Nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH vẫn “sống khỏe” giữa đại dịch COVID-19: Tất cả dựa vào yếu tố đặc biệt này!

Điều gì mang lại cho Arnault sự tự tin để vượt lên trong thời gian mà nhiều người khác đang nếm mùi thất bại trong đại dịch COVID-19?

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, mọi con mắt đều đổ dồn vào Bernard Arnault, người đàn ông giàu có nhất châu Âu. Chỉ trong vài tháng trước đó, ông trùm của ngành công nghiệp hàng xa xỉ đã vượt mặt Jeff Bezos, trở thành người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng ước tính hơn 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, thật không may đến tháng 5, con số đó giảm mạnh 30 tỷ USD sau khi cổ phiếu công ty của ông, LVMH Moët Hennessy – Louis Vuitton SE giảm 19%. Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng không còn mua sắm túi xách Fendi hay đồng hồ Bulgari trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Một số tạp chí kinh tế châm biếm rằng Arnault đã mất nhiều tiền đến mức ngang ngửa với số tiền Bezos kiếm được kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Nhưng điều đáng chú ý là không có bằng chứng nào cho thấy Arnault bị tổn thất vì những lời châm biếm đó. Bởi vì mọi người đều biết rõ rằng không có bất cứ điều gì, ngay cả đại dịch toàn cầu hay một cuộc suy thoái kinh tế, có thể ngăn cản Arnault tiếp tục mở rộng, gây ảnh hưởng và sáng tạo. Bernard Arnault, 71 tuổi, trị vì một đế chế ngành hàng xa xỉ gồm hơn 70 thương hiệu được chia thành sáu lĩnh vực, chuyên cung cấp các loại rượu vang, nước hoa và đồ da được săn đón nhất thế giới.

Bernard Arnault thường được gọi là “con sói mặc cashmere” vì sự nỗ lực phát triển không ngừng nghỉ và liều lĩnh chấp nhận những rủi ro lớn. Trong khi các đối thủ cạnh tranh của LVMH luôn thận trọng, Arnault lại thúc đẩy tập đoàn của mình phát triển trong tương lai bằng những khoản đầu tư lớn và táo bạo.

 Nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH vẫn sống khỏe giữa đại dịch COVID-19: Tất cả dựa vào yếu tố đặc biệt này! - Ảnh 1.

“Tôi không quan tâm đến những con số của sáu tháng tới, điều tôi quan tâm và mong muốn là thương hiệu trong 10 năm tới vẫn sẽ luôn được săn đón như ngày hôm nay.”- Bernard Arnault

Arnault cũng đang chuẩn bị một kế hoạch mở rộng mạnh tay, một trong số đó là mở lại cửa hàng bách hóa Samaritaine ở Paris như một trung tâm mua sắm miễn thuế và khách sạn sang trọng, cũng như xây dựng một khách sạn hạng sang Cheval Blanc ở Los Angeles Rodeo Drive.

Vậy điều gì mang lại cho Arnault sự tự tin để vượt lên trong thời gian mà các giám đốc điều hành khác đang nếm mùi thất bại? Lời giải thích nằm trong câu chuyện về bước đột phá đầu tiên khi ông tham gia vào “đấu trường xa xỉ” cách đây hơn 30 năm trước.

Sức hấp dẫn mang tên Dior

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp École Polytechnique, trường kỹ thuật hàng đầu của Pháp, Arnault bắt đầu làm việc cho công ty xây dựng của bố mình, Ferret-Savinel (nay là Férinel).

Arnault chia sẻ rằng: “Bố tôi thực sự đặc biệt vì ông ấy luôn cho tôi ý thức về việc kinh doanh. Sau 3 năm làm việc cùng nhau, ông ấy nói với tôi rằng “Bố nghĩ con đã có thể tự mình điều hành công việc kinh doanh, hãy làm đi.” Ở thời điểm đó, tôi mới chỉ 25 tuổi và điều hành một doanh nghiệp nhỏ chỉ có 1.000 người. Điều đó vô cùng mạo hiểm vì đó là công việc kinh doanh mà bố tôi đã gây dựng trong suốt cuộc đời mình.”

Ở độ tuổi 20, Arnault đã thuyết phục bố mình thành công để thay đổi trọng tâm của công ty từ xây dựng sang bất động sản. Ông bắt đầu đầu tư vào Mỹ, một quyết định táo bạo đối với một doanh nhân người Pháp trong những năm 1970.

