– Năm 2013, Towers Watson đã đưa ra thống kê cho thấy lương của ngành ngân hàng tăng thấp so với các ngành khác. Vậy bà nhìn nhận thế nào về xu hướng tăng lương cũng như cung – cầu nhân sự của ngành trong 2014?
– Nhìn chung ngành ngân hàng năm 2014 theo tôi vẫn sẽ có mức tăng lương thấp. Theo khảo sát Towers Watson công bố hồi tháng 11/2013, lương ngành ngân hàng chỉ tăng chưa đến 9% và những người làm nhân sự còn dự báo xu hướng này sẽ thấp hơn trong năm 2014.
Riêng về tình hình cung – cầu nhân sự, dựa trên kinh nghiệm của mình, tôi thấy ở các vị trí trung và cao cấp, người giỏi vẫn có chỗ đứng, bất kể các nhà băng có tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự như thế nào thì nhu cầu tìm kiếm nhân tài vẫn lớn. Ngược lại, nhân sự ở vị trí thấp hơn, chỉ có kỹ năng cơ bản thì khả năng bị cắt giảm cao hơn.
Theo khảo sát của Towers Watson thì tỉ lệ nghỉ việc trong ngành ngân hàng là cao nhất so với các ngành cùng nhóm như bảo hiểm, quỹ và các dịch vụ tài chính khác. Theo đó, tỷ lệ người lao động tự nguyện nghỉ việc là 15,1%, còn tỷ lệ bị cho nghỉ việc do cắt giảm nhân sự hoặc tái cơ cấu là 6,2%.
– Dư luận vẫn cho rằng thu nhập của ngành ngân hàng khá cao so với các ngành khác. Là đơn vị cung cấp những thống kê chuyện nghiệp về lương, thưởng, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, bà nhìn nhận điều này thế nào?
– Những khảo sát về lương của Towers Watson với nhiều người ở cùng một vị trí cho thấy, so với các ngành khác thì ngành ngân hàng vẫn may mắn hơn khi mức lương của họ cao trung bình khoảng 9-10%. Tôi xin lấy ví dụ để làm rõ “cùng một ví trí” nghĩa là cùng làm nhân viên nhân sự tiền lương, hoặc cùng là trưởng bộ phận marketing.
|
– Vậy cơ cấu trả lương và thưởng của các ngân hàng theo quan sát của bà hiện nay ra sao?
– Thường thì sẽ gồm có lương cơ bản, thưởng cố định – mức thưởng mà chúng ta vẫn gọi là tháng 13, 14. Mức này không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Ngoài ra còn có cơ chế thưởng theo thành tích hoặc theo doanh số. Một số nơi còn có mức thưởng cho các chương trình đặc biệt. Nhưng nếu các ngành khác, khoản thưởng theo thành tích chỉ chiếm khoảng 10-15% thì với ngành ngân hàng, tỷ lệ này chiếm tới 19%. Đây cũng là lý do mà vài năm trở lại đây, khi kinh tế khó khăn thì khoản này của các nhân viên không còn được hậu hĩnh như trước nữa.
Trong số các ngân hàng tham gia khảo sát của Towers Watson thì 81% có chính sách thưởng cố định, 75% ngân hàng có thưởng theo thành tích, 58% nhà băng trả thưởng theo doanh số và khoảng 13% có áp dụng hình thức thưởng khác.
– Mức thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng qua các báo cáo tài chính thường khá cao, khoảng hơn chục triệu đồng. Nhiều nhân viên nói họ bị mang tiếng oan bởi đây phần lớn là thu nhập của các lãnh đạo. Bà thấy sao?
– Tôi cũng nghĩ quả thật họ bị oan. Qua những khảo sát về lương ở từng vị trí thì Towers Watson thấy, mức lương cơ bản trong một ngân hàng có thể thấp nhất khoảng 3 triệu đồng nhưng cao nhất có người hưởng lương cơ bản tới 200 triệu một tháng. So sánh trên để thấy mức độ phân hóa về thu nhập trong ngành này rất lớn nên nói nhân viên ngân hàng lương hàng chục triệu đồng là không phản ánh đúng thực tế.
– Vậy theo quan sát của bà, ngành ngân hàng có những chế độ phúc lợi như thế nào cho nhân viên?
– Ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam hiện có những dạng phúc lợi như: bảo hiểm về thương tật vĩnh viễn, tử vong; chăm sóc sức khỏe; chi phí phụ cấp đi du lịch, chi phí xe hơi và giao thông đi lại; trợ cấp học hành, cho mượn tiền để chi trả, kế hoạch về hưu….
Theo quan sát của Towers Watson, riêng ngành ngân hàng thường chọn hình thức phúc lợi là cho người lao động mượn tiền nhiều hơn các ngành nghề khác và 46% các ngân hàng tham gia khảo sát có chính sách hỗ trợ học phí cho nhân viên theo học các chương trình nâng cao.
– Có ý kiến cho rằng nhân sự trong ngành ngân hàng được trả lương thưởng hậu hĩnh so với ngành khác và thậm chí cao hơn năng lực thực sự. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
– Thực ra ngành ngân hàng có rất nhiều áp lực và tôi nghĩ xã hội nên có cái nhìn đầy đủ, khách quan và càng không thể so sánh như vậy. Ngân hàng là ngành rất phức tạp và tương đối mới ở Việt Nam do vậy nguồn nhân lực không quá dồi dào. Những vị trí chủ chốt đòi hỏi lượng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên biệt mà nguồn cung lao động tại thị trường Việt Nam không dễ dàng đáp ứng. Áp lực về cung cầu của thị trường, về đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ, chọn lọc và hội nhập là một vài thách thức của nhân sự ngành ngân hàng.
Thanh Thanh Lan
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!