Năm 2013, làng công nghệ thế giới xôn xao khi Yahoo quyết định chi 1,1 tỷ USD để mua lại trang blog và mạng xã hội Tumblr. Nhà sáng lập Tumblr là David Karp khi đó mới 26 tuổi và đã bỏ học phổ thông từ năm 15 tuổi. Thương vụ với Yahoo đem đến cho Karp khối tài sản hơn 200 triệu USD.
Bỏ học năm 15 tuổi
David Karp sinh ra tại Manhattan. Năm 11 tuổi, David Karp đã tự học lập trình HTML. Đến năm 15 tuổi, chàng trai này đã nghỉ học và hoàn thành nốt chương trình học cấp 3 tại nhà, anh theo một lớp tiếng Nhật và tìm một gia sư toán cũng như bắt đầu viết phần mềm với dự định xin vào Viện công nghệ MIT với mục đích trở thành kỹ sư máy tính. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra.
Năm 17 tuổi, David Karp chuyển tới Nhật Bản. Tại đây, David Karp đã học được rất nhiều kỹ năng lập trình và bắt đầu nhen nhóm ý tưởng tạo lập công ty công nghệ của riêng mình. Năm 2006, trong khi bạn bè của Karp tốt nghiệp, anh chàng đã trở thành Giám đốc sản phẩm của Urbanbaby, một trang web sau này được CNET mua lại.
Năm 2007, khi mới 21 tuổi, David Karp quay trở lại New York và đứng ra thành lập mạng xã hội Tumblr. Số tiền thành lập Tumblr được lấy từ tiền Karp bán trang web Urbanbaby. Tumblr là công cụ để người dùng internet chia sẻ và blog các thông tin online. Năm 2013, Tumblr có khoảng 105 triệu blog và có khoảng 5 tỷ lượt truy cập mỗi tháng.
Tại thời điểm đó, Tumblr khá nổi tiếng ở các nước phương Tây nhờ sự đơn giản và tiện dụng mà nó mang lại. Đây cũng là điểm đặc biệt, phân tách Tumblr với các trang blog khác và đem tới một lượng lớn người dùng thích trải nghiệm những thứ mới mẻ mà không cần tốn quá nhiều thời gian.
Một điểm khác biệt nữa giúp Tumblr không bị các ông lớn xã hội nuốt chửng chính là: Tumblr giúp người sử dụng tự biểu hiện những điều mình muốn nói. Khác với Facebook dành cho việc chứng minh và nhận dạng của ngưởi sử dụng với người khác hay Twitter là nơi để giao tiếp với nhau, trên Tumblr người dùng có thể chia sẻ các hình ảnh, video với nhiều định dạng khác nhau, đồng thời có thể khoác lên blog của mình một bộ hình nền mang phong cách của riêng mình và chức năng theo dõi những người khác.
Về quy mô công ty, trong khi Craigslist có 26 nhân viên còn MySpace và Facebook thời điểm đó có khoảng 1.000 nhân viên thì Karp tuyên bố: “Tôi có thể làm việc chỉ với 4 người trong cả cuộc đời mình”.
Trở thành triệu phú ở tuổi 26
Tháng 5/2013, làng công nghệ thế giới xôn xao khi Yahoo quyết định chi 1,1 tỷ USD để mua lại Tumblr. Thương vụ với Yahoo đem đến cho Karp khối tài sản hơn 200 triệu USD ở tuổi 26.
Mặc dù nắm trong tay khối tài sản lớn như vậy nhưng chàng trai tỷ phú này lại sống khá giản dị. Karp cho biết anh thích một buổi tối cùng với bạn gái mình hơn là đắm chìm trong những buổi tiệc tối cuồng nhiệt. Sống trong một khuôn viên rộng 1.700 m2, chàng trai 26 tuổi David Karp thường tự lái Vespa đi làm. Anh có một mối tình lâu bền và một chú chó làm bạn.
Nói về bí quyết dẫn đến thành công của David Karp, điểm đầu tiên dễ nhận thấy chính là anh luôn hướng đển sự phát triển song song của nhà lãnh đạo và công ty.
Thứ hai, David Karp luôn làm việc hết sức mình để đạt được niềm tin của mọi người và điều này giúp cho các nhà đầu tư, những người hơn anh tới 20 hay 30 tuổi tin tưởng và đầu tư vào Tumblr. Để làm được như vậy, trước hết phải tin tưởng vào bản thân mình, tin tưởng tới nhân viên của mình có thể làm được những công việc tốt, phục vụ cho khách hàng và cuối cùng là tạo niềm tin cho những nhà đầu tư.
Thứ ba, David Karp không đặt nặng các quy định về thời hạn. Anh cho rằng, những cuộc họp được đặt sẵn là “con sâu ăn mòn sự sáng tạo”. Anh biết sắp xếp công việc và giải quyết chúng theo một trình tự hợp lý và hiệu quả, bắt đầu từ công việc quan trọng nhất.
Bên cạnh phong cách lãnh đạo của mình, khả năng sáng tạo thiên bẩm cũng là một bước ngoặt đưa Karp tới thành công. Trưởng thành trong thế giới kỹ thuật số, nhờ những kinh nghiệm và tiềm năng sẵn có, Karp thấy được những khả năng áp dụng các công nghệ mới vào thế giới cũ để thay đổi cách hoàn thành mọi việc mà những người khác không nhận ra.
Anh luôn giữ cho mình cởi mở và hướng đến những cái mới bằng cách giữ các kênh liên lạc luôn mở và lắng nghe người khác. Thông qua việc lắng nghe khách hàng, Karp nhận thấy rằng tính năng nào được sử dụng nhiều, còn tính năng nào thì không được dùng. Những tính năng không dùng đó sẽ được sửa đổi để thu hút người dùng hơn.
Cuối cùng, hướng tới cộng đồng chính là một cách định hình sự sáng tạo của Karp. Không chỉ giao tiếp với những người xung quanh, mà còn cảm nhận được cảm xúc của cộng đồng xung quanh, thông qua đó hướng sản phẩm của mình tới mục đích thoả mãn những cảm xúc đó.
Thành công của Karp là một bằng chứng cho thấy, không nhất thiết phải học cao mới làm nên chuyện. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, Karp nói rằng anh không hề khuyến khích việc bỏ học phổ thông. “Tôi cảm thấy mình đã bỏ lỡ mất nhiều thứ. Đó là những thứ bình thường về xã hội, về tuổi thơ” – Karp chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ/B.I
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!