Ông tập trung vào các bất động sản nghỉ dưỡng được định giá thấp. Sau khi đạt được thành công từ quyết định của mình, ông tìm kiếm “các viên đá quý bị định giá thấp” khác, bắt đầu với Christian Dior.

Arnault chia sẻ rằng: “Công ty mẹ của Dior, Willot Group đã phá sản và chính phủ Pháp đang tìm người cứu nó. Ngay lập tức, tôi đã nghĩ rằng thương hiệu này có rất nhiều tiềm năng. Đó là một bước đi mạo hiểm vào thời điểm đó vì công tý đó lớn hơn nhiều so với công ty của bố tôi. Nhưng cũng nhờ sự khởi đầu đó, chúng tôi đã xây dựng nên LVMH của ngày hôm nay.”

Xây dựng một đội hình ưu tú

 Nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH vẫn sống khỏe giữa đại dịch COVID-19: Tất cả dựa vào yếu tố đặc biệt này! - Ảnh 2.

Với một thương hiệu cao cấp nổi bật trong danh mục đầu tư, Arnault đã phát triển các tiêu chí định hướng cho việc mở rộng của mình trong những thập kỷ tiếp theo. Năm 1987, ông đã từng phát biểu rằng: “Chúng tôi cố gắng xây dựng một doanh nghiệp lớn với các đối tác của mình với một tiêu chí- chất lượng tốt nhất và các sản phẩm ưu tú nhất trong mọi dòng sản phẩm mà chúng tôi đang bán trên toàn thế giới.”

Vào thời điểm đó, Louis Vuitton và Moët Hennessy đã hợp nhất để tạo thành LVMH. Trong hai năm tiếp theo, Arnault tiếp tục đầu tư vào công ty, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Chính việc phế truất tàn nhẫn cựu chủ tịch của LVMH, Henry Racamier đã khiến Arnault trở thành người có biệt danh là “con sói mặc cashmere”.

Dự đoán được thời kỳ giàu có và mức độ sẵn sàng chi tiêu của khách hàng đối với các mặt hàng chất lượng cao, Arnault đã tiến hành đưa các nhãn hiệu hàng đầu thế giới vào danh mục của LVMH. Một đặc điểm chung của nhiều thương hiệu LVMH là họ bắt đầu như một doanh nghiệp gia đình, giống như doanh nghiệp riêng của Arnault. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Arnault nói rằng: “Công ty gia đình, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xa xỉ, là chìa khóa dẫn đến thành công. Khi bạn ở trong một gia đình, bạn có hai lợi thế lớn. Một là bạn có thể suy nghĩ lâu dài. Nó ngụ ý rằng tôi không quan tâm đến những con số trong sáu tháng tới, điều tôi quan tâm là mong muốn thương hiệu trong 10 năm tới vẫn sẽ được săn đón giống như ngày hôm nay. Lợi thế thứ hai của việc kinh doanh gia đình là thuê người. Khi mọi người đến với LVMH, họ không tham gia vào một nhóm riêng biệt. Họ bước vào một gia đình. Bạn không chỉ là một khách hàng nhỏ bé trong một công ty lớn, bạn là một thành viên của gia đình và bạn sẽ được chăm sóc như vậy.”

Nuôi dưỡng sự sáng tạo

Với ba mươi năm và hàng tỷ euro kiếm được kể từ khi ông nắm quyền lãnh đạo LVMH, Arnault nổi tiếng là một nhà tài chính có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, những người biết Arnault đều hiểu rằng tài năng thực sự của ông nằm ở khả năng tạo điều kiện cho sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất thế giới.

Antoine, con trai của Arnault và là Giám đốc điều hành của thương hiệu đồ da LVMH Berluti cho biết: “Tôi nghĩ sức mạnh lớn của bố tôi nằm ở khả năng nói chuyện với những người sáng tạo và khiến họ phát triển mạnh mẽ dưới sự quản lý của ông.”

 Nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH vẫn sống khỏe giữa đại dịch COVID-19: Tất cả dựa vào yếu tố đặc biệt này! - Ảnh 3.

