động viên, một họa sĩ hay là một tiểu thuyết gia, Knight tin rằng chìa khóa để mở cánh cửa thành công là tiến về phía trước, bỏ lại các chướng ngại vật ở phía sau. Nhân vật là một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới – Phil Knight – làm điều đó như thế nào?

Xuất phát từ “ý tưởng điên rồ”

Người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT Công ty Nike Phil Knight đã trải qua quá khứ thất bại ở công việc đầu tiên của mình – kinh doanh sách bách khoa toàn thư. Sau thất bại đó, việc kinh doanh của ông có tiến triển hơn đôi chút với các loại quỹ hỗ trợ. Nhưng sự nghiệp của Knight chỉ “rung chuyển” thực sự khi ông dùng cốp sau của chiếc xe Plymouth Valiant màu xanh lá đời 1963 của mình để bán những đôi giày chạy.

Một trong những lý do của điều này là vì khi kinh doanh chúng, ông quan niệm rằng, “Tôi không buôn bán thứ gì cả. Tôi chỉ tin vào việc chạy. Tôi tin rằng nếu ai cũng ra khỏi nhà và chạy một vài dặm mỗi ngày thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn… Niềm tin là thứ không giải thích được”.

Trong cuốn tự truyện mới có tên Shoe Dog, Knight đã chia sẻ về việc thành lập của công ty và bật mí nhiều điều ở phía sau tấm huy chương mang tên Nike, đó là những lần gần như bị phá sản, những lần bị từ chối, những lần tranh chấp, và khủng hoảng…

Knight cũng đưa ra lời khuyên cho những người trẻ đang muốn trở nên nổi bật, muốn khác biệt và muốn tạo ra được một danh tiếng riêng.

Theo Knight, nếu bạn có ý định kinh doanh thứ gì đó, trước tiên phải tin vào nó vì niềm tin là điều không thể cưỡng lại được. Thứ hai, hãy theo đuổi “ý tưởng điên rồ” của mình và đừng để những người hoài nghi về chúng cản trở bạn.

“Mặc cho tình trạng chóng mặt và đau đầu với khó khăn hiện tại, những lo lắng về tương lai và sự thiếu tự tin – như bao chàng trai và cô gái trong độ tuổi đôi mươi, tôi vẫn cho rằng thế giới được tạo nên từ những ý tưởng điên rồ”, Knight nói.

Biến đam mê thành nỗi ám ảnh

Thuở thiếu niên, Knight có ước mơ được trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng thế giới. Chạy tốt và đã được đại diện cho trường Đại học Oregon đi thi đấu, nhưng ông không thực sự xuất sắc để có thể trở nên nổi tiếng trong giới điền kinh.

Ông bắt đầu nghĩ đến một ý tưởng điên rồ khác – theo đuổi “giấc mơ kỳ lạ, không mấy chắc chắn nhưng có vẻ thích đáng, có vẻ thú vị”, đó là nhập khẩu và kinh doanh giày chạy chất lượng cao từ Nhật Bản.

Giày chạy không phải chỉ là mối quan tâm nhất thời của Phil Knight. Ông đã bị ảm ảnh bởi đồ dùng ấy và đó cũng chính là bí quyết thành công của Knight. “Tôi đã tìm đến một thư viện, và ngốn ngấu mọi loại sách tôi có thể tìm thấy về vấn đề nhập và xuất khẩu, về việc làm thế nào để bắt đầu một công ty”, một bài nghiên cứu ở trường Kinh Doanh Stanford trích lời ông.

Knight nói rằng, lúc đầu sản phẩm mang đến sự thú vị cho ông, sau đó nó tạo cảm hứng và cuối cùng nó quyến rũ ông trước khi trở thành một nỗi ám ảnh thường trực.

Diễn biến tâm lý của Knight khiến người ta liên tưởng đến câu trả lời của nhà tư bản huyền thoại Michael Moritz khi được phóng viên hỏi “Ông có tìm kiếm niềm đam mê không?”. Moritz đã nói rằng: “Không! Hơn cả như thế nữa. Đó chính là một nỗi ám ảnh. Người sáng lập ra một thứ nào đó thường có xu hướng bị ám ảnh bởi nhưng thứ họ đang làm. Họ hoàn toàn bị quyến rũ và không thể tưởng tượng nổi sẽ sống thế nào khi không có nó”.

Phil Knight cũng tin rằng “sự đam mê” không đủ diễn tả hết thú vui trong lĩnh vực mà ông lựa chọn để theo đuổi. Knight cho biết: “Tôi muốn nói với các bạn trong độ tuổi đôi mươi rằng đừng dừng lại mà hãy theo đuổi tiếng gọi bên trong ngay cả khi bạn không biết nó sẽ ra sao”.

Và kiên trì với triết lý sống

Theo Knight, nếu như bạn đang xây dựng một sự nghiệp với mục tiêu là lợi nhuận, bạn sẽ nhanh chóng bỏ cuộc. Lợi nhuận trong năm đầu của ông chỉ là 250 USD, và phải mất nhiều năm để nó có thể trở thành nguồn tài chính ổn định. Knight không thể tự trả lương cho mình cho đến năm 31 tuổi. Ông đã dạy kế toán ở một trường cao đẳng địa phương để giúp mình trang trải các khoản chi phí.


“Nếu bạn đang theo đuổi tiếng gọi của niềm đam mê, sự mệt mỏi sẽ trở nên nhẹ nhàng và bạn có thể chịu đựng. Thất bại sẽ trở thành động lực để bạn đạt được những thứ mình chưa bao giờ được cảm nhận trước đó”.

Knight đã phả đối mặt với rất nhiều người bất đồng ý kiến trên con đường tạo dựng Nike trở thành một công ty có doanh thu 30 tỷ USD một năm, tuy nhiên ông vẫn kiên trì với triết lý sống từ lúc còn trẻ của mình.

Khi ở độ tuổi 24, trong lúc đang theo đuổi sự nghiệp, ông đã nói rằng, “Hãy để những người khác nói ý tưởng của bạn là điên rồ. Hãy cứ đi tiếp. Đừng dừng lại. Đừng bao giờ nghĩ đến việc dừng lại cho đến khi bạn đến được đó, và đừng nghĩ quá nhiều về việc sẽ đi về đâu. Dù gặp bất kỳ trở ngại gì, đừng dừng lại”.

Knight cũng tin rằng lời hứa với bản thân “là điều tốt nhất và duy nhất mà bất kỳ ai cũng nên tự đặt ra cho mình”.

 

 

 

VĂN LỘC (theo Forbes)
Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928