Năm 2001, khi thương hiệu cao cấp Fendi của Ý được một nhóm người mua tiềm năng nhòm ngó, Karl Lagerfeld, giám đốc sáng tạo huyền thoại người Đức, người từng phụ trách thiết kế bộ sưu tập đồ lông thú và quần áo may sẵn dành cho phụ nữ của Fendi trong những năm 1970 đã ủng hộ thương hiệu này đầu quân cho Arnault và LVMH.

Ngoài việc nhận được sự tôn trọng của những nhà thiết kế nổi tiếng hàng đầu thế giới, Arnault còn coi LVMH là nơi đào tạo ra những nhà sáng tạo tương lai.

“Thành công của tập đoàn được tạo nên từ chất lượng của sản phẩm và nó là kết quả của những nghệ nhân và thợ thủ công phi thường đang làm việc với chúng tôi.”-  Bernard Arnault

Ông chia sẻ rằng: “Chúng tôi có một chiến dịch tuyển dụng những người trẻ tuổi mà đôi khi họ không thực sự nghĩ đến việc trở thành thợ thủ công. Nhưng một khi chúng tôi đã cho họ ý tưởng và đào tạo họ, chúng tôi có tỷ lệ thành công gần 90%.”

Cạnh tranh không ngừng nghỉ 

Sự bảo trợ của Arnault cho những sáng tạo của nhân loại cũng hòa nhập vào cuộc sống cá nhân của ông. Bắt đầu với lần mua đấu giá đầu tiên, một bức tranh của Claude Monet, Giám đốc Điều hành LVMH đã thêm các tác phẩm của Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst, Maurizio Cattelan, Andy Warhol và Pablo Picasso vào bộ sưu tập của mình.

Năm 2014, ông đặt phần lớn bộ sưu tập của mình vào Quỹ Louis Vuitton, một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Paris được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư nổi tiếng Frank Gehry. Bảo tàng có cấu trúc giống như cánh buồm, thu hút hơn một triệu du khách mỗi năm và được xem là một trong những phòng trưng bày quan trọng nhất ở châu Âu.

 Nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH vẫn sống khỏe giữa đại dịch COVID-19: Tất cả dựa vào yếu tố đặc biệt này! - Ảnh 4.

“Tôi luôn cạnh tranh. Tôi luôn muốn giành chiến thắng.”- Bernard Arnault

Ngày nay, mặc dù các cửa hàng trên khắp thế giới đã đóng cửa trong nhiều tháng, Arnault vẫn có thể tiếp tục hướng LVMH đến tương lai nhờ những dự đoán đúng đắn của ông trong suốt sự nghiệp của mình về “thú vui” tiêu tiền của người giàu.

Mặc dù hiện tại doanh thu có thể tăng chậm, nhưng Arnault đang sử dụng số tiền kiếm được từ tỷ suất lợi nhuận 45% của Louis Vuitton để chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo của mình, chi tiêu lớn để thắng lớn khi ngành công nghiệp này phục hồi.

Văn hóa sang trọng

 Nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH vẫn sống khỏe giữa đại dịch COVID-19: Tất cả dựa vào yếu tố đặc biệt này! - Ảnh 5.

Từ quan hệ đối tác với các ngôi sao Hollywood đến chiến dịch bảo tồn biển, các thương hiệu của LVMH thường xuyên xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng.

Belvedere Vodka đã được LVMH mua lại vào năm 2005. Cái tên này đã hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng bao gồm Chelsea Handler, Usher, Janelle Monáe và John Legend. Năm 2015, thương hiệu đã được chọn là loại vodka chính thức của phim Spectre- James Bond lần thứ 24.

Dom Pérignon Champagne được đặt theo tên của một tu sĩ Benedictine, nhà tiên phong có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của Champagne, nhưng trái với những huyền thoại về mình, ông đã không khám phá ra phương pháp Champagne để tạo nên rượu vang sủi. Năm 1971, Shah của Iran đã đặt hàng một số chai rượu cổ điển đầu tiên của Dom Pérignon Rosé (năm 1959) cho lễ kỷ niệm 2.500 năm của Đế chế Ba Tư. Hai chai rượu sâm panh từ đơn đặt hàng đó đã được bán đấu giá với tổng trị giá lên đến 43.000 bảng Anh vào năm 2008.

Nhãn hiệu thời trang nam và đồ da Berluti được thành lập vào năm 1895 cũng được LVMH mua lại vào năm 1993. Năm 2017, The Business of Fashion đã đưa Berluti vào danh sách 16 công ty tốt nhất để làm việc trong ngành thời trang. Những khách hàng quen thuộc của nhãn hiệu bao gồm Frank Sinatra, Robert De Niro và Timothée Chalamet.

Fenty Beauty ra đời nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm mỹ phẩm cho tất cả các tông màu da, bao gồm cả những người có tông da đậm hơn. Sự ra mắt nhãn hiệu Fenty của Rihanna vào năm 2019 đã khiến cô trở thành người phụ nữ đầu tiên dẫn đầu một thương hiệu dưới chiếc ô LVMH.

Kenzo được thành lập vào năm 1970 bởi nhà thiết kế người Nhật, Kenzo Takada đã được LVMH mua lại vào năm 1993. Thương hiệu đi tiên phong trong việc sử dụng phong cách châu Á và Nhật Bản trong việc xây dựng thời trang châu Âu. Những người đại diện bao gồm Beyoncé, Zooey Deschanel và Lorde. Britney Spears là gương mặt đại diện cho chiến dịch La Collection Memento số 2 năm 2018.

Make Up For Ever là một thương hiệu mỹ phẩm của Pháp được thành lập vào năm 1984 bởi chuyên gia trang điểm Dany Sanz và được LVMH mua lại vào năm 1999. Thương hiệu phục vụ cho các chuyên gia trang điểm chuyên nghiệp trong lĩnh vực thời trang và điện ảnh.

Nhà nước hoa Pháp Guerlain, được thành lập vào năm 1828, là một trong những thương hiệu nước hoa lâu đời nhất trên thế giới, được điều hành bởi gia đình Guerlain cho đến năm 1994, khi được LVMH mua lại. Các mùi hương như Jicky, Shalimar và Vétiver từ lâu đã ảnh hưởng đến truyền thống nước hoa. Jicky, được biết đến với mùi hương chính của hoa oải hương và vani trên cầy hương, được nhiều người gọi nó là nước hoa ‘hiện đại’ đầu tiên.

Bulgari được thành lập tại Epirus, Hy Lạp vào năm 1884 với tư cách là một cửa hàng trang sức duy nhất và mở rộng qua nhiều thập kỷ để trở thành một thương hiệu phụ kiện đẳng cấp quốc tế. Năm 2011, gia đình Bulgari đã bán thương hiệu cho LVMH với giá 6 tỷ USD, nhiều hơn mức LVMH đã trả cho bất kỳ công ty nào khác. Tính đến năm 2018, Bulgari đã ủng hộ 80 triệu USD (117 triệu đô la Úc) để cứu trợ cho trẻ em.

Năm 1999, LVMH đã mua gần 100% cổ phần hãng đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ TAG Heuer. Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Uma Thurman nằm trong số hàng chục người nổi tiếng từng đại diện cho thương hiệu này. Christoph Behling có trụ sở tại London đã trở thành nhà thiết kế chính cho TAG Heuer từ năm 2004. Sự hợp tác này đã dẫn đến một số tác phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu bao gồm đồng hồ bấm giờ nhanh nhất thế giới, Mikrogirder 1/2000th, ra mắt năm 2012.

Vào tháng 11 năm 2019, LVMH đã công bố mua Tiffany & Co., nhãn hiệu trang sức nổi tiếng với giá 16,2 tỷ USD, 135 USD mỗi cổ phiếu.

Sephora, một chuỗi cửa hàng chăm sóc cá nhân và sắc đẹp đa quốc gia của Pháp với gần 3.000 thương hiệu, được thành lập vào năm 1970 đã được LVMH mua lại vào năm 1997.

Princess Yachts là nhà sản xuất du thuyền động cơ hạng sang của Anh được LVMH mua vào năm 2008 với giá 200 triệu euro. Năm 2016, nó đã trở thành nhà sản xuất du thuyền hạng sang đầu tiên hợp tác chính thức với Hiệp hội Bảo tồn Biển. Sự hợp tác tập trung vào việc xuất bản một cuốn sách minh họa dành cho trẻ em, Enid & Her Magic Yacht, trong đó nêu bật tầm quan trọng của bảo tồn biển đối với các thế hệ tương lai.

Phương Thu

